Còn bất cập trong xác định chuẩn nghèo đa chiều

02:10, 06/10/2016

Xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2016- 2020, xóa nghèo là không chỉ lo cho người nghèo đủ ăn mà phải có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tối thiểu.

Xây dựng chuẩn nghèo giai đoạn 2016- 2020, xóa nghèo là không chỉ lo cho người nghèo đủ ăn mà phải có điều kiện tiếp cận các dịch vụ tối thiểu.

Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo điều kiện để nâng cao mức sống cho người dân. Song, khi triển khai thực hiện cũng đã phát sinh một số vấn đề hạn chế, bất cập trong việc xác định đối tượng hộ nghèo ở các địa phương.

Chú Lê Văn Một thăm hỏi đời sống gia đình các hộ dân trong xã Thanh Bình- Vũng Liêm. Trong ảnh: Hộ cô Phan Thị Thanh Đào.
Chú Lê Văn Một thăm hỏi đời sống gia đình các hộ dân trong xã Thanh Bình- Vũng Liêm. Trong ảnh: Hộ cô Phan Thị Thanh Đào.

Trước đây, hộ bà Đào Thị Vân (xã Bình Ninh- Tam Bình) thuộc diện hộ cận nghèo và được hưởng một số chính sách hỗ trợ của địa phương.

Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, qua công tác rà soát, chấm điểm theo chuẩn nghèo đa chiều mới, gia đình bà Vân đã thoát nghèo. Trong căn nhà lá, tài sản có giá trị trong nhà là chiếc ti vi 14 inch cũ kỹ, tủ lạnh cũ được người bạn đan lục bình cho và chiếc xe máy mua với giá 2,2 triệu để làm phương tiện đi lại.

Những tài sản này giá trị chẳng là bao, nhưng lại gián tiếp đưa gia đình bà Vân “thoát nghèo”. Cô Vân cho biết: “Trước cũng có 2 công ruộng nhưng khó khăn quá nên đã cố rồi. Tui đươn lục bình, còn ổng thì đi mần được ngày nào hay ngày đó”.

Ở một số gia đình nông thôn, vấn đề lo cái ăn, cái mặc được xem là quan trọng nhất, nên đôi khi họ xem nhẹ các nhu cầu xã hội khác. Vì vậy, khi khảo sát theo chuẩn đa chiều, có gia đình tuy không nghèo về thu nhập, nhưng lại nghèo về phương diện khác, nên vẫn thuộc diện hộ nghèo.

Chẳng hạn, mấy năm qua, nhờ chí thú làm ăn và biết tranh thủ thời gian nông nhàn để đan đát, kết hợp với nghề mua bán dừa, nên so với nhiều hộ khác ở địa phương, cuộc sống của vợ chồng chị Bùi Thị Mộng Thu (xã Bình Ninh- Tam Bình) khá ổn định.

Tuy không nghèo về thu nhập nhưng gia đình chị lại thiếu hụt về một số lĩnh vực khác, nên theo phương pháp tiếp cận đa chiều, năm 2016 gia đình chị Thu được công nhận là hộ nghèo.

Chúng tôi đến nhà chị Lê Thị Thu Hà (ấp Thái Bình, xã Thanh Bình- Vũng Liêm) khi chị Hà đi làm thuê nên khóa cửa. Căn nhà cũ kỹ nằm lọt thỏm trong vườn tạp. Chú Lê Văn Một- Trưởng ấp Thái Bình cho biết: “Đây là 1 trong 4 hộ nghèo của ấp. Chồng em bệnh chết. Tài sản chỉ vỏn vẹn cái nhà, không có đất vườn gì hết. Con đang học lớp 12. Còn thu nhập chính là ai kêu gì
mần đó”.

Với phương thức tính điểm dựa trên biểu mẫu, chuẩn nghèo mới được xác định căn cứ vào thu nhập đặc trưng của hộ, đồng thời kết hợp với việc thực hiện các tiêu chí đo lường mức độ thiếu hụt ở 5 lĩnh vực: y tế, giáo dục, nước sạch, thông tin và môi trường.

Theo đó, tương ứng với từng tiêu chí, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có tổng số điểm từ 120 điểm trở xuống, và có thu nhập bình quân dưới 700.000 đ/ người/ tháng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo tại các địa phương tăng lên.

Do chuẩn nghèo trước đây khá đơn giản và dễ thực hiện, nên với chuẩn nghèo mới, bước đầu nhiều địa phương trong tỉnh cũng gặp khó khăn, lúng túng trong vấn đề điều tra, khảo sát hộ nghèo.

Chú Lê Văn Một cho rằng: “Việc điều tra hộ nghèo theo phương pháp đa chiều có bất cập như hộ có xe honda nên cơi thêm điểm nếu xe đó có giá trị để tránh trường hợp hộ đó cũng có xe, nhưng là xe cũ. Còn việc hộ có bao nhiêu vật nuôi cũng nên tính bao nhiêu điểm chứ đừng tính chung”.

Trong thực hiện công tác giảm nghèo, BCĐ giảm nghèo xã Quới Thiện (Vũng Liêm) cũng gặp những khó khăn, vướng mắc như việc điều tra hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều có rất nhiều mẫu biểu, cần thu thập thông tin và phải làm công thức tính toán mới xác định được mức quy định của hộ nghèo. Vì vậy, các điều tra viên còn lúng túng trong việc ghi thông tin trên mẫu điều tra và tính toán số liệu, chỉnh sửa kéo dài thời gian.

Qua thời gian triển khai thực hiện phương pháp tiếp cận đo lường hộ nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, với những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, BCĐ chương trình giải quyết việc làm và giảm nghèo tỉnh Vĩnh Long đã đề ra phương án, nhằm rà soát hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều, để đảm bảo sự công bằng trong quá trình bình xét.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Lành, cán bộ điều tra phải nghiên cứu thật kỹ và phải thật sự “thuộc bài” trong việc tính điểm cho người dân, tránh tình trạng bỏ sót hộ nghèo.

Nếu như không đúng, bà con cứ mạnh dạn phản ánh để BCĐ giảm nghèo cử cán bộ xuống khảo sát, xác định lại. Tới đây, khi có sự điều chỉnh, thống nhất trong cách tính, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho điều tra viên, góp phần đem lại một kết quả chuẩn xác, làm cơ sở thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đồng thời giúp cho các địa phương hoàn thành tốt tiêu chí giảm nghèo bền vững trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của mình.

 

 

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016- 2020, kết quả phê duyệt có 17.405 hộ nghèo, tỷ lệ 6,26%; 11.031 hộ cận nghèo, tỷ lệ 3,96%.

 

Đây là năm đầu tiên áp dụng điều tra nên đối với một số cán bộ và người dân còn lúng túng như: cách chấm điểm về tài sản, cách tính chỉ tiêu nhu cầu xã hội cơ bản mà còn thói quen cách tính theo chuẩn nghèo cũ giai đoạn 2011- 2015 là tính về thu nhập như tổng thu- tổng chi nên đây đó cũng còn gặp khó khăn hoặc có xã xác định chấm điểm tài sản chưa đúng theo quy định.

 

 Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh