"Trẻ em như búp trên cành"

05:08, 30/08/2016

Trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em thông qua các luật, chính sách cùng nhiều chương trình hành động.

 

Các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhận học bổng từ quỹ vận động của Trung tâm Công tác xã hội.
Các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhận học bổng từ quỹ vận động của Trung tâm Công tác xã hội.

Trong chiến lược phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em thông qua các luật, chính sách cùng nhiều chương trình hành động.

Tỉnh Vĩnh Long trong những năm qua cũng đã làm tốt công tác trẻ em, từ sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã thu hút, tập hợp nhiều nguồn lực, kêu gọi sự chung tay hành động của các tổ chức xã hội, đoàn thể và toàn dân.

Dành cho trẻ những điều tốt đẹp nhất

Trẻ em là vấn đề quan tâm toàn cầu, bởi đây là đối tượng dễ bị tác động, ảnh hưởng từ những yếu tố bên ngoài đến sự phát triển, hoàn thiện về thể chất, trí lực, nhân cách của trẻ; và đây cũng là nguồn lực tương lai của xã hội.

Đặc biệt, trong quá trình phát triển mạnh mẽ của đất nước, đang dần nới rộng khoảng cách, lộ rõ sự phân cực giàu nghèo, sự thụ hưởng khác biệt giữa thành thị và nông thôn... Từ đó, cũng xuất hiện nhiều hơn các đối tượng trẻ em cần được đặc biệt quan tâm, chăm sóc và bảo vệ.

Trong điều kiện khó khăn, song nhiều năm qua Vĩnh Long đã thực hiện khá tốt công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, thông qua rất nhiều hình thức, chương trình hành động; trong đó, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Vĩnh Long (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) được đánh giá cao trong việc vận động, tập hợp được nhiều nguồn lực, các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm trong và ngoài nước.

Kế hoạch vận động trong năm 2015 là 22,2 tỷ đồng, nhưng đã đạt gần 50 tỷ đồng; kịp thời hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo được đến trường, được phục hồi chức năng đảm bảo sức khỏe.

Thông qua nhiều chương trình nhân đạo như: trao học bổng, xây trường mẫu giáo, xây nhà Khăn quàng đỏ, phẫu thuật sứt môi và hở hàm ếch, phẫu thuật tim, trao dụng cụ học tập, trao quà dịp lễ tết...

Sau 10 năm gắn bó tài trợ cho công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em tỉnh Vĩnh Long, Tổ chức Dillon (Hoa Kỳ) nhận thấy ý nghĩa xã hội và hiệu quả tốt và tiếp tục ký kết tài trợ 734 triệu đồng năm 2016.

Những chương trình hành động đó đã kịp thời san sẻ, cứu giúp nhiều mảnh đời non trẻ kém may mắn trong nhiều năm qua.

Bắc nhịp cầu từ trái tim đến trái tim

Hàng chục năm nay, Trung tâm Bảo trợ xã hội (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) như một “mái nhà chung” cho biết bao mảnh đời bất hạnh.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, từ tháng 5/2014, Trung tâm Bảo trợ xã hội được bổ sung chức năng và chuyển đổi thành Trung tâm Công tác xã hội. Hiện đơn vị có 2 cơ sở: một ở ấp Phước Yên, xã Phú Quới (Long Hồ) và một ở phường Đông Thuận (TX Bình Minh).

Theo ông Nguyễn Ngọc Chi- Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội: Ngoài các chức năng phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cho người tâm thần; cung cấp các gói dịch vụ cho các đối tượng bảo trợ xã hội thì trẻ em là đối tượng được dành nhiều sự quan tâm chăm sóc đặc biệt, từ những em bé sơ sinh cho đến tuổi trưởng thành.

Từ khi được bổ sung chức năng công tác xã hội, các nhóm chức năng này đã phát huy hiệu quả, gắn kết hơn với cộng đồng; đặc biệt là kết nối yêu thương, chung tay cùng cộng đồng, các cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời lo cho các đối tượng bảo trợ xã hội.

Từ nhân viên cho tới lãnh đạo ở đây đã trở thành các “ba”, các “má” của trẻ, không chỉ lo cho bữa ăn, giấc ngủ mà còn lo chuyện bệnh tật, cho tới học hành định hướng tương lai.

Hơn 11 năm sống ở trung tâm này, em Nguyễn Văn Phi (17 tuổi), không khỏi xúc động, rơm rớm nước mắt khi nhắc về cuộc đời mình. Từ một đứa trẻ bị bỏ rơi hồi 1 tuổi, bà ngoại nuôi lượm Phi trong cái thau bỏ ngoài đường, đem về nuôi. Rồi tuổi già sức yếu sợ ngày qua đời không ai lo cho Phi nên ngoại gửi em vào đây từ năm 2004.

Bỡ ngỡ, xa lạ, lo sợ của một đứa trẻ mới 6 tuổi, Phi mang cảm giác “hai lần mồ côi”. Nhưng rồi các “ba”, các “má” ở đây đã mang lại cho em một cuộc sống mới, một “gia đình” mới, được ăn uống đầy đủ, học hành đàng hoàng.

Phi đã biết nhận thức được trách nhiệm phải trở thành người tốt mà các “ba”, các “má” ở đây thường khuyên nhủ. Còn trường hợp của một em bị khuyết tật câm điếc, Trung tâm Công tác xã hội phải đưa em đến tận Trà Vinh để được học chương trình dành riêng cho trẻ khuyết tật. Khi chương trình này bị gián đoạn, các “ba”, các “má” ở đây lại chạy đôn, chạy đáo tìm nơi khác vì không nỡ để em bị mù chữ.

Đó chỉ là vài ví dụ trong hàng trăm trường hợp trẻ em được nuôi dạy tại đây. Hiện Trung tâm Công tác xã hội có hẳn một trạm y tế, 2 lớp học mẫu giáo.

Cuộc đời các bé bắt đầu bằng những bất hạnh và đây là nơi các em tìm thấy niềm tin, hạnh phúc tương lai. Để làm tốt điều này, cần sự đóng góp của cộng đồng, của các cá nhân, đoàn thể, các nhà hảo tâm và quan trọng hơn là cần có những con người lặng lẽ “thắp” lên cho đời niềm tin yêu cuộc sống.

 

Những con số “biết nói” tại hội nghị tổng kết hoạt động Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Vĩnh Long năm 2015: Vĩnh Long hiện có hơn 243.000 trẻ em, chiếm gần 24% dân số của tỉnh; trong đó, có gần 6.000 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, có gần 13.000 trẻ có nguy cơ cao bị ảnh hưởng xấu từ những tác động xã hội. Ngoài ra, đối tượng cần được quan tâm là các trẻ em trong các hộ gia đình nghèo (hơn 10.000 em) và hộ cận nghèo (hơn 13.000 em).

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh