Khởi nghiệp cho người nghèo đô thị

08:09, 07/09/2016

Mấy hôm nay, nhà chị Thu ở trong con hẻm nhỏ bỗng vui như tết. Trong ngôi nhà chật hẹp, đôi vợ chồng trẻ và cô con gái nhỏ lăng xăng thu thu dọn dọn…

Mấy hôm nay, nhà chị Thu ở trong con hẻm nhỏ bỗng vui như tết. Trong ngôi nhà chật hẹp, đôi vợ chồng trẻ và cô con gái nhỏ lăng xăng thu thu dọn dọn…

Hóa ra họ chuẩn bị thuê một quầy hàng nho nhỏ chuyên dán keo, sửa điện thoại, mua bán sim.

Anh chồng nói là học lóm nghề của bạn bè. Người chỉ một chút, ai rành gì dạy đó, cũng bởi học lóm nên không được “thực tập” nhiều loại máy. Anh cười rụt rè, chắc phải vừa làm vừa… học lóm thêm.

Chị Hoa chuyên giúp việc nhà theo giờ gần chục năm nay, ở tuổi gần 40, chị muốn có một cái nghề làm mà vẫn “được ở nhà mình” nên định dành dụm học may. Sao cho “có thể may được đồ bộ, áo kiểu nữ” là được.

Bởi xóm chị ở có khá đông phụ nữ, mà ai cũng phải đi thuê may quần áo. Song, cái khó là học nghề cũng phải mất ít nhất “vài chỉ vàng” nên chị vẫn còn e ngại bởi thu nhập còm cõi của mình.

Đây chỉ là rất ít trong số rất nhiều người nghèo đô thị mong muốn có một nghề trong tay để từ đó tạo dựng cơ nghiệp cho mình.

Tuy nhiên, trong khi hàng năm có rất nhiều lớp đào tạo nghề nông thôn cũng như các lớp tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp cho nông dân; thì thời gian qua và hiện nay, ở các đô thị đều rất ít có các lớp đào tạo nghề miễn phí cho người lao động.

Trong khi đó, nhiều người lao động nghèo đô thị rất mong muốn có được những nghề gần gũi, đơn giản, ít vốn để tự mưu sinh giữa chốn thị thành. Chẳng hạn như nghề nấu ăn (vài món ăn thích hợp để buôn bán, mở quán), nghề may truyền thống, sửa đồ điện gia dụng, điện thoại,v.v…

Mong rằng các ngành chức năng cũng như chính quyền đô thị có các lớp đào tạo nghề cho lao động nghèo thành thị, nhằm giúp họ tự “khởi nghiệp”, vươn lên trong cuộc sống. Đấy cũng là giảm bớt gánh nặng cho xã hội cũng như hạn chế những tệ nạn do “nhàn rỗi đô thị”.

NGUYÊN CHƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh