Hội Đông y TP Vĩnh Long: Giữ gìn, phát huy "gia tài vô giá" nền Đông y

06:08, 22/08/2016

Nhiệm kỳ 2011- 2016, Hội Đông y TP Vĩnh Long đã kiện toàn được bộ máy tổ chức, tích cực thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, từng bước phát triển vững chắc. Hoạt động hội ngày càng được người dân ủng hộ, gắn bó trong cuộc sống hàng ngày.

Nhiệm kỳ 2011- 2016, Hội Đông y TP Vĩnh Long đã kiện toàn được bộ máy tổ chức, tích cực thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, từng bước phát triển vững chắc. Hoạt động hội ngày càng được người dân ủng hộ, gắn bó trong cuộc sống hàng ngày.

Bác sĩ Nguyễn Thị Phúc Mỳ điều trị vật lý trị liệu cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phúc Mỳ điều trị vật lý trị liệu cho bệnh nhân.

Gìn giữ bài thuốc hay,  cây thuốc quý

Nhằm nghiên cứu, bảo tồn, phát huy, phát triển nền y học cổ truyền của dân tộc với mục tiêu không để mất đi một bài thuốc hay, một phương pháp chữa bệnh có hiệu quả, một cây thuốc quý, thời gian qua CLB Y học dân tộc TP Vĩnh Long hoạt động xuyên suốt.

Mỗi tháng, CLB tập hợp 1 kỳ, các vị lương y lão thành, bác sĩ, y sĩ, hội viên, những người tâm huyết với y học cổ truyền từ các nơi khác về sinh hoạt chuyên đề về: bệnh học, phương pháp chữa bệnh hay, kinh nghiệm điều trị bệnh tốt, cập nhật thông tin y học hiện đại, y học truyền thống, giới thiệu cây thuốc quý, bài thuốc hay...

Bác sĩ Nguyễn Thị Phúc Mỳ- Chủ tịch Hội Đông y TP Vĩnh Long, đánh giá: “Trong 5 năm qua, CLB Y học dân tộc đã tổ chức được 53 chuyên đề, có 1.624 lượt người tham gia xây dựng đóng góp cho chuyên đề hoàn hảo hơn.

Từ đó, khẳng định được tính khoa học của Đông y trong lý luận cũng như trong thực tế lâm sàng. Thông qua CLB, Hội Đông y đã góp phần bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao tay nghề cho cán bộ hội viên, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân, kết hợp Đông y với Tây y từng bước hiện đại hóa nền Đông y tỉnh nhà”.

Cũng từ cơ sở của mô hình CLB này, trong năm 2015 Hội Đông y TP Vĩnh Long đã tổ chức hội thảo chuyên đề: “Tâm đắc bài thuốc hay, cây thuốc quý”, với nhiều bài tham luận hay đến từ các thầy thuốc, lương y trong toàn tỉnh, đóng góp nhiều bài thuốc gia truyền, thừa kế đã chứng minh được hiệu quả trong thực tế điều trị.

Điển hình như các toa thuốc: bảo sản vạn toàn thang, bảo mẫu an thai của bác sĩ Phúc Mỳ; bài thuốc trị rắn độc cắn chỉ từ cây thuốc đơn giản (ngải trứng, lá kim vàng) của lương y Võ Thanh Thắng; toa thất vị bổ tinh của bác sĩ Nguyễn Phú Lâm; bài thuốc chữa côn trùng cắn, đốt của lương y Lê Thị Dung...

Đã có nhiều cây thuốc dễ tìm, những phương pháp điều trị đơn giản phù hợp với điều kiện vùng nông thôn, được các thầy thuốc lưu truyền qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay, đây chính là vốn quý của nền y học dân tộc được bảo tồn và phát huy, hoàn thiện dần cho phù hợp trong điều kiện xã hội ngày nay.

Phát huy thế mạnh hội cơ sở

Do đặc thù địa bàn phần lớn là đô thị, các xã vùng ven cũng đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh, nên diện tích đất nông nghiệp thu hẹp dần; do đó, Hội Đông y TP Vĩnh Long có gặp nhiều khó khăn trong việc nuôi trồng, bảo tồn nguồn dược liệu.

Từ đây, một số hội cơ sở đã có nhiều sáng kiến vừa bảo vệ được nguồn dược liệu quý hiếm ở địa phương, vừa phù hợp với tiêu chí môi trường đô thị “sáng- xanh- sạch- đẹp”.

Điển hình, Hội Đông y Phường 9 đã đi xuống 5 khóm tuyên truyền, vận động người dân trồng cây thuốc Nam dưới dạng hàng rào, chậu kiểng.

Hội đã tư vấn cho người dân nhận dạng biết cây thuốc, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, sử dụng và cung cấp một số cây giống cho hộ dân có điều kiện trồng. Hội còn phân công cán bộ, hội viên liên kết với tổ y tế của khóm tìm hiểu tình hình bệnh tật mạn tính trong các hộ dân.

Từ đó, có kế hoạch đến tận nhà hướng dẫn người dân tự chăm sóc bằng châm cứu, vật lý trị liệu, tập dưỡng sinh và trồng một số cây thuốc chữa bệnh theo tật bệnh của từng hộ dân.

Bên cạnh đó, các hội cấp phường đã phát huy thế mạnh của từng nơi, giúp cho hoạt động hội thêm đa dạng, phong phú, phục vụ tốt việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Như: Phường 1 thực hiện tốt công tác an sinh xã hội; khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân hoàn toàn miễn phí.

Phường 2 thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe tại nhà, tuyên truyền hộ dân trồng cây thuốc ở sân nhà, hàng rào chậu kiểng.

Phường 4 hoạt động liên tịch chặt chẽ với các tổ chức thành viên MTTQ phường, chăm sóc sức khỏe cụm dân cư theo tiêu chí: gia đình sức khỏe, gia đình văn hóa.

Phường 5 báo cáo đề tài khoa học kỹ thuật về châm cứu Nam Bộ tại Cần Thơ. Các xã: Trường An, Tân Ngãi, Tân Hòa, là 3 đơn vị gắn ghép hợp lý với chùa chiền, thực hiện khám chữa bệnh miễn phí cho người dân trong, ngoài tỉnh, mang lại giá trị phúc lợi cao.

Hội luôn xác định nhiệm vụ cao quý là kế thừa, phát huy, phát triển nền Đông y Việt Nam- một bộ phận di sản văn hóa của dân tộc, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc và đại chúng.

Trong 5 năm qua, tổng số người khám bệnh là 891.691 lượt. Tổng số thang thuốc Nam là 2.884.004 thang, thuốc Bắc 22.857 thang. Dược liệu thu hái trên 1.300 tấn. Châm cứu- xung điện gần 225.000 lượt... Tổng giá trị phúc lợi xã hội gần 17 tỷ đồng. Ngoài ra, các công tác an sinh xã hội, từ thiện trên 1,7 tỷ đồng.

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh