Chính sách hỗ trợ người đi xuất khẩu lao động

05:11, 03/11/2016

Ngày 1/8/2016, Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực. 

Ngày 1/8/2016, Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC của Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực. Đây là cơ hội lớn đối với những LĐ nằm trong diện ưu tiên có nhu cầu tham gia XKLĐ

LĐ tìm hiểu thị trường XKLĐ tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh.
LĐ tìm hiểu thị trường XKLĐ tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh.

Từ nhu cầu thực tế, những năm gần đây bên cạnh sự nỗ lực giải quyết việc làm tại chỗ cho NLĐ, ngành lao động thương binh và xã hội không ngừng tìm kiếm thị trường XKLĐ cũng như tìm những chính sách hỗ trợ người dân có điều kiện làm việc tại nước ngoài.

Mục tiêu là tạo ra nguồn LĐ có tay nghề cao, đáp ứng được những nhu cầu của thị trường LĐ chất lượng cao.

So với các tỉnh trong khu vực, Vĩnh Long là tỉnh có chủ trương đưa LĐ xuất khẩu sớm nhất khu vực. Đặc biệt, 2 thị trường chất lượng cao là Hàn Quốc và Nhật Bản được nhiều LĐ chọn vì mức thu nhập cao, điều kiện làm việc và môi trường sinh sống tốt.

Thấy XKLĐ là một trong những cách vươn lên có cuộc sống ổn định, sau khi xuất ngũ trở về, em Trần Hoàng Vinh (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn) bắt đầu học nghề sản xuất chế tạo, học tiếng Hàn Quốc để chuẩn bị tham gia XKLĐ.

Em Vinh cho biết: “Em chuẩn bị cho mình nghề và vốn tiếng Hàn thật vững để có thể vượt qua kỳ thi sắp tới, có cơ hội sang Hàn làm việc, kiếm số vốn về quê nhà lập nghiệp”.

Lớp học ngoại ngữ tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh để chuẩn bị hành trang đi XKLĐ.
Lớp học ngoại ngữ tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh để chuẩn bị hành trang đi XKLĐ.

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, từ đầu năm 2016 đến nay, với trên 620 người đi XKLĐ, Vĩnh Long đạt trên 103% kế hoạch năm.

Trong đó, có 70% số LĐ tự đi XKLĐ tại các huyện và qua sự giới thiệu của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Nhờ thu nhập cao và điều kiện làm việc tốt nên Nhật Bản vẫn là thị trường chiếm ưu thế được LĐ ưu tiên lựa chọn.

Các tháng cuối năm, số LĐ xuất khẩu của tỉnh dự kiến sẽ còn tăng cao khi Hàn Quốc đã ký kết lại bản ghi nhớ nối lại thị trường LĐ sau gần 4 năm tạm dừng; đồng thời nhiều LĐ được tái nhập cảnh nhờ sau khi hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn.

Đạt kết quả trên là trong năm các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; liên kết với các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ để cung ứng LĐ theo hợp đồng.

Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tạo mọi điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay. Đồng thời, UBND cấp huyện xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và xây dựng kế hoạch thực hiện ở địa phương.

Không chỉ đạt về số lượng, những năm qua, chất lượng LĐ tham gia xuất khẩu trên địa bàn tỉnh cũng được nâng lên đáng kể, từ đó đã tạo được uy tín của tỉnh đối với các nước tiếp nhận LĐ.

Song, hoạt động XKLĐ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng LĐ hiện có.

Nguyên nhân, không ít người dân có nhu cầu đi XKLĐ nhưng trước tình trạng cò mòi, lừa đảo XKLĐ của một số tổ chức cá nhân diễn ra thời gian qua khiến người dân chưa mặn mà với hoạt động này. Bên cạnh, chi phí ban đầu để ra nước ngoài làm việc tương đối cao, đặc biệt những gia đình có kinh tế khó khăn sẽ gặp khó.

Để tạo điều kiện cho NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

Theo quy định của thông tư trên, NLĐ được xem xét hỗ trợ chính sách đi làm việc ở nước ngoài gồm các đối tượng: người dân tộc thiểu số; NLĐ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của pháp luật; thân nhân của người có công với cách mạng; đối tượng bị thu hồi đất.

Theo đó, NLĐ thuộc những diện trên sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn, chi phí đi lại trong thời gian đào tạo tập trung; đồng thời, được hỗ trợ chi phí làm thủ tục đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề và hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Trường hợp NLĐ đồng thời thuộc 2 hay nhiều đối tượng thì được lựa chọn áp dụng theo đối tượng có lợi nhất cho NLĐ và chỉ được hưởng một lần các khoản hỗ trợ.

Thông tư 09 có hiệu lực từ ngày 1/8/2016 đã giúp cánh cửa XKLĐ thêm rộng mở. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ nằm trong diện ưu tiên có nhu cầu “xuất ngoại”, qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đảm bảo an sinh xã hội…

Theo Thông tư 09, mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, ngoại ngữ tối đa là 3 triệu đồng/người/khóa học; bồi dưỡng kiến thức cần thiết hỗ trợ tối đa 530.000 đ/người/khóa học. Tiền ăn trong thời gian đào tạo được hỗ trợ 40.000 đ/người/ngày; hỗ trợ kinh phí đi lại...

NLĐ tham gia các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề theo yêu cầu của hợp đồng cung ứng giữa doanh nghiệp Việt Nam với đối tác nước ngoài được hỗ trợ bằng 70% chi phí đào tạo của từng khóa học của cơ sở đào tạo nhưng không quá mức hỗ trợ quy định...

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh