Đẹp thêm hình ảnh Công an nhân dân

05:10, 11/10/2016

Sự nhiệt tình, gần gũi khi tiếp xúc với nhân dân đã giúp chị giải quyết công việc thấu đáo, để lại ấn tượng đẹp về hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân.

 

Thượng úy Lê Thị Hồng Lạc có nhiều đề xuất về giải pháp cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân đến làm việc.
Thượng úy Lê Thị Hồng Lạc có nhiều đề xuất về giải pháp cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân đến làm việc.

Không như mọi người thường nghĩ về lực lượng công an “sao mà nghiêm nghị và... khó gần”, khi gặp Thượng úy Lê Thị Hồng Lạc- cán bộ Đội Hướng dẫn thực hiện pháp luật, đăng ký phương tiện, điều tra xử lý tai nạn giao thông thuộc Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh Vĩnh Long), tin chắc mọi người sẽ có cái nhìn khác.

Sự nhiệt tình, gần gũi khi tiếp xúc với nhân dân đã giúp chị giải quyết công việc thấu đáo, để lại ấn tượng đẹp về hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân.

Giúp dân giải quyết hồ sơ nhanh chóng

Kim đồng hồ đã điểm 10 giờ 45 phút, cũng là lúc sắp đến giờ nghỉ trưa. Khi mọi người đang chuẩn bị sắp tạm gác công việc buổi sáng, thì ông Phan Văn Nhạn- quê ở Sóc Trăng bước vào Phòng Cảnh sát đường thủy và hỏi vội với vẻ mặt mệt mỏi, lo lắng: “Giờ này nộp phạt kịp không cô? Nhà xa mà lại không biết đường, tui đi từ sáng tới giờ mới đến”.

“Vẫn còn kịp bác ơi!”- Thượng úy Lê Thị Hồng Lạc nhanh nhẩu trả lời. Ánh mắt ông Nhạn như sáng lên, xua tan mọi căng thẳng “thiệt là mừng quá”.

Rồi ông đưa tay vào túi hồ sơ tìm văn bản vi phạm hành chánh (VPHC) nhưng chẳng thấy đâu. “Tui lỡ làm mất biên bản rồi. Giờ tui có phải về địa phương làm đơn cớ mất rồi quay lại nộp phạt không?”- ông Nhạn lo ngại hỏi.

“Đơn vị cháu có mẫu tường trình cho trường hợp bị mất biên bản, bác cứ yên tâm”- nữ Thượng úy tiếp lời. Sau khi thực hiện các thủ tục theo trình tự, lúc này, đã gần 11 giờ, nữ thượng úy vẫn nhiệt tình hướng dẫn, chỉ đường để ông Nhạn nhanh chóng đến nơi nộp phạt.

Đã quá giờ làm việc, thay vì có thể về nghỉ đến đầu giờ chiều mới trở lại làm việc, thì nữ Thượng úy vẫn vui vẻ ngồi chờ để trả lại giấy tờ cho ông Nhạn trong buổi sáng. “Cảm ơn cô nhiều lắm, cô là cán bộ giao thông rất tận tâm”- ông Nhạn vui vẻ nhận lại giấy tờ.

Thượng úy Lê Thị Hồng Lạc tâm sự: “Những lời nói đó làm tôi rất xúc động, khiến tôi phải cố gắng làm việc có trách nhiệm hơn. Có những quy định về thủ tục hành chính rất phức tạp, nếu không linh động giải quyết sẽ làm cho người dân rất ngại khi phải tiếp xúc, làm việc với cán bộ xử phạt. Tôi cũng nhận ra rằng, kiến thức học ở trường rất khác với công việc hiện tại, muốn làm tốt phải nghiên cứu và nắm vững pháp luật cũng như nghị định, quy định xử phạt”.

Không còn cảnh “dân chờ cán bộ”

Theo Thượng úy Lê Thị Hồng Lạc, đa phần người vi phạm trên lĩnh vực đường thủy là những người từ nhiều địa phương khác nhau, sẽ mất nhiều thời gian đi lại làm thủ tục. Số lượng hồ sơ VPHC cũng rất nhiều, nên việc kiểm tra, tra cứu mất rất nhiều thời gian, luôn trong tình trạng “dân ngồi chờ cán bộ”, dẫn đến hiệu quả, chất lượng công tác không cao, người vi phạm không đồng tình và có thái độ thiếu thiện cảm đối với Cảnh sát giao thông.

Để giải quyết vấn đề trên, Thượng úy Lạc đã đề ra giải pháp và tham mưu với lãnh đạo đơn vị về việc soạn thảo ra những mẫu tường trình về việc mất biên bản, quá thời hạn đóng phạt,…. để người vi phạm điền đầy đủ thông tin vào là được giải quyết nhanh chóng, nhưng thủ tục vẫn đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh, trang bị cho tổ xử phạt máy vi tính để cập nhật thông tin, dữ liệu liên quan đến biên bản VPHC của các tổ tuần tra hay các trạm chuyển về nhằm tạo thuận lợi cho việc theo dõi, báo cáo, tra cứu khi cần thiết. Nhờ vậy, đến nay đã không còn tình trạng “dân ngồi chờ” cán bộ lật từ trang nhật ký để tìm hồ sơ,…

Bên cạnh, chị còn đề xuất với lãnh đạo sắp xếp hồ sơ VPHC theo số biên bản; phối hợp ngành bưu chính gửi thông báo yêu cầu chấp hành quyết định xử phạt VPHC đến địa chỉ người vi phạm bằng hình thức thư bảo đảm đối với những trường hợp quá hạn nhưng không đến nộp phạt.

Năm 2014, đã gửi 500 trường hợp và cũng nhờ sáng kiến này mà số lượng hồ sơ quá hạn chưa đến xử phạt ngày càng ít đi.

Năm 2015, giải quyết cho hơn 100 trường hợp người vi phạm mất biên bản, quá thời hạn,... được nộp phạt mà không cần phải về địa phương làm tờ tường trình hay đơn cớ mất; việc tra cứu, tìm hồ sơ vi phạm được thực hiện nhanh chóng, qua đó, tiết kiệm được rất nhiều thời gian của người dân cũng như cán bộ xử phạt.

Bên cạnh, Thượng úy Lê Thị Hồng Lạc còn trực tiếp tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân khi tham gia giao thông, tạo nên hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an trong lòng dân.

 

Thượng úy Lê Thị Hồng Lạc được Ban Giám đốc Công an tỉnh tặng nhiều giấy khen. Từ năm 2013- 2015, đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”; 3 năm liền là đảng viên “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và được Tỉnh ủy tuyên dương điển hình “tiêu biểu xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2011- 2015.

 

™Bài, ảnh: XUÂN- THỊNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh