Đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của dân

01:10, 04/10/2016

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) ở tỉnh Vĩnh Long đã đạt được hiệu quả đáng kể trên cơ sở thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và gắn kết với mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Những năm gần đây, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) ở tỉnh Vĩnh Long đã đạt được hiệu quả đáng kể trên cơ sở thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ và gắn kết với mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Lớp may công nghiệp là mô hình khá thành công từ Đề án 1956, thu hút đông đảo LĐ tham gia vì các công ty may trên địa bàn tỉnh hàng năm cần một số lượng lớn công nhân may đã qua đào tạo.
Lớp may công nghiệp là mô hình khá thành công từ Đề án 1956, thu hút đông đảo LĐ tham gia vì các công ty may trên địa bàn tỉnh hàng năm cần một số lượng lớn công nhân may đã qua đào tạo.

Đa dạng loại hình đào tạo

Thời gian qua, cùng với đào tạo nghề tập trung tại các trường trung cấp, CĐ dạy nghề, các cơ sở đào tạo còn chủ động tổ chức đào tạo lưu động tại các xã, cụm xã với các ngành nghề đào tạo theo nhu cầu của người học, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Việc đào tạo nghề được tổ chức theo địa điểm, các mô hình sản xuất tại các xã- thị trấn đã tạo thuận lợi, thu hút khá đông LĐ tham gia.

Ở thời gian đầu thực hiện đề án, các lớp dạy nghề cho LĐNT chỉ tập trung vào những ngành tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt… chỉ thu hút được số ít LĐ tham gia, chủ yếu là phụ nữ và nông dân.

Qua các năm, các ngành nghề càng được mở rộng sang các lĩnh vực may công nghiệp, công nghệ thông tin, điện dân dụng, hàn, tiện…

Điều này cho thấy, các cơ sở đào tạo nghề đã có sự chuyển biến tích cực, thích ứng với nhu cầu học nghề của người LĐ và sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Nhờ đó, số lượng LĐ qua đào tạo có việc làm chiếm tỷ lệ ngày càng cao, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo nghề.

Sau học nghề, ngoài việc được giới thiệu làm việc tại các công ty, xí nghiệp, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư mở cửa hàng kinh doanh riêng.

Anh Nguyễn Quốc Thuận (thị trấn Tam Bình) cho biết, sau khi tham gia lớp sinh vật cảnh do địa phương tổ chức, anh đã thực hiện ước mơ của mình là mở cửa hàng kinh doanh hoa lan, vừa thực hiện niềm đam mê của mình với loài cây kiểng này, vừa kinh doanh để phát triển kinh tế.

Sau hơn 1 năm hoạt động, hiện tại, sản phẩm của anh không chỉ bán cho khách hàng ở địa phương mà còn phát triển khắp các tỉnh- thành trong cả nước nhờ sự linh hoạt trong kinh doanh của mình.

Trong các lớp dạy nghề thì lớp may công nghiệp là mô hình khá thành công từ Đề án 1956. Hầu hết LĐNT sau khi học nghề may công nghiệp theo Đề án 1956 đều có việc làm tại các doanh nghiệp may trong và ngoài tỉnh.

Một số người còn thành lập tổ hợp may hoặc nhận may gia công cho các doanh nghiệp tại nhà. Đây cũng là ngành nghề góp phần giải quyết số lượng lớn về lực lượng nữ trong độ tuổi LĐ ở khu vực nông thôn, giúp họ có nguồn thu nhập ổn định để trang trải cuộc sống gia đình.

Năm 2015 đến nay, được sự hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho LĐNT từ Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh mở được nhiều lớp dạy nghề may công nghiệp có trên 500 học viên, mở lưu động tại huyện Long Hồ và Tam Bình 4 lớp đan lục bình với 120 học viên.

Sau mỗi khóa học, Trung tâm Dạy nghề còn tổ chức thi đánh giá chất lượng, các học viên được cấp chứng chỉ nghề đạt 100%. Ngoài ra, còn giới thiệu được 189 học viên vào làm tại Công ty CP May Vĩnh Tiến (TP Vĩnh Long).

Đồng thời, phối hợp với các công ty tại Khu công nghiệp Hòa Phú và các cơ sở tư nhân tại địa phương giúp các học viên nhận gia công các mặt hàng thủ công trong thời gian nhàn rỗi, thu nhập bình quân từ 1 triệu- 1,8 triệu đồng/tháng/chị.

Đào tạo theo đơn đặt hàng của người dân

Công tác đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh ta giai đoạn từ 2010 đến nay đã có những bước đi phù hợp với nhu cầu của người LĐ cũng như nhu cầu của xã hội. Đào tạo nghề cho LĐNT ở tỉnh ta không còn cứng nhắc, áp đặt từ trên xuống mà thực hiện theo đơn đặt hàng của người dân.

Người dân được chủ động chọn ngành nghề và thời gian học. Ở các vùng nông thôn, người dân sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, vì thế việc đẩy mạnh các lớp dạy chăn nuôi, trồng trọt sao cho phù hợp với xu thế phát triển khoa học kỹ thuật để gia tăng năng suất là rất cần thiết.

Thực tế, trước đây nhiều nông dân cũng chỉ nuôi trồng theo kinh nghiệm, năng suất không cao. Do đó, khi qua các lớp đào tạo nghề, nhà nông đã được trang bị kiến thức sâu hơn, cơ bản hơn.

Nhiều người sau khi được học nghề đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật mới, áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh và tự chủ trong việc thực hiện sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình...

Qua đó, có nhiều mô hình đã đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Theo ghi nhận tại nhiều địa phương, các lớp chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp thu hút rất khá lượng người tham gia.

Những năm gần đây, Trung tâm Dạy nghề và Giải quyết việc làm huyện Trà Ôn đã triển khai đều đặn nội dung này với nhu cầu thiết thực từ đời sống nông thôn như: kỹ thuật chăm sóc cam, vỗ béo bò, trồng nấm rơm...

Theo Trung tâm Dạy nghề và Giải quyết việc làm huyện Trà Ôn, nhu cầu kiến thức của phần lớn lao động nông thôn thường “bám” với mảnh vườn thửa ruộng, là lý do để đào tạo nghề nông thôn “gắn” với thực tế của người dân.

Sau bước điều tra, khảo sát, nhận thấy phần đông các hộ dân ở xã Chánh Hội có truyền thống chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông quyết định mở lớp dạy nghề chăn nuôi heo để bà con được trang bị kiến thức, có điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu rủi ro.

Dù đã nuôi heo hơn 10 năm nay nhưng ngay sau khi được tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn này, chị Nguyễn Thị Huyền và nhiều hộ dân khác trong xã đã mạnh dạn áp dụng phương pháp mới, đầu tư nuôi heo trên đệm lót sinh học với quy mô gần chục con.

Chị Huyền cho biết: “Tui áp dụng mô hình này hiệu quả hơn. Công chi phí chăn nuôi ít hơn, khi được học tui biết nhìn con heo khỏe yếu ra sao để tự xử lý thuốc”.

Theo ông Võ Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, thời gian qua, Đề án 1956 đã phát huy hiệu quả tích cực, mức thu nhập của người dân nông thôn đã được cải thiện đáng kể.

Trong giai đoạn 2016- 2020, dự án này sẽ được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, trong đó, chú trọng đẩy mạnh công tác liên kết với các doanh nghiệp để đào tạo theo yêu cầu.

Đồng thời, các cơ sở đào tạo củng cố đội ngũ giáo viên giảng dạy và cơ sở vật chất, có chương trình phối hợp liên kết giữa các cơ sở giáo dục, liên kết các cụm tuyến công nghiệp để tạo môi trường thực tế cho học viên, để nguồn LĐ đã qua đào tạo phải đủ về lượng và mạnh về chất.

Đề án đào tạo nghề cho LĐNT thời gian qua đã góp phần không nhỏ trong đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu LĐNT. Đặc biệt, nhận thức về học nghề của lực lượng LĐ ở các huyện thị trên địa bàn đã có những chuyển biến tích cực. 

Qua quá trình thực hiện giai đoạn 2010 đến ước thực hiện năm 2016, toàn tỉnh đã triển khai tổ chức được gần 2.530 lớp dạy nghề cho gần 74 ngàn LĐ ở khu vực nông thôn, trên 82% LĐ có việc làm qua đào tạo.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh