Đổi thay ở xã vùng sâu

06:08, 10/08/2016

Nhờ thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" trong việc đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, nên từ một xã vùng lũ, vùng sâu của huyện Long Hồ mà việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, đến nay xã Thạnh Quới đã cơ bản đan hóa, nhựa hóa những tuyến đường giao thông nông thôn.

 

Vùng sâu Thạnh Quới giờ đã thông xe đến tất cả các ấp.
Vùng sâu Thạnh Quới giờ đã thông xe đến tất cả các ấp.

Nhờ thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, nên từ một xã vùng lũ, vùng sâu của huyện Long Hồ mà việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, đến nay xã Thạnh Quới đã cơ bản đan hóa, nhựa hóa những tuyến đường giao thông nông thôn.

Đây là một tiền đề quan trọng góp phần đưa Thạnh Quới sớm đạt nông thôn mới.

Từ xuất phát điểm thấp

Trước đây, cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, hệ thống giao thông của huyện Long Hồ gặp rất nhiều khó khăn. Việc đi lại của người dân lúc bấy giờ chủ yếu là giao thông đường thủy, hệ thống giao thông đường bộ thì lầy lội, ngoài xã An Đức (bây giờ là thị trấn Long Hồ) thì xe 2 bánh không thể lưu thông đến trung tâm xã.

Là xã vùng sâu của huyện Long Hồ, vào thời điểm mới giải phóng, người dân xã Thạnh Quới (lúc đó còn là xã Phú Quới) gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại. Từ Quốc lộ 1 đến trung tâm xã phải qua hàng chục cây cầu khỉ, mùa mưa thì lầy lội khó đi. Đời sống của người dân cũng vô cùng cơ cực, khó khăn, kinh tế kém phát triển.

Xác định xây dựng giao thông nông thôn là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, khi bắt tay vào công cuộc xây dựng địa phương, Đảng ủy, UBND xã xem đây là nhiệm vụ trọng tâm phải sớm thực hiện.

Riêng trong giai đoạn 2010-2015, xã Thạnh Quới đã chú trọng đầu tư theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Theo đó trong 5 năm, ngoài nguồn đầu tư của Nhà nước, nhân dân đã đóng góp hơn 9,2 tỷ đồng để xây dựng giao thông nông thôn. Nhờ vậy, đến nay tất cả 6/6 ấp của xã đã thông xe 2 bánh cả vào mùa mưa, xe 4 bánh đến trung tâm.

Ông Nguyễn Văn Tiến- người dân ấp Hòa Thạnh II- vui mừng: “Hồi trước, đường này xe cộ không đi được gì hết. Chính quyền địa phương năm rồi có đầu tư làm đường kiên cố. Người dân rất đồng tình, có đường tốt như thế này các cháu đi học rất thuận lợi”.

Sự đồng thuận của lòng dân

Điểm dễ nhận thấy nhất trong phong trào xây dựng giao thông tại xã Thạnh Quới là sự đồng tình, tự nguyện của nhân dân. Việc hiến đất làm đường đã là một nghĩa cử đẹp, còn việc góp sức góp tiền chung lòng của toàn thể người dân trong xã lại càng đáng quý hơn.

Ông Đỗ Hoàng Nam- Bí thư kiêm Trưởng ấp Hòa Thạnh 1 cho biết: “Nói về vấn đề xây dựng đường cầu là bà con rất mơ ước, nên sẵn sàng đóng góp tiền của, vật chất để tạo điều kiện đi lại dễ dàng”.

Ông Hồ Văn Ngoan- Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới- phân tích: “Trong quá trình phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở nói chung và xây dựng giao thông nói riêng, kinh nghiệm chủ yếu của chúng tôi là vận động nhân dân đóng góp tiền trên đầu công để cùng Nhà nước thực hiện giao thông.

Mà muốn nhân dân đồng tình đóng góp thì mình phải công khai minh bạch, giải thích cho bà con hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của công trình, phân tích cho bà con hiểu được lợi ích thiết thực khi công trình được xây dựng”.

Thực tế đã chứng minh, sự chung tay góp sức xây dựng giao thông nông thôn đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn. Ngoài việc tạo điều kiện đi lại dễ dàng cho nhân dân, còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm và đây cũng là tiền đề để xã Thạnh Quới tiến bước xây dựng xã nông thôn mới.

 

Trong 5 năm (2010- 2015), ngoài nguồn đầu tư của Nhà nước, địa phương đã vận động nhân dân đóng góp hơn 9,2 tỷ đồng để xây dựng giao thông nông thôn. Nhờ vậy, từ một xã vùng lũ đường sá đi lại khó khăn, đến nay tất cả 6/6 ấp của xã Thạnh Quới đã thông xe 2 bánh cả trong mùa mưa và xe 4 bánh đến trung tâm.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯỚC GIANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh