Gieo ước mơ trên những cánh đồng

07:10, 14/10/2016

Vừa qua, tại TP Cần Thơ hơn 200 tân sinh viên (SV) nghèo vượt khó của 11 tỉnh- thành ĐBSCL, được Báo Tuổi Trẻ tiếp sức đến trường.

Vừa qua, tại TP Cần Thơ hơn 200 tân sinh viên (SV) nghèo vượt khó của 11 tỉnh- thành ĐBSCL, được Báo Tuổi Trẻ tiếp sức đến trường. Hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, những khiếm khuyết bản thân không ngăn được ước mơ vươn lên của học trò nghèo mà là động lực giúp các em tự tin tiến bước.

Những hoàn cảnh đặc biệt tham gia buổi giao lưu tối 9/10.
Những hoàn cảnh đặc biệt tham gia buổi giao lưu tối 9/10.

Nhiều giọt nước mắt đã rơi khi được giao lưu trực tiếp với hoàn cảnh của em Võ Văn Kiệt (Sóc Trăng). Năm Kiệt học lớp 7, em bị tai nạn điện giật cướp đi đôi tay những ước mơ của Kiệt dường như bị dập tắt.

Kiệt chia sẻ: Trong lúc tuyệt vọng đó, thầy Sanh chính là người tập cho em đánh máy, viết chữ bằng chân, rồi viết chữ bằng phần cánh tay còn lại. Thầy tiếp cho em nghị lực sống, tiếp tục đến trường”.

Một năm nghỉ học để tập làm quen với khiếm khuyết, Kiệt lại tiếp tục đến trường và trở thành học sinh giỏi liên tục đến lớp 12. Trong kỳ thi tuyển sinh vừa qua, em trúng tuyển vào Trường ĐH Cần Thơ với số điểm 21 ngành công nghệ phần mềm. Kiệt chia sẻ: “Ông trời lấy đi đôi tay của em nhưng cho em lại nhiều gấp đôi như vậy. Em có nghị lực, trưởng thành hơn và biết cố gắng phấn đấu nhiều hơn”.

Kiệt cũng mong các bạn có hoàn cảnh khó khăn như mình không bỏ cuộc, phải vững vàng chiến đấu để vượt qua thử thách. Ông Vũ Trí Hải- Chủ tịch HĐQT Công ty Vinacam trân trọng những nỗ lực của Kiệt: “Chúng tôi sẽ tài trợ học bổng cho Kiệt trong 4 năm học ở trường, mỗi năm 7 triệu đồng”.

Ánh mắt các tân SV lại long lanh khi xem đoạn ghi hình 5 năm trước về SV Nguyễn Thành Tâm. Đâu đó trong hoàn cảnh của Tâm chính là hình ảnh hiện tại của các em bây giờ: nhà nghèo, bệnh tật, mồ côi, không ruộng đất,…

Nhưng, vượt lên tất cả chính là niềm hạnh phúc vô bờ khi Nguyễn Thành Tâm của ngày nào giờ đã là một kỹ sư xây dựng lành nghề. Nguyễn Thành tâm chia sẻ trong 4 năm học anh đã cố gắng rất nhiều, vay vốn học sinh SV, đi làm thêm để trang trải cho việc học.

“Nhờ cố gắng học hỏi, đến năm thứ 3 ĐH tôi xin làm việc bán thời gian ở một công ty xây dựng và có một số tiền hỗ trợ cho cuộc sống. Ngay sau khi ra trường, tôi có việc làm chính thức, thu nhập ổn”- Tâm nói thêm: “Căn chòi của tôi ngày ấy giờ đã được lợp mái tôn, cuộc sống của gia đình cũng đỡ vất vả hơn”.

202 tân SV là bấy nhiêu hoàn cảnh khó khăn nhưng khát vọng đến trường của các bạn vẫn không lay chuyển. Tân SV Nguyễn Văn Hậu (Trà Ôn- Vĩnh Long), trúng tuyển không được ông ngoại cho đi học vì “nhà mình nghèo lắm con ơi, cái ăn còn lo từng bữa, tiền đâu đi học?” Hậu phải chạy khắp xóm để mượn tiền lo học phí đầu năm. Ngay từ ngày đầu nhập học, Hậu đã xin đi làm thêm tại một quán cơm ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) và ngủ luôn tại đó để tiết kiệm tiền ăn, ở.

Nguyễn Thị Hồng Điệp (Trà Ôn- Vĩnh Long)- SV ngành báo chí- Trường ĐH Khoa học Xã hội- Nhân văn TP Hồ Chí Minh có hoàn cảnh rất đặc biệt. Cha mẹ ly hôn, mẹ Điệp mang trong người căn bệnh động kinh, viêm khớp không lao động được, em sống cùng ông bà ngoại 85 tuổi. Cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của người thân. Bà ngoại già yếu giờ phải chăm sóc ngược lại mẹ Điệp. Ngoài giờ học, Điệp đã tranh thủ đi làm thêm ở một cửa hàng quần áo để phụ giúp gia đình.

Ông Lê Quốc Phong- Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Bình Điền, Trưởng BTC Giải Golf gây quỹ học bổng “Tiếp sức đến trường” chia sẻ cùng các SV:

“Hãy vững vàng, kiên trì đi đến ước mơ của mình. Chúng tôi cũng như các nhà hảo tâm khác luôn bên cạnh để nâng đỡ các em trong lúc khó khăn. Sau này, các em thành công hãy quay lại cùng chúng tôi giúp đỡ những thế hệ đàn em của mình”.

Phó Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ Phạm Gia Túc cho biết chương trình đượm tính nhân văn, nhân đạo, trao thêm cho các tân SV niềm tự hào về sự học, về ý chí vượt khó để vững vàng đối diện với trách nhiệm lớn lao của bản thân đối với gia đình, xã hội. Ông cũng kêu gọi các tổ chức cá nhân cùng chung tay hỗ trợ các học sinh, SV nghèo được đến trường.

 

Tại buổi lễ, ông Lê Thế Chữ- Phó Tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ chia sẻ 14 năm qua, thông qua học bổng Tiếp sức đến trường, đã có hơn 44.000 tân SV được giúp đỡ. Ông nói: “Không để bất cứ bạn trẻ nào vì nghèo khó phải từ bỏ ước mơ đến giảng đường. Tân SV khó khăn, hãy gọi Báo Tuổi Trẻ”.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh