Bất hợp lý "vạch sơn liền" đường Đinh Tiên Hoàng

07:09, 07/09/2016

Đường Đinh Tiên Hoàng (TP Vĩnh Long) trước kia thuộc hệ thống Quốc lộ 1. Từ khi có tuyến tránh TP Vĩnh Long đưa vào sử dụng, từ tháng 1/2011, xe liên tỉnh không còn đi vào TP Vĩnh Long, vì vậy không được quan tâm sửa chữa.

 

Đường Đinh Tiên Hoàng có vạch kẻ đường liền, nếu chấp hành đúng luật (không đè vạch) thì rất khó vào nhà.
Đường Đinh Tiên Hoàng có vạch kẻ đường liền, nếu chấp hành đúng luật (không đè vạch) thì rất khó vào nhà.

Đường Đinh Tiên Hoàng (TP Vĩnh Long) trước kia thuộc hệ thống Quốc lộ 1. Từ khi có tuyến tránh TP Vĩnh Long đưa vào sử dụng, từ tháng 1/2011, xe liên tỉnh không còn đi vào TP Vĩnh Long, vì vậy không được quan tâm sửa chữa.

Từ đó, đoạn đường này xuống cấp trầm trọng, mặt đường xấu và nước đọng ứ mỗi khi trời mưa, có khi mưa lớn nước đọng lên đến hơn 15cm, làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và ATGT.

Đến cuối năm 2015, qua nhiều lần kiến nghị của UBND tỉnh Vĩnh Long, Bộ GTVT mới đầu tư nâng cấp tuyến đường Phạm Hùng (từ cổng chào TP Vĩnh Long), đường Nguyễn Huệ, Đinh Tiên Hoàng và đoạn từ cầu Đường Chừa (xã Tân Hạnh) đến nút giao tuyến tránh TP Vĩnh Long và bàn giao cho tỉnh Vĩnh Long quản lý, như vậy, toàn tuyến này đã trở thành đường đô thị.

Tuyến đường Đinh Tiên Hoàng và tuyến từ cầu Đường Chừa đến nút giao tuyến tránh TP Vĩnh Long, có chiều dài khoảng 3,5km được nâng cao chống ngập và đặt cống thoát nước dọc hai bên.

Từ đó đến nay, người dân Phường 8 nói riêng, người dân TP Vĩnh Long đều phấn khởi vì không phải sống trong cảnh nắng bụi, mưa ngập.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao trên đường đô thị lại vẽ vạch sơn liền. Trong khi đoạn này cơ sở kinh doanh, xe tải, xe cá nhân nhiều, xe ra vào phải rẽ trái, rẽ phải, quay đầu... nhưng đường lại vẽ vạch trắng liền, ngăn trở, buộc phải... vi phạm Luật Giao thông đường bộ...

Nhiều người điều khiển môtô, xe máy sang đường cũng biết mình đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng buộc lòng phải... vi phạm.

Nguyên nhân người dân phản ánh rất đơn giản, ai nhìn cũng thấy: Đơn vị thi công vẽ vạch tim đường màu trắng liền dọc, ngang 10cm. Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (QCVN 41: 2012/BGTVT), đây là vạch số 1.1 Phân chia dòng phương tiện giao thông đi ngược chiều nhau, xe không được đè lên vạch. Về chỉ tiêu kỹ thuật: Vạch liền nét màu trắng, rộng 10cm kẻ trên đường có cường độ giao thông lớn hơn 1.000 xe/ngày đêm, xe không được đè qua vạch.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định:

Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ (khoản 5 Điều 4).

Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ (khoản 1 Điều 9).

Hệ thống báo hiệu đường bộ gồm hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, cọc tiêu hoặc tường bảo vệ, rào chắn (khoản 1, Điều 10).

Vạch kẻ đường là vạch chỉ sự phân chia làn đường, vị trí hoặc hướng đi, vị trí dừng lại (khoản 5 Điều 10).

Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ (khoản 1 Điều 11).

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ thì, trên đường Đinh Tiên Hoàng, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không thể quay đầu, không thể rẽ trái, rẽ phải. Như vậy thì người dân nơi đây muốn không vi phạm luật phải chạy hết tuyến mới quay lại để vào nhà. Đây là việc hết sức phí phạm công sức, thời gian, trong khi đường không lớn nhưng lại không thể sang đường tự do như một đường đô thị thực sự.

Ông Nguyễn Văn Bé (Phường 8- TP Vĩnh Long) bức xúc nói thẳng: “Nhà tui ở đây, trong khi lộ nhỏ, không có dải phân cách, nhưng đi chợ về hoặc từ nhà ra là phải vi phạm Luật Giao thông, vì nếu không phải chạy xe đi lòng vòng vài cây số. Thật vô lý. Đây là một hình thức ép người dân vi phạm pháp luật. Hoặc nói cách khác là bẫy người dân...”.

Theo cảnh sát giao thông cho biết, trước nay chưa xử lý trường hợp nào đè vạch, tức là rẽ trái, rẽ phải trên đường Đinh Tiên Hoàng. Tuy nhiên, để như vậy người dân sẽ quen dần và nghĩ vạch liền hay vạch đứt quãng cũng không quan tâm, từ đó mất đi ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ và khi tham gia giao thông ở những nơi khác, người dân không còn cảm giác với vạch này dẫn đến tùy tiện sang đường và có thể xảy ra TNGT.

Với những ý kiến của người dân, những bất cập trên đường Đinh Tiên Hoàng, cụ thể là vạch kẻ đường, người dân rất mong cơ quan chức năng kiểm tra lại; nếu thấy thật sự không phù hợp thì nên sớm khắc phục, sửa chữa...

 

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 60.000- 80.000đ đối với hành vi vi phạm: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường (đối với môtô, xe máy).

Phạt tiền từ 100.000- 200.000đ đối với một trong các hành vi vi phạm: Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường; chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường (đối với ôtô).

Bài, ảnh: HẠNH UYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh