Tân Mỹ (Trà Ôn) là xã còn nhiều khó khăn, với phần đông đồng bào Khmer không đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn. Tuy nhiên, vẫn có một số bà con đã vươn lên mạnh mẽ, bước qua cảnh nghèo khó từ đôi bàn tay trắng bằng ý chí, nghị lực phi thường.
Vợ chồng chú Thạch Dư. |
Tân Mỹ (Trà Ôn) là xã còn nhiều khó khăn, với phần đông đồng bào Khmer không đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn. Tuy nhiên, vẫn có một số bà con đã vươn lên mạnh mẽ, bước qua cảnh nghèo khó từ đôi bàn tay trắng bằng ý chí, nghị lực phi thường.
Họ là những tấm gương điển hình của đồng bào Khmer đã làm giàu, mà “đứng ngoài” những đồng vốn hỗ trợ của Nhà nước.
“Sợ vay vốn Nhà nước”
Còn đông đồng bào khó khăn, nhưng vẫn không thiếu những tấm gương điển hình vươn lên làm giàu bằng sự nỗ lực phi thường.
Từ đôi bàn tay trắng như bao người xung quanh, họ tích lũy từng chút, từng chút một, qua nhiều năm trời để giờ đây ruộng đất bề bề, thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Đó là những bà con “xa lạ” với lối mòn tư duy “ăn hôm nay chẳng cần biết ngày mai” và “rất sợ vay vốn của Nhà nước”, dù có những lúc “trong nhà hổng còn hột gạo”.
Tìm nhà anh Thạch Sol không khó lắm, dù phải men theo con rạch bên cạnh chùa Gò Xoài chạy sâu vào trong con xóm nhỏ. Căn nhà khang trang có khoảng sân rộng, phía sau là... bộn bề gà vịt, cái chuồng bò 4 con tính sơ sơ cũng vài trăm triệu bạc.
Nhưng chẳng mấy khi có mặt anh ở nhà, vì “lịch” làm việc kín mít từ sáng sớm cho đến chiều tối. 43 tuổi, dáng người nhỏ thó nhưng ý chí vươn lên của Thạch Sol thì chẳng “nhỏ” chút nào.
Hơn 20 năm trước, anh lập gia đình và ra riêng. Với 2,5 công đất, vợ chồng làm chẳng đủ ăn, phải làm thuê mướn đủ nghề, thêm cái đận bị máy suốt cuộn chiếc khăn quấn cổ tưởng “đứt bóng” rồi phải nằm liệt mấy tháng trời...
Nhưng bấy nhiêu đó vẫn không quật ngã nổi anh. Anh gượng dậy, rồi đi làm thuê tiếp. Cái đáng nể là hồi nào tới giờ “chưa vay một đồng vốn hỗ trợ nào”, bởi có những nghề chỉ cần bỏ công, chịu khó, chịu cực mà thu nhập chẳng phải là nhỏ.
Tính đến nay, Thạch Sol đã có thâm niên hơn 17 năm “thọt dừa” rồi, mỗi ngày từ 7 giờ sáng sau khi lo cho mấy con bò là anh đã đi... thọt, tùy theo mối lái đặt hàng có hôm từ 200- 400 dừa, cộ ra tới lộ là có xe đến chở.
Cụ thể như sáng nay vừa giao hàng cho lái, anh đã... dằn túi 400.000đ. Cái nghề “thọt đừa” đem lại cho anh thu nhập khoảng 200.000- 500.000 đ/ngày.
Về đến nhà, tùy theo bữa mà làm. Có lúc xế chiều thì nhảy vô cắt cỏ cho bò. Với 4 con bò giống lai trong chuồng, đến tết này coi như “nằm ngủ” cũng được vài trăm triệu bạc. Đó là chưa kể, lủ khủ gà qué; mấy bầy vịt ta, vịt xiêm kêu quạc quạc om sòm, cái này coi như phụ hợ thêm tiền chợ.
Để bảo đảm nguồn thức ăn cho bò, Thạch Sol dành ra 1 công đất trồng cỏ, còn 14 công canh tác lúa. Vợ chồng anh chẳng mấy khi có mặt ở nhà, vậy mà bên chái bếp vẫn thấy đủ thứ nào là tủ lạnh, tủ kem, tủ tạp hóa bán lặt vặt cho bà con trong xóm.
Đi làm tối mặt tối mũi nên có thời gian đâu mà la cà nhậu nhẹt, nên tiền nó chỉ biết “chảy vô”, chớ làm gì có... đường ra.
“Tóm tắt” con đường làm giàu của anh Thạch Sol thấy... dễ ụi, nhưng thực tế có những lúc khó khăn cùng cực mà vợ chồng cắn răng vượt qua, chớ cũng chẳng dám vay mượn ai, sợ rồi đổ nợ. Xét kỹ lại, thấy gia đình anh cũng khó khăn như bao người, cũng thiếu vốn, ít đất, nhưng làm kiểu anh thì không vượt qua cái nghèo mới là chuyện lạ!
Chết sống cũng đầu tư cho chuyện học!
Đường vô Sóc Ruộng có một đỗi vậy, mà nhà ở mấy lớp từ con lộ đan dẫn ra tới mé sông, nên tìm nhà lơ mơ là phải quành tới trở lui mấy bận.
Trong một ngày mà cán bộ xã, ấp rồi đến người quen tại chỗ cũng bận, nên chúng tôi tự đi tìm nhà ông Thạch Dư mà nó cứ... xà quần giữa những lối mòn lầy lội sau mưa, trong khi “ở đây có tới 4 Thạch Dư lận”.
Khi tìm được rồi thì thấy dễ, cứ hỏi “Ông Thạch Dư giàu nhất”, còn chúng tôi thấy ông là “Thạch Dư 3 trong 1”: nhà nông, nhà giáo và nhà giàu.
Vợ chồng chú Thạch Dư (74 tuổi) và cô Thạch Thị Sương (65 tuổi) ngày xưa đều là giáo viên, chú tốt nghiệp khóa sư phạm đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long, rồi được bổ đi dạy các tỉnh: Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng.
Chuồng bò nhà anh Thạch Sol. |
Cái thời đói khổ, lương thầy giáo tính bằng tem phiếu thịt, cá, mà 5 đứa con lần lượt ra đời. Chịu không thấu, đến năm 1985 thì “thôi cho tui nghỉ về quê Vĩnh Long mần ruộng nuôi con”- chú Thạch Dư nhớ lại.
Bắt đầu một giai đoạn “mần bất kể”, vợ chồng chú vừa mở đất mần lúa, vừa cầm trâu đi cày thuê từ đồng gần cho đến đồng xa. Nhìn cô Thạch Thị Sương ngồi bên cạnh chồng nhỏ nhẹ tiếp chuyện, ở cái tuổi 65 mà vẫn còn đó nét đẹp nền nã, nụ cười duyên dáng của một thời nức tiếng là hoa khôi xứ này, thì khó mà tin nổi một tay cô bao năm trời đánh trâu đi cày phá, đứng trục, đứng bừa cho người ta.
Làm mà không “đếm xỉa mặt trời”, cho đến nỗi mà lần sanh cô con gái thứ ba, “từ dưới ruộng đang cầm trâu cày nghe cái bụng đau nhéo một cái, buông cày ra chân còn đầy sình đi thẳng vô phòng sanh, ổng chưa kịp về nhà lấy đồ là đẻ rồi”- cô Sương kể.
Từ cày trâu rồi dành dụm sắm được chiếc “máy bươi” (xới) đầu tiên của xứ này, đất ruộng mua thêm cho đến khi có mấy chục công trong tay. Cái sân trước rộng mênh mông vậy mà tới mùa “đổ lúa từ ngoài sân chạy vô tới trong nhà ắp lẵm, nhìn đống lúa ngoài sân hết hồn luôn, vun ngọn cao mém cái nóc nhà”.
Vậy đó, mà bao nhiêu lúa cũng gom bán sạch lo cho mấy đứa con ăn học. Tội nghiệp cái hồi học ở quê những ngày mưa gió, hễ từ nhà lội bộ ra tới trường là “xong” bộ đồ bùn sình, ướt mem, “nhưng dứt khoát phải đi học”- chú Thạch Dư nhắc chuyện học của con.
Cái quyết tâm đó, định hướng đó mà cả 5 người con đều đỗ đạt, thành tài nên người. Và, một niềm tự hào tràn ngập trong đôi mắt đôi vợ chồng già khi nhắc về con cái.
Không tự hào sao được, khi 2 người con trai thì: một là bác sĩ đa khoa ở Trà Vinh, một là giám đốc công ty cơ khí ở Long Xuyên; còn 3 người con gái: một là giáo viên ở Paris (Pháp), một làm ở Sở Tài chính tỉnh Trà Vinh và cô gái út là giáo viên ở Trà Ôn.
Chuyện làm giàu của bà con Khmer Trà Ôn còn nhiều, mà Thạch Dư, Thạch Sol chỉ là một số ít điển hình.
|
Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Đặng Văn Ba, phân tích về điểm chung dẫn đến sự nghèo khó của bà con Khmer, đó là: “Thiếu vốn, lại rất ít hoặc không có đất sản xuất. Do đó, đa số phải đi làm thuê mướn hàng ngày.
Trong những năm gần đây, sự thay đổi rõ rệt có rất nhiều gia đình thoát nghèo từ những chính sách ưu đãi của Nhà nước”. Bên cạnh đó, vẫn không thiếu những tấm gương tự lực vươn lên làm giàu một cách mạnh mẽ, đầu tư con cái học hành giỏi giang. |
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- TRÚC MAI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin