Tự lo hay là sẻ chia cộng đồng cùng BHYT?

08:08, 29/08/2016

Nhiều vấn đề về tham gia BHYT theo hộ gia đình, BHYT học sinh, tiện ích của tấm thẻ BHYT khi chẳng may có đau bệnh... đã được đặt ra trên bàn đối thoại trực tiếp giữa cơ quan BHXH và người dân xã Tân Lược (Bình Tân) hồi giữa tháng 8.

Nhiều vấn đề về tham gia BHYT theo hộ gia đình, BHYT học sinh, tiện ích của tấm thẻ BHYT khi chẳng may có đau bệnh... đã được đặt ra trên bàn đối thoại trực tiếp giữa cơ quan BHXH và người dân xã Tân Lược (Bình Tân) hồi giữa tháng 8.

Giờ hầu hết người bệnh lão khoa, bệnh phải điều trị dài ngày, liên tục đều có tham gia BHYT để giảm một phần gánh nặng chi phí.
Giờ hầu hết người bệnh lão khoa, bệnh phải điều trị dài ngày, liên tục đều có tham gia BHYT để giảm một phần gánh nặng chi phí.

Đối thoại trực tiếp đang là kênh thông tin sinh động để cơ quan BHXH, chính quyền địa phương và người dân thấu hiểu để cùng nhau thực thi chính sách BHYT, BHXH sao cho hiệu quả nhất.

Nhận thức tăng

Nhà ông Mai Văn Chưởng (ấp Tân Định, xã Tân Lược) hiện có 3 người, gồm vợ chồng ông và người con trai và đều có tham gia BHYT. “Tui mua BHYT cho cả nhà luôn, có thẻ BHYT liên tục 5- 6 năm nay rồi. Thẻ BHYT hết hạn là đáo hạn lại liền”- ông Chưởng nói.

Ông Chưởng hiện là Phó Ban nhân dân ấp Tân Định nên ông thừa hiểu phải “đi trước” cho “làng nước theo sau”.

Ông Chưởng kể mới đây ông có bệnh, xuống Bệnh viện Đa khoa Bình Tân khám điều trị, sau đó chuyển sang bệnh viện bên TP Cần Thơ: “Khám tổng quát hết trơn trong người mà đâu có hơn 300 ngàn đồng. Có BHYT mới vậy, thay vì không có thì khoản tiền chi cho việc này sẽ hơn nhiều lần”.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lược Phạm Văn Chuyến kể ở xã có trường hợp học sinh mắc bệnh nặng, phải lên TP Hồ Chí Minh chữa trị. Do khoản điều trị quá lớn, lên tới 180 triệu đồng, và do không có BHYT nên người nhà gọi về trường em học dưới quê để “nhờ làm sao đăng ký mua thẻ BHYT” (trước em này không tham gia tại trường học). Trường học, địa phương và người nhà em lúc này mới ngớ người ra, vì nếu đăng ký mua BHYT thì phải chờ cả tháng sau mới có thẻ.

Ông Chuyến kể câu chuyện thực tế trên để thấy, trong tuyên truyền vận động BHYT ở địa phương còn gặp không ít khó khăn. Mà có nhà nói thẳng rằng “tui có điều kiện, tui có thể tự lo cho con tui (khi đau bệnh) được!”

Nhưng trước sự không mong muốn là chẳng may đau bệnh bất ngờ mà không có cái thẻ BHYT cầm tay thì phải chạy vạy tiền, rất tốn kém.

Theo ông Nguyễn Quang Thái- công chức văn hóa- xã hội thuộc UBND xã Tân Lược, độ bao phủ BHYT toàn dân của xã đến tháng 7/2016 là 82,7%. Tình hình vận động phát triển BHYT khá khả quan, bà con nhận thức về BHYT ngày càng nâng lên.

Tuy vậy, vẫn còn khá nhiều gút mắc cần tháo gỡ để bao phủ BHYT và tiến tới BHYT toàn dân theo lộ trình. Vấn đề đặt ra không chỉ riêng cho Tân Lược, mà hầu như tất cả các địa bàn trong tỉnh.

Tham gia BHYT: trách nhiệm và chia sẻ

Toàn xã Tân Lược hiện có 4 đại lý thu BHYT. Ông Cao Ngọc Hiệp- một trong các đại lý thu nói, thẻ BHYT đáo hạn hay mua mới phải đăng qua bưu điện. Bưu điện khi giao thẻ, nhiều khi không giao cho đại lý mà gặp cán bộ xã đội thì cán bộ ấy ký nhận thay luôn.

Nên đại lý thu có khi không kiểm tra được số thẻ BHYT đến kỳ giao nhận trên địa bàn mà mình quản lý.

“Cái khó ở chỗ người đáo hạn thẻ BHYT khi họ cần tấm thẻ ấy đi khám chữa bệnh liền, liên hệ với đại lý thu chưa có, trong khi tấm thẻ BHYT đã được giao và còn nằm ở đâu đó chưa tới nơi cần tới”- ông Hiệp kể và đề xuất cơ quan BHXH tỉnh, huyện cần “cải thiện sự rườm rà này”.

Ông Phạm Minh Dương- Phó Giám đốc BHXH tỉnh Vĩnh Long- thừa nhận sự phối hợp giữa BHXH và bưu điện trong trường hợp này chưa đồng bộ.

Theo ông, tinh thần là 2 đơn vị phối hợp để cải cách tối đa, nhanh nhất có thể trong việc cấp phát thẻ BHYT cho người dân. Sắp tới, phải rà soát lại việc này để tấm thẻ BHYT được chuyển đến đúng người, đúng chỗ, đúng nơi.

Ông Nguyễn Khánh Duy- Phó Giám đốc phụ trách BHXH huyện Bình Tân- nói về việc thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện: Người dân tại xã đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Tân Lược, có thể lên thẳng bệnh viện Bình Tân, Bình Minh khám mà không cần chuyển tuyến.

Ông Phạm Minh Dương nói thông tuyến sẽ tạo điều kiện để bà con lựa chọn nơi khám chữa bệnh mà mình yên tâm tin tưởng. Từ đó, tạo nguồn lực để công tác phục vụ chăm sóc sức khỏe tại các cơ sở y tế ngày thêm tốt.

Ông Võ Thanh Tùng- cán bộ phụ trách chăm sóc trẻ em xã Tân Lược nêu: Nếu người dân tham gia BHYT đủ 5 năm thì... cơ quan BHXH cứ in thẳng vào đó là 5 năm liên tục. Thực tế hiện nay có thẻ in, có thẻ không in, nên khó cho sự đồng đều thụ hưởng chính sách.

Vấn đề nữa là bán BHYT cho hộ gia đình và học sinh: gia đình có 4-5 nhân khẩu, trong đó có 2 học sinh, mua BHYT hộ gia đình thì học sinh trong nhà đóng ít, đại lý không bán (!) và để học sinh đó mua BHYT theo diện trường học nên phải đóng tiền nhiều hơn (!)

Ông Phạm Minh Dương trả lời: Bất cập này cơ quan BHXH đã nhiều lần phản ánh với Trung ương để xem xét, giờ thì chưa nhưng chắc chắn sẽ có điều chỉnh. Tuy nhiên, “con mình học tại trường thì phải có một phần trách nhiệm chia sẻ cộng đồng giữa bạn bè với nhau (tức tham gia BHYT học sinh).

Tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ mức đóng: người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở (54.450 đ/tháng, tức 653.400 đ/năm). Người thứ 2 đóng bằng 70% của người thứ nhất (38.115 đ/tháng), người thứ 3 đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất (32.670 đ/tháng), người thứ 4 đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất (27.225 đ/tháng), từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất (21.780 đ/tháng).

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh