Đông y cơ sở và những người "thấy có trách nhiệm"

05:09, 28/09/2016

Từ mô hình hoạt động Đông y gắn với cơ sở triển khai ở xã Tích Thiện (Trà Ôn), có thể khái quát một trong những "nền móng" cho hoạt động Đông y, cũng như thỏa tiêu chí Đông- Tây y kết hợp hài hòa trong chăm sóc sức khỏe ban đầu người dân, là lấy cái gốc từ cơ sở để đi lên.

Từ mô hình hoạt động Đông y gắn với cơ sở triển khai ở xã Tích Thiện (Trà Ôn), có thể khái quát một trong những “nền móng” cho hoạt động Đông y, cũng như thỏa tiêu chí Đông- Tây y kết hợp hài hòa trong chăm sóc sức khỏe ban đầu người dân, là lấy cái gốc từ cơ sở để đi lên.

Trách nhiệm của những người “phải có trách nhiệm”

Như lịch đã lên sẵn trong tuần, sáng 19/9, cô Lê Thị Nhi (56 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Xuân) có mặt tại tổ Đông y thuộc Trạm Y tế xã Tích Thiện.

Cô cùng các cô khác trạng tuổi mình trở lên cùng có mặt đông đủ. Người sắp xếp lại đệm phơi thuốc, bỏ thuốc phơi khô vào thùng giấy; người đón người dân đến lấy thuốc định kỳ, bốc thuốc cho họ,...

Các cô có người đã từng bệnh phải bốc thuốc Nam uống lâu ngày, rồi thấy “phải có trách nhiệm” với tổ Đông y. Có cô chưa lấy thuốc lần nào, nhưng cũng “thấy có trách nhiệm” với tổ hội- khi gần nhà mình có người đi làm việc thiện.

Cô Khương (cận ảnh) và cô Nhi chuẩn bị thuốc Nam cho người dân đến lấy.
Cô Khương (cận ảnh) và cô Nhi chuẩn bị thuốc Nam cho người dân đến lấy.

Như cô Phạm Hồng Khương nhà bên cồn Tân Qui (ấp Tân Qui 1, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè- Trà Vinh) cũng sang phụ và là một trong các thành viên của tổ hội này nhiều năm nay.

Người đi bộ, sang đò, rồi đi bộ tiếp trên trạm, người đạp xe từ Vĩnh Xuân qua, người thì đi xe máy... với cùng suy nghĩ “chịu khó đi chút, làm việc thiện vậy là vui rồi”. Đây là những chi tiết chúng tôi ghi tại tổ Đông y gắn với Phòng Y học cổ truyền đặt tại Trạm Y tế xã Tích Thiện.

Ông Nguyễn Bé Mến- Tổ trưởng tổ Đông y này trước đây hốt thuốc Nam ở Thới Hòa. 3 năm nay, ông về Tích Thiện hốt thuốc, khi Hội Đông y huyện Trà Ôn xây dựng mô hình Đông y từ thiện gắn kết với hoạt động tại trạm y tế xã.

Mỗi ngày, lượng bệnh tại tổ hội hiện khoảng 40 người. Khoảng 10 người gồm phụ trách tổ hội và nhân viên như cô Nhi, cô Khương cùng xắn tay vào mọi hoạt động tổ hội từ sưu tầm cây thuốc, phơi phóng, bốc thuốc,...

Ông Nguyễn Bé Mến (bìa trái) cùng thành viên tổ hội Đông y gắn ở cơ sở của mình.
Ông Nguyễn Bé Mến (bìa trái) cùng thành viên tổ hội Đông y gắn ở cơ sở của mình.

“Người ở gần xa, đến tổ hội để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, dần rồi quen, tin tưởng, mình thấy vui, yên tâm công việc”- ông Nguyễn Bé Mến nói.

Ông Nguyễn Bé Mến cho hay, hoạt động tổ hội duy trì tốt một phần trong đó có được từ sự sâu sát của Đảng ủy và chính quyền xã. Ông kể, ông Bí thư Đảng ủy xã Tích Thiện Nguyễn Văn Nhã “quan tâm đến tổ hội lắm!” Bằng cách, ông Nhã đi đâu thấy cây thuốc Nam là chỉ tổ hội đến lấy.

Hay ông Đoàn Hùng Cường là Phó Chủ tịch UBND xã Tích Thiện, ở vườn nhà có cây thuốc Nam, khi có công có chuyện qua trạm là ông Cường cũng “chỉ điểm” thuốc cho tổ hội.

Còn vợ chồng ông Bí thư Chi bộ ấp Mương Điều Võ Minh Em cũng từng đem cả bao cỏ mực, nhãn lồng ở vườn nhà đến cho tổ hội...

Lấy cái gốc phát triển từ cơ sở

“Lãnh đạo chính quyền mà tôi thấy như vậy là tâm huyết lắm! Đó là bí quyết, là cơ sở để hoạt động hội mình phát triển đi lên. Làm nghề, mình cũng thấy phấn khởi lắm”- ông Nguyễn Bé Mến bày tỏ.

Đồng thời cho biết: “Anh em làm thiện nguyện trong tổ hội tụi tui không ngại mưa nắng, làm sao được việc, làm sao chăm sóc tốt sức khỏe ban đầu cho người dân xứ mình là vui rồi”.

Chủ tịch Hội Đông y huyện Trà Ôn Nguyễn Minh Tình cho biết, hiện huyện hội có 2 đơn vị sưu tầm, thu hái và bốc thuốc Nam từ thiện: một kết hợp với tôn giáo (Hưng Thịnh tự ở thị trấn Trà Ôn), một kết hợp với y tế xã (tổ Đông y tại Trạm Y tế xã Tích Thiện).

Theo ông Nguyễn Minh Tình, dẫu còn nhiều khó khăn trong hoạt động của các cấp hội, tổ hội, nhưng “sự ổn định luôn là định hướng hoạt động của huyện hội”.

Nhìn nhận hoạt động chung ở huyện hội là “bình bình”, nhưng qua gắn một số tổ hội cơ sở vào phong trào, mô hình điển hình, đi cùng xã hội hóa như 2 đơn vị kể trên, đã thật sự đem lại lợi ích cho cộng đồng- chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân bằng Đông y.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Tình, mô hình tổ hội Đông y sẽ làm ở 1- 2 nơi nữa, như ở Tích Thiện đang có.

Ông Nguyễn Thanh Xuân nhà bên xã Ngãi Tứ (Tam Bình), qua châm cứu tại Huyện hội Đông y Trà Ôn. Ông nói bị lệch cột sống do mần nặng, châm cứu hơn tuần rồi, cũng đỡ khá nhiều.

“Đi suốt chú ơi, có khi cả tháng. Thuốc Tây có thể trị giảm nhanh khỏi nhanh, nhưng Đông y thì phải kiên trì đi lâu dài. Phải chịu khó đi thôi chú”- ông nói.

Điều ông Xuân nói cũng tương tự với quá trình hình thành, gầy dựng và phát triển của các cấp hội Đông y nói chung: cần lâu dài, kiên nhẫn mới đem đến hiệu quả mong muốn. Bởi có thể ở nhiều tổ hội cơ sở, các cấp hội Đông y còn khó khăn về con người, chuyên môn, về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ,...

Nhưng ở đây đó, cứ nơi có mô hình tổ hội hoạt động kiểu “thấy có trách nhiệm” như ông Mến, cô Nhi, cô Khương là đã đáng phát huy, nhân rộng.

Ông Nguyễn Bé Mến

Trong khám bệnh, bốc thuốc Nam cho bà con có nhu cầu đến với mình, hay khi đi sưu tầm thu hái thuốc trong dân cư, ông và thành viên tổ hội thường “giải quyết bệnh tư tưởng” cho người dân. Đó là lời khuyên về việc tập thể dục hàng ngày, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vận động cai thuốc lá, hạn chế uống rượu bia... để đảm bảo duy trì sức khỏe tốt.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh