"Người phụ nữ hiện đại, hơn nữa là một nữ quân nhân thì phải làm tốt nhiệm vụ chuyên môn và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, phải lo chu toàn 2 việc chung- riêng"- đó là lời tâm sự của Thượng úy Lê Thị Mỹ An- nhân viên văn thư- bảo mật, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long.
Nhiều năm liền, chị An là nữ quân nhân tiêu biểu trong lực lượng vũ trang tỉnh. |
“Người phụ nữ hiện đại, hơn nữa là một nữ quân nhân thì phải làm tốt nhiệm vụ chuyên môn và xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, phải lo chu toàn 2 việc chung- riêng”- đó là lời tâm sự của Thượng úy Lê Thị Mỹ An- nhân viên văn thư- bảo mật, Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long.
Với nhiều sáng kiến, mô hình hay, chị đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hội, giúp hội trở thành “mái nhà chung” để chị em sinh hoạt “vừa vui, lại ích nước lợi nhà”.
Giỏi việc nước
Năm 1999, chị An được tuyển vào làm nhân viên Văn phòng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Vĩnh Long. Chưa được đào tạo cơ bản nghiệp vụ và cũng không có kinh nghiệm thực tiễn, vì vậy, để hoàn thành công việc chị phải tự tìm tòi, nghiên cứu và học hỏi từ đồng đội.
Nỗ lực vượt khó, nhiều năm liền, chị luôn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ nên được lãnh đạo tín nhiệm và tạo điều kiện để chị đi học trung cấp, sau đó là ĐH chuyên ngành văn thư- lưu trữ.
Chị khiêm tốn: “Tôi cảm thấy mình không được thông minh nên phải cố gắng để bù đắp. Với lại, ngoài năng lực bản thân thì cần phải cần cù học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nếu không sẽ bị tụt hậu”.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở Bộ Chỉ huy Quân sự, chị tổ chức nhiều cách làm sáng tạo, gầy dựng nhiều phong trào mang lại hiệu quả thiết thực.
Để phát huy truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, nêu cao tinh thần nỗ lực vượt khó, ý chí tự lực tự cường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chị đã mạnh dạn tham mưu với Đảng ủy tổ chức họp mặt phụ nữ bộ chỉ huy quân sự cụm 5 tỉnh sông Tiền.
Đây là dịp để chị em gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những mô hình có hiệu quả cũng như kinh nghiệm hoạt động của hội phụ nữ. Đến nay, mô hình này đã được tổ chức luân phiên tại các tỉnh, trở thành “điểm hẹn” của các nữ quân nhân, giúp chị em cùng tiến bộ, góp phần xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Phát huy kết quả đạt được và mong muốn chị em có sân chơi bổ ích, chị An đề xuất tổ chức các hội thi như: phụ nữ lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Long tích cực xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc, ngày hội gia đình hạnh phúc,...
Các mô hình này đã được Ban Phụ nữ Quân đội đánh giá cao về chủ đề “Chung tay xây dựng gia đình hạnh phúc”.
Để thu hút người nghe, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, chị An đề xuất tổ chức các hội thi dưới hình thức thi diễn các tiểu phẩm từ chính “chất liệu” cuộc sống, biểu dương cái tốt, phê phán những thói hư tật xấu.
Từ đó giúp cho mỗi gia đình cán bộ, sĩ quan biết soi rọi lại bản thân mình, xác định cần phải làm gì để không ngừng nêu cao ý chí và trách nhiệm trong công việc hàng ngày ở gia đình cũng như ngoài xã hội.
Chị thông tin vui: Nhờ vậy mà nhiều năm qua, 100% gia đình nữ quân nhân không có tình trạng bạo lực, mọi thành viên đều yêu thương, tôn trọng lẫn nhau, cùng chia sẻ mọi quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm.
|
Hiện nay, Hội Phụ nữ cơ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có 66 cán bộ, hội viên, được bố trí giữ nhiều nhiệm vụ khác nhau ở các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang. |
Xây dựng gia đình hạnh phúc
Hai vợ chồng chị An cùng là bộ đội nên ít có thời gian bên nhau. Chồng chị- Thượng tá Nguyễn Văn Điệt- Trưởng Ban 1 (Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 9) vắng nhà thường xuyên nên chỉ những khi ra ca trực anh mới có cơ hội về với gia đình.
Gặp anh chị trong căn nhà ngập tràn hạnh phúc, ít ai biết rằng, những lúc “chồng đi công tác biền biệt”, chị phải một mình gánh vác việc nuôi dạy con cái, “tối phải tranh thủ vào cơ quan giải quyết công việc còn tồn đọng như chuẩn bị tài liệu hội nghị, soạn thảo lịch làm việc của Đảng ủy,…”
Chia sẻ về bí quyết “giữ lửa” hạnh phúc, anh chị cho rằng, hạnh phúc chỉ có khi vợ chồng biết đồng lòng, dù có gặp phải khó khăn cũng phải “ngồi lại tìm cách vượt qua, tránh to tiếng”.
“Tôi áy náy mình không thể bên gia đình hàng ngày. May mắn là vợ tôi hiểu và thông cảm nên chẳng trách phiền gì. Những lần về thăm nhà ngắn ngủi, tôi cũng chưa giúp vợ nhiều. Tôi thật sự rất cảm kích vợ tôi, ngoài việc cơ quan còn đảm đang việc nhà, nuôi dạy 2 con ngoan hiền. Mười mấy năm chung sống nhưng vợ chồng chưa bao giờ lớn tiếng hay cãi nhau, vì vậy mà tổ ấm của chúng tôi luôn tràn ngập tiếng cười”- anh Điệt tâm sự.
Chị An tâm niệm, muốn “giữ lửa” hạnh phúc gia đình thì vợ chồng phải đồng lòng, không ngại khổ. |
Có thể nói, với rất nhiều công việc chuyên môn mang tính đặc thù và cả thiên chức của người phụ nữ trong gia đình, chị An đã giải quyết ổn thỏa, sắp xếp hài hòa giữa cái chung và cái riêng nên ở vị trí nào cũng trọn vẹn. Bởi chị luôn tâm niệm rằng “một người phụ nữ được xem là thành đạt khi thành công trong công việc và có một gia đình hạnh phúc”.
|
Đại tá Phạm Văn Bé Tư- Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự, đánh giá: “Trong mọi công việc, Thượng úy Lê Thị Mỹ An luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và khởi xướng, xung kích đi đầu trong các phong trào phụ nữ. Đảng ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh ủng hộ nhiệt tình sự sáng tạo cũng như hiệu quả mô hình của chị An, trong đó có các chính sách liên quan đến bình đẳng giới, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em,… |
Bài, ảnh: NGUYỄN THỊNH- TRẦN ĐƯỢC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin