Dòng họ anh hùng của vùng đất anh hùng

06:09, 02/09/2016

Xe tôi bon bon trên con đường xanh xanh màu lá mạ để vào xã Trung An của huyện Vũng Liêm. Nơi đây, gia tộc họ Đỗ có đến 15 cán bộ lão thành cách mạng và rất nhiều thương binh, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đất nước.

Xe tôi bon bon trên con đường xanh xanh màu lá mạ để vào xã Trung An của huyện Vũng Liêm. Nơi đây, gia tộc họ Đỗ có đến 15 cán bộ lão thành cách mạng và rất nhiều thương binh, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đất nước.

Chú Út Hòa thường kể cho con nghe những câu chuyện về anh hùng dòng họ Đỗ.
Chú Út Hòa thường kể cho con nghe những câu chuyện về anh hùng dòng họ Đỗ.

15 cán bộ lão thành cách mạng

Nhà chú Đỗ Ký Hòa (Út Hòa) nằm quay mặt ra mé sông Mây Tức, hiền hòa như những ngôi nhà miền Tây sông nước, trong nhà có đến 2 chiếc bàn thờ với nhiều tấm bằng Tổ quốc ghi công.

Chú Hòa thờ 3 cán bộ lão thành cách mạng là ông nội Đỗ Quang Tường, cha Đỗ Quang Diêu và mẹ Trần Thị Bảy. Ngoài ra, chú còn có người anh thứ tư là liệt sĩ Đỗ Văn Diễn, bản thân chú Út Hòa cũng là thương binh.

Nói về những cán bộ lão thành cách mạng trong gia tộc, không chần chừ chú kể liền 15 cái tên họ Đỗ.

Chú Út vẫn còn nhớ như in câu chuyện của bà, của mẹ về những năm 1940- 1945... Hình ảnh người cha anh dũng luôn là đề tài trong những câu chuyện Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Bảy kể cho các con nghe.

Ông Đỗ Quang Diêu (ông Sáu Đầu Gân) là người rất giỏi tiếng Pháp, tham gia cách mạng năm 1935. Tháng 11/1940, hồi Nam Kỳ khởi nghĩa, ông giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, chỉ huy cánh quân từ Đìa Chảo tiến vào Dinh Quận, tổng chỉ huy lúc đó là đồng chí Năm Hồng.

Khởi nghĩa chiếm được dinh quận nhiều giờ, sau đó bị đàn áp và ông bị giặt bắt tù đày Côn Đảo, gia đình bị tịch biên gia sản. Mãi đến năm 1945, ông được trở về và tiếp tục tham gia kháng chiến. Năm 1959, ông Diêu bị quận Sửu, tay sai của ngụy quyền Sài Gòn bắt.

Trong tấm bảng vinh danh do Hội Người tù kháng chiến huyện Vũng Liêm tặng, còn ghi rõ thành tích của ông: “Chúng đánh đập ông vô cùng tàn bạo, ông chống trả quyết liệt, trên đường chúng giải về Vũng Liêm ông hát vang bài Quốc tế ca, ông bị kết án 7 năm tù. Sau khi ra tù, vết thương tái phát, ông lâm bệnh, từ trần”.

Chú Út kể: “Hồi Nam Kỳ khởi nghĩa, ông nội tôi là Đỗ Quang Tường cũng bị bắt, bị đày ra Côn Đảo với cha. Giặc tra tấn dã man bằng cách đóng đinh vào đầu ngón tay, chúng còn không cho tù nhân cơm ăn, nước uống. Cha tôi kể lúc đó mọi người phải uống nước tiểu để sống”- chú Út hạ giọng.

Sự hy sinh oanh liệt của những anh hùng áo vải hiện ra qua lời chú Út kể lúc bổng, lúc trầm: Ông chú Đỗ Văn Đại bị giặc phát hiện nhưng nhất định không chịu đầu hàng nên bị chúng bắn nát thây; ông chú Đỗ Quang Mười- một cán bộ lão thành có nhiều chiến công trên quê hương này, nay tên ông đã được đặt tên cho Trường Tiểu học Đỗ Quang Mười ở xã Hiếu Nghĩa.

Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Bảy tần tảo nuôi con vừa làm giao liên cho Xứ ủy Nam Kỳ. Cho tôi xem tấm chân dung phác họa mẹ Bảy trên bàn thờ, chú Út nói: “Cuộc đời mẹ tôi thời chiến là những chuỗi ngày đấu tranh vào tù ra khám, tuổi xế chiều bị vết thương hành hạ mỗi tháng nằm bệnh viện hơn 20 ngày. Thời chiến, mẹ hướng anh em tôi theo cách mạng. Thời bình, mẹ dạy chúng tôi yêu hòa bình, yêu Đảng, thương dân”.

Có lẽ chú Út Hòa phải dành đôi ba ngày mới kể hết cho tôi nghe về 15 cán bộ lão thành của dòng họ Đỗ. Ánh mắt chú cứ sáng rực khi kể về những chiến công rồi lại chùng xuống trước những hy sinh.

“Cả chục đám giỗ một ngày”

Chú Út Hòa đã không còn nhớ nỗi dòng họ mình có bao nhiêu thương binh, liệt sĩ vì những mất mát quá nhiều nhưng có 9 cái tên đã ghi sâu vào lòng chú như những ngọn đuốc soi đường.

Năm 1963, người anh họ liệt sĩ Đỗ Thành Nhơn sau khi giết tên Đội Trữ, đi về chòi thì bị lính tập kích bắn chết. Không dừng lại, chúng còn chặt đầu và mổ bụng lấy gan ông.

Chú Út nói: “Đến giờ, ở mộ anh vẫn là cái xác không đầu”. Anh thứ tư Đỗ Văn Diễn đâm tên ác ôn Tổng Bul 17 vết, bị quăng lựu đạn cùng chết với hắn. Anh em họ là liệt sĩ Đỗ Văn Minh, Đỗ Văn Nam và Đỗ Văn Chánh cùng 6 người khác là du kích xã này bị ngụy tập kích, chống trả quyết liệt, rồi cả 9 người cùng bị chúng giết dã man.

Nói rồi, chú Út chỉ về phía bên sông cách nhà khoảng 200m: “Chỗ đó, chúng bắt trói tay chân, rồi mổ bụng các anh em tôi lấy gan để xào ăn. Cái xác chúng cũng không để nguyên mà để chó bẹc giê cắn nát”.

Tháng Chạp hàng năm, khi tết sắp về thì cái xóm cặp sông Mây Tức này có chục cái đám giỗ cùng ngày!

Bản thân chú Út cũng tham gia kháng chiến và bị giặc bắt tù đày. Chú Út nói: “Năm 1971, tôi đi rải truyền đơn ở Vĩnh Long, bị chúng phát hiện và bỏ tù một năm. Về lại tiếp tục hoạt động cách mạng”.

Kể chuyện rải truyền đơn, chú Út cười: “5 giờ sáng, tôi lên xe đạp đi chợ Vĩnh Long, vì lúc này bà con mình đã nhóm chợ mà rải lúc này là ít bị phát hiện nhất. Truyền đơn tôi để trong quần ống loa, cứ chạy một chút thấy xe ba gác gần qua mặt lại lấy tay vỗ vỗ hai bên đùi cho truyền đơn rớt xuống, bay ra theo gió…”.

Phía sau căn nhà chú Út khoảng 300m là khu mộ dòng họ với hơn chục ngôi mộ với hàng lối, lớp lang thứ bậc. Chú Út nói: “Trước hết là ông bà nội, sau là cha, mẹ,… và hàng này là của các anh em”.

Những ngôi mộ đặc biệt với ngôi sao vàng được đắp nổi trên đầu bia mộ. Rồi chú Út chắc lưỡi nói thêm: “Còn 3 người đến nay vẫn chưa tìm được xác là ông Đỗ Văn Ngoạn, Đỗ Văn Dị và Đỗ Văn Đại”. Nhưng cứ đến ngày 19 tháng Chạp hàng năm là anh em họ Đỗ về nhà chú Út cùng tảo mộ ông bà.

Dòng họ Đỗ anh hùng vẫn luôn giữ vững niềm tin cách mạng. Chiến tranh đã đi qua rất lâu nhưng hình ảnh những anh hùng áo vải ấy sẽ sống mãi trong lòng người theo năm tháng.

Ông Lê Minh Khánh- cán bộ lao động- thương binh và xã hội xã Trung An

Họ Đỗ là một dòng họ lớn ở xã này với 15 cán bộ lão thành cách mạng và nhiều cán bộ thương binh, liệt sĩ. Ngoài họ Đỗ, huyện Vũng Liêm còn có họ Hà là “Địa chỉ Đỏ” của tỉnh.

 

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh