Chuyến viếng Lăng Bác đong đầy cảm xúc

05:09, 02/09/2016

Trung tuần tháng 8, 38 người có công tỉnh Vĩnh Long là Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh 1/4 và người bị tù đày kháng chiến đã có chuyến ra thăm Thủ đô ngàn năm văn hiến, viếng Lăng Bác đong đầy cảm xúc.

Trung tuần tháng 8, 38 người có công tỉnh Vĩnh Long là Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh 1/4 và người bị tù đày kháng chiến đã có chuyến ra thăm Thủ đô ngàn năm văn hiến, viếng Lăng Bác đong đầy cảm xúc.

Đây là chuyến đi hàng năm được tỉnh tổ chức nhằm tri ân, thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa cũng như sự quan tâm chăm lo gia đình người có công.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp hình lưu niệm cùng đoàn người có công tỉnh nhân chuyến về Thủ đô viếng Lăng Bác. Ảnh do đoàn cung cấp
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp hình lưu niệm cùng đoàn người có công tỉnh nhân chuyến về Thủ đô viếng Lăng Bác. Ảnh do đoàn cung cấp

Thỏa lòng mong ước

Trở về sau chuyến về thăm Lăng Bác đã 1 tuần, vậy mà cảm xúc vui sướng, tự hào vẫn còn vẹn nguyên trên gương mặt Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Nhứt (79 tuổi, ấp Quang Huy, xã Hiếu Phụng- Vũng Liêm). Mẹ cười hiền: “Tâm nguyện, ước mơ trong đời được một lần ra Thủ đô vào Lăng viếng Bác, được tận mắt thấy Bác Hồ đã trở thành hiện thực. Mẹ hạnh phúc lắm con ơi!”

Không chỉ có mẹ Nhứt, mà 37 thành viên còn lại đều chung cảm giác hạnh phúc, vui sướng, cảm động khi hòa vào dòng người xếp hàng vào Lăng viếng Bác.

Mẹ Nhứt tâm sự: “Được tận mắt nhìn thấy Bác, ai ai trong đoàn cũng rưng rưng nước mắt. Mẹ đi chầm chậm để khắc sâu hình ảnh của Bác trong tim mình”.

Nghe cán bộ huyện thông báo mẹ là 1 trong 3 Mẹ Việt Nam anh hùng của huyện Vũng Liêm sẽ được ra Hà Nội, được viếng Lăng Bác Hồ, mẹ mừng lắm nhưng cũng lo tuổi già, “tim hơi hồi hộp” rồi lại lần đầu được đi “xe bay” (máy bay) hổng biết như thế nào?

Nhưng đoàn đi ai cũng khỏe khoắn, kể chuyện chuyến đi thành công hết biết. Mẹ về kể cho cháu nội nghe “bà nội được gặp Bác, thăm nhà sàn, ao cá, những kỷ vật của Bác. Con ráng học giỏi để làm cháu ngoan Bác Hồ nghen”.

Cô Trần Thị Bạch Mai- thương binh và là Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến xã Tân Hạnh (Long Hồ) chia sẻ: “Đây là lần thứ 2 cô vinh dự được viếng Lăng Bác.

Vào gặp Bác thì cứ muốn nhìn mãi, nhìn mãi, rưng rưng không muốn đi. Suy nghĩ về Bác Hồ, hạnh phúc biết bao, dân được hưởng hòa bình. Tự hứa với lòng, càng phải cố gắng học tập tấm gương của Bác”.

Ngôi nhà sàn cùng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc lâu nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đã trở thành biểu tượng của phong cách và đạo đức Hồ Chí Minh.

Nơi đây không chỉ mang đậm dấu ấn lịch sử, mà còn là một di sản kiến trúc, di sản văn hóa của Việt Nam.

Với chú thương binh 1/4 Lê Văn Thiếu (ấp Trung Hưng, xã Trung Hiệp- Vũng Liêm) thì: “Lần đầu tiên được đến nơi làm việc của Bác Hồ, càng hiểu và học tập cách sống giản dị của Bác. Có thêm động lực để tiếp tục lao động, xứng đáng là thương binh tàn nhưng không phế theo lời Bác dạy”.

Ghi nhớ công lao- đền ơn đáp nghĩa

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh- Phan Thị Mỹ Hạnh cho biết, việc tổ chức đoàn cho các Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công về Thủ đô Hà Nội và viếng Lăng Bác được tỉnh tổ chức hàng năm.

Qua đó, thể hiện lòng tri ân sự hy sinh, cống hiến của các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công trong sự nghiệp kháng chiến giành độc lập tự do cho dân tộc, là sự động viên, khích lệ tinh thần cho các mẹ sống vui, sống khỏe; đồng thời giúp các mẹ, người có công thỏa lòng mong ước được một lần ra thăm Lăng Bác.

Tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã gặp mặt đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Long, ghi nhận và biểu dương tỉnh Vĩnh Long đã chăm lo thực hiện khá tốt chính sách cho người có công.

Đồng thời, đề nghị tỉnh không ngừng phát huy những thành tựu và lợi thế của địa phương, chung tay góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân để trong thời gian tới làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa.

Đặc biệt trong năm 2016, Vĩnh Long cần hoàn thiện hồ sơ để tiếp tục công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng thêm 1.175 mẹ.

Phó Chủ tịch nước mong muốn các Mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với cách mạng tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tiếp tục nêu gương đóng góp cho đất nước, cho địa phương, giáo dục con cháu truyền thống yêu nước và cống hiến cho đất nước, phấn đấu xây dựng nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.

Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh- Phan Thị Mỹ Hạnh: Toàn tỉnh có hơn 50.000 người có công, trong đó có 2.799 Mẹ Việt Nam anh hùng. Trong những năm qua, công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công được thực hiện nghiêm túc, chu đáo, 100% Mẹ Việt Nam anh hùng được phụng dưỡng đến hết đời và 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức bình quân của người dân nơi cư trú. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh Vĩnh Long đang phát triển nhanh chóng, đời sống nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên.

THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh