Hỗ trợ đồng bào Khmer thoát nghèo

09:10, 02/10/2016

Vĩnh Long có trên 25.800 người Khmer, chiếm 2,48% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, từ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cộng với tinh thần vượt khó vươn lên của mỗi gia đình, cuộc sống của đồng bào Khmer ngày càng ổn định hơn.

Vĩnh Long có trên 25.800 người Khmer, chiếm 2,48% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, từ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, cộng với tinh thần vượt khó vươn lên của mỗi gia đình, cuộc sống của đồng bào Khmer ngày càng ổn định hơn.

Tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm từ 2- 4%/năm.

Chú Thạch Siêu khoe: “Đây là con “nái cưng” của tui. Chỉ tui cho ăn nó mới chịu ăn đó!”
Chú Thạch Siêu khoe: “Đây là con “nái cưng” của tui. Chỉ tui cho ăn nó mới chịu ăn đó!”

Ý thức thoát nghèo của đồng bào Khmer

Chúng tôi ngồi chờ chú Thạch Siêu (ấp Đại Nghĩa, xã Loan Mỹ- Tam Bình) bên căn nhà mới khang trang, sáng loáng, vợ chú- cô Hồ Thị Bé Hai- vừa lau nhà vừa cười: “Dọn dẹp nhà cửa đón lễ Sel Dolta. Vợ chồng tui cất nhà này hơn 120 triệu đó. Hổng tốn tiền công đâu, người nhà mần không đó”.

Chú Siêu đi mua phân tưới cỏ nuôi bò về, đon đả cười đón khách. Chú cho biết: “Tui thoát nghèo mấy năm nay rồi, nhờ con bò và cũng nhờ tui bỏ được rượu”. Con bò đầu tiên gia đình chú được Nhà nước cho mượn nuôi từ năm 2008. Từ con bò đó, đến nay chú đã trả lại 1 con nghé và xuất chuồng thêm 7 con bò khác nữa.

Năm 1985, chú Siêu đi chiến trường K, năm 1988 chú trở về mang theo căn bệnh sốt rét rừng. Và cũng từ đó chú “uống rượu ghiền” bởi có chút rượu vào là thấy ấm bụng hơn. Chú Siêu nói: “Ngày nào tui cũng uống rượu.

Đi làm thì bỏ rượu vô bọc có ống hút để uống, không có nó chịu không nổi”. Mãi đến khi chú thấy sức khỏe mình yếu dần “mần muốn hết nổi”, chú quyết tâm bỏ rượu. Từ lúc bỏ rượu được, chú chuyên tâm mần ăn và thấy sức khỏe tốt hơn.

Giờ, chú làm việc ở lò thiêu chùa Đại Thọ hoặc cùng con trai làm thợ hồ cho xung quanh. Cô Bé Hai là thợ nấu đám cho bà con trong xã. Chú Siêu hồ hởi: “Nhà tui bây giờ ai cũng là lao động chính hết rồi. Mới mua xe máy, năm sau vợ chồng tui định cưới vợ cho con trai. Nhờ siêng mần nên cuộc sống khỏe ru hà”.

Bí thư ấp Sóc Rừng Trần Văn Thảo vui vẻ cho biết: Ấp có đến 3/4 hộ là người Khmer, nhờ được Đảng, Nhà nước quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ nên nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu.

Chú Thảo dẫn chúng tôi đến nhà chị Thạch Thị Thành. Đó là căn nhà khang trang gần chùa Kỳ Son. Chồng chị Thành- anh Thạch Cua làm nghề thợ hồ chuyên lãnh cất nhà cho bà con lối xóm. Chị Thành cười tươi: “Hồi mới ra riêng, vợ chồng tui có 1 công đất này nè. Nhờ được vay vốn 10 triệu không có lời, tui mua được con bò.

Vợ chồng tui đi mần hồ có đồng vô đồng ra nên năm 2013 nhà thoát nghèo”. Chị tiếp lời: “Tui có 2 thằng con trai, thằng lớn năm nay học 12 rồi, thằng nhỏ học lớp 4, đứa nào cũng học giỏi nên tui mừng lắm. Ngoài mần hồ, tui nuôi thêm 4 con dê và 2 con bò làm vốn”.

Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào Khmer

Đồng bào dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, tập trung tại các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và TX Bình Minh.

Những năm qua, đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long được hưởng nhiều chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội, trong đó Chương trình 135 ưu tiên nguồn vốn trên 3,4 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông và 5 dự án sản xuất để tạo sức bật phát triển kinh tế- xã hội đồng bộ cho các xã có đông đồng bào dân tộc.

Thực hiện các chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, tỉnh Vĩnh Long đã cho vay hơn 15,9 tỷ đồng hỗ trợ trên 1.500 lượt hộ đồng bào dân tộc có vốn phát triển sản xuất…         

Từ hộ nghèo, được vay vốn phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi từ các chương trình, dự án của Nhà nước dành cho đồng bào Khmer khó khăn, hiện gia đình anh Kiên Sô Thanh (ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình- TX Bình Minh) vươn lên trở thành hộ khá của địa phương. Nhà cửa được xây dựng khang trang.

Các phương tiện nghe nhìn, đi lại và các vật dụng có giá trị phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình đều được anh trang bị đầy đủ.

Đại đức Thạch Chanh Nhenh- trụ trì chùa Kỳ Son (xã Loan Mỹ- Tam Bình) đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã có đông đồng bào Khmer sinh sống; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực và chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nhất là xuất khẩu lao động cho đồng bào dân tộc.

Ông Thạch Dương- Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Long cho biết: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò người có uy tín trong phum sóc để tuyên truyền và làm nòng cốt trong các phong trào ở cơ sở.

Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào phát huy dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, quan tâm giải quyết tốt những bức xúc của đồng bào và vận động đồng bào nêu cao ý thức tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế hộ gia đình.

Nhờ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều chương trình, dự án và đúng mục đích, đối tượng, nên đời sống bà con đồng bào Khmer trong tỉnh từng bước phát triển. Song, có được kết quả này, trong đó bà con Khmer có ý thức nỗ lực vươn lên, hạn chế việc trông chờ ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước.

 

Nhờ thực hiện tốt công tác dân tộc với các hình thức hỗ trợ đa dạng, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc từng bước khởi sắc, hộ nghèo trong đồng bào Khmer của tỉnh giảm đáng kể từ 23,11% của năm 2014 chỉ còn 17,62% vào năm 2015

™Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh