Tả tơi "xóm Việt kiều"

08:08, 15/08/2016

Biển Hồ (Campuchia) cạn cá, hàng ngàn Việt kiều hồi hương trong nghèo túng. Nhiều người trong số này dựng lều, bạt sống vất vưởng ven hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh

Biển Hồ (Campuchia) cạn cá, hàng ngàn Việt kiều hồi hương trong nghèo túng. Nhiều người trong số này dựng lều, bạt sống vất vưởng ven hồ Dầu Tiếng, tỉnh Tây Ninh

Chiều 12-8, mưa lớn trút xuống hồ Dầu Tiếng (khu vực thuộc Tây Ninh). Gió lốc giật liên hồi. Sát mép hồ là cảnh tượng xót xa:

Hàng trăm con người có cả đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ co ro trong những căn nhà sơ sài, rách mướp. Nơi đây tơi tả, chắp vá nhưng lại mang danh là xóm Việt kiều.

Hồi hương bằng… thuyền rách

Có hơn 1.000 người di cư từ Campuchia về đang đeo bám quanh hồ Dầu Tiếng để sinh sống. Riêng xóm Việt kiều tại ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh có khoảng 180 hộ (800 người).

Vợ chồng ông Đặng Văn Ngọc sửa lại “căn nhà” của mình sau cơn mưa như trút nước
Vợ chồng ông Đặng Văn Ngọc sửa lại “căn nhà” của mình sau cơn mưa như trút nước

Về nước 5 ngày trước, ông Đặng Văn Ngọc (tức Hai Ngọc) là thành viên mới nhất ở xóm này. Không có vali, không có quà cáp như các Việt kiều Mỹ, ông Hai Ngọc cùng vợ và 4 đứa con nhỏ tìm về cố quốc với chiếc giỏ xách và mấy bộ đồ cũ mèm.

Chào đời trên một chiếc ghe neo bám ở Biển Hồ (hồ nước ngọt lớn nhất Đông Á, thuộc Campuchia), 43 tuổi, đây là lần đầu tiên ông Hai Ngọc về Việt Nam nhưng vì đã “mất gốc” nên không có họ hàng chào đón.

Cả gia đình ông chui rúc trong túp lều khoảng 4 m2 ở xóm Việt kiều, tài sản chỉ có giường, bếp than cùng mấy cái nồi. “Tôi về nước thì hết sạch tiền. Đến cái giường ngủ cũng phải mượn của bà con trong xóm này” - ông chua chát.

Ông Mười Tha, Trưởng ấp Tà Dơ, cho biết xóm Việt kiều ban đầu chỉ lác đác vài ba căn nhà tạm. Khoảng cuối năm 2015 và đầu năm 2016, người gốc Việt ở Campuchia lũ lượt kéo về. “Dân di cư về đây đều là người Việt sống trên ghe, bè tại Biển Hồ. Họ bảo nước Biển Hồ giờ cạn kiệt, khô khốc, tìm con cá muốn đỏ mắt” - ông Mười Tha nói.

Từ Biển Hồ về ấp Tà Dơ chỉ mất một ngày đường bộ nhưng nhiều người lại chọn đi đường sông vì họ tiếc những chiếc ghe cũ nên cuộc di cư kéo dài cả tuần.

Gia đình ông Hai Mệnh và ông Ba Phước có cuộc hồi hương liều lĩnh nhất xóm Việt kiều. Hai hộ này có già trẻ, lớn bé tổng cộng 35 người, cùng nhau vượt sông về Việt Nam trên 4 chiếc ghe. Trong đó, chỉ chiếc của ông Hai Mệnh là có động cơ và thân vỏ lành lặn; 3 chiếc kia không máy móc, thân vỏ lại thủng, rách phải vá víu mới không chìm.

Từ Biển Hồ, chiếc ghe lành lặn của ông Hai Mệnh kéo 3 chiếc ghe chở theo con cháu vượt sông. Phải mất 7 ngày trải qua nhiều trận mưa gió, nắng nôi trên sông, đoàn “thuyền nhân” này mới cập bến Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Đang ngồi trò chuyện với tôi thì ông Ba Phước vào ghe thắp nén hương cho cha mình rồi quay ra nói tiếp: “May có ông bà phù hộ mới về được quê cha đất tổ. Bảy đêm hồi hương, tôi đâu chợp mắt được.

Nằm nhưng lúc nào cũng thòng chân xuống đáy ghe, hễ nghe lạnh là biết nước sông theo lỗ thủng tràn vào. Ngủ quên là chết!”.

Về đến Tây Ninh, cả 4 chiếc ghe hàng chục năm trôi nổi trên sông nước Campuchia giờ nằm cố định trên đất liền Việt Nam.

Thèm quốc tịch Việt

Người trong xóm Việt kiều không có quốc tịch vì chính quyền Campuchia từ chối cấp do họ là dân phiêu bạt, sống bám trên Biển Hồ. Về tới Việt Nam, họ khao khát được công nhận là người Việt nhưng hầu như không ai trong trong xóm có giấy tờ gì chứng minh gốc gác.

Người thèm nhập quốc tịch Việt nhất là đàn ông, trai tráng. Được xác nhận quốc tịch Việt Nam thì họ mới có hộ khẩu, CMND để “lên bờ” tìm việc làm nuôi vợ con.

Út Lợi là người thấm trải nỗi cay đắng của kẻ vô quốc tịch. “Em về Việt Nam 1 năm nay và đã 3 lần đến TP HCM, Bình Dương xin làm công nhân nhưng đều bị công ty từ chối vì không có CMND, hộ khẩu” - Út Lợi rầu rĩ.

Vì không có giấy tờ nên đàn ông trong xóm Việt kiều hầu hết bám vào mấy con cá dảnh, cá chốt, cá phi của hồ Dầu Tiếng để sinh sống. Tuy nhiên, cá trong hồ cũng đang cạn dần, chạy xuồng thả lưới cả ngày trời cũng chỉ kiếm được vài chục đến 100.000 đồng.

90 tuổi, gần đất xa trời rồi nhưng cụ Trần Minh Diện, người già nhất xóm Việt kiều, vẫn chờ ngày được công nhận là con dân nước Việt.

Rít điếu thuốc, cụ Diện kể: “Tôi sinh ra bên Campuchia, nghe ba kể ông ấy cũng sinh trên Biển Hồ nhưng ông nội thì sinh ở Việt Nam. Ước gì có giấy tờ hợp pháp thì đi tới đi lui tự tin hơn. Ở Campuchia, tôi ngán lắm rồi vì mình không quốc tịch nên bị phạt hoài”.

Khép ác mộng, mở ước mơ

Thấy 3 đứa nhỏ nằm chèo queo trong lều, tôi ghé thăm. Bé Muội 10 tuổi bảo ba má mình đi giăng lưới trên hồ Dầu Tiếng từ 4 giờ. Muội trông em và nấu cơm trưa chờ ba má về ăn.

Vừa đong đưa võng ru đứa em 1 tuổi ngủ, Muội vừa canh chừng không cho đứa em 3 tuổi chạy ra mé hồ. Muội còn ám ảnh chuyện một đứa em ruột của mình chết đuối ở Biển Hồ.

Để nghe tường tận câu chuyện này, tôi phải chờ đến khi mẹ Muội là chị Lương Thị Vân (29 tuổi) đi đánh cá về. Dù chuyện con chết đuối xảy ra mấy năm rồi nhưng cơn ác mộng vẫn đeo bám chị. Hôm đó, chồng đi xuồng bắt cá, chị Vân cùng con chờ trên ghe lớn.

Trong lúc chị bận bịu công việc, đứa con trai 14 tháng tuổi bò ra mép ghe rồi rớt xuống sông. “Tôi nhảy xuống sông tìm nhưng không thấy nên hô hoán. Hàng chục người nhảy xuống tìm và 2 giờ sau mới thấy thi thể con tôi dưới đáy Biển Hồ” - chị Vân ứa nước mắt.

Ở xóm Việt kiều, phụ nữ sinh con liên tù tì. Bà Nguyễn Thị Hoan, 68 tuổi, cho biết con gái mình sinh 9 đứa con nhưng vẫn còn ít vì có người Việt tại Biển Hồ đẻ tới... 25 con. “Nghề đắt khách nhất xứ Biển Hồ là làm bà mụ vườn. Xóm người Việt ở bên ấy có mấy trăm ghe thuyền nhưng bà mụ chạy sô muốn đuối, có đêm đỡ đẻ 2-3 chỗ” - bà Hoan cười.

Vì sinh con nhiều như vậy nên những trẻ trong xóm Việt kiều phần lớn không đi học mà phải trông em; đứa lớn hơn thì đi bán vé số, làm mướn. Trưởng ấp Mười Tha cho biết trẻ dưới 10 tuổi trong xóm Việt kiều không cần bất cứ giấy tờ gì mà vẫn có thể đi học trường chính quy tại xã nhưng nhiều em bỏ học để kiếm tiền phụ cha mẹ.

“Giá mà có ai đó bỏ tiền lập quỹ, trẻ nào đi học thì được phát mỗi ngày vài ngàn đồng, như vậy xóm Việt kiều mới mong thoát cảnh mù chữ” - một cán bộ địa phương hy vọng.

Khó ngăn dòng di cư

Ông Nguyễn Viết Đạt, Phó Chủ tịch Hội Người Campuchia gốc Việt Nam tại tỉnh Pursat, cho biết Biển Hồ tiếp giáp 5 tỉnh của Campuchia. Có hơn 4.000 hộ dân gốc Việt sinh sống trên thuyền bè ở hồ này. Họ co cụm tại nhiều nơi lập thành những “thành phố nổi”. Riêng tại tỉnh Pursat có hơn 1.600 hộ người gốc Việt.

Đến nay, đã có 136 hộ dân sống trên Biển Hồ thuộc tỉnh Pursat di cư về Việt Nam và sống trôi nổi tại Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Đồng Nai, An Giang. “Biển Hồ bây giờ không còn cá. Bà con nghe khu lòng hồ Dầu Tiếng cá nhiều nên kéo về. Sắp tới, sẽ còn nhiều bà con gốc Việt ở Biển Hồ hồi hương” - ông Đạt dự đoán.

Bộ Tư pháp vào cuộc

UBND xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh cho biết ngày 11-8, đoàn công tác của Cục Hộ tịch - Bộ Tư pháp đã đến xã khảo sát tình hình để có hướng giải quyết thủ tục, giấy tờ cho Việt kiều di cư tự do từ Campuchia về.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo làm việc với các địa phương để có giải pháp cụ thể cho dân, nhất là về các vấn đề quốc tịch, học hành... của Việt kiều.

Không giấy tờ tùy thân, nhiều đàn ông ở xóm Việt kiều khó xin việc
Không giấy tờ tùy thân, nhiều đàn ông ở xóm Việt kiều khó xin việc

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết địa phương đang lập đề án hỗ trợ đời sống Việt kiều di cư tự do từ Campuchia về.

Đề án hướng đến việc xem xét từng hoàn cảnh cụ thể của Việt kiều để hỗ trợ nhà, đất sản xuất, lo việc học hành... “Khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn lực của địa phương có hạn nhưng chúng tôi cương quyết không để bà con đói” - ông Ngọc khẳng định.

Về vấn đề quốc tịch, theo ông Ngọc, trong hàng ngàn người di cư tự do từ Campuchia về sống tại Tây Ninh, chỉ 20-30 người có giấy tờ tùy thân.

Tỉnh đã xác minh lai lịch, nguồn gốc và xem xét nhập quốc tịch cho hơn 80 trường hợp. Hàng trăm trẻ em của xóm Việt kiều sinh ra trên địa phận Việt Nam cũng đã được cấp giấy khai sinh để đi học.

“Sắp tới, Bộ Tư pháp sẽ có hướng dẫn cụ thể. Khi đó, tỉnh sẽ áp dụng giải quyết cho các trường hợp chưa có quốc tịch, hộ khẩu, CMND” - ông Ngọc thông tin.

Theo NLĐO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh