Cảnh báo dịch sốt xuất huyết đang diễn biến bất thường

08:08, 27/08/2016

Dịch sốt xuất huyết (SXH) tại nhiều tỉnh khu vực miền Nam ngày càng gia tăng và có nhiều dấu hiệu diễn biến bất thường.

Dịch sốt xuất huyết (SXH) tại nhiều tỉnh khu vực miền Nam ngày càng gia tăng và có nhiều dấu hiệu diễn biến bất thường.

Các chuyên gia dịch tễ học nhận định, nguyên nhân chính gây ra thực trạng này là do tác động bởi các yếu tố biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ.

Bộ Y tế thống kê được từ đầu năm tới nay khu vực miền Nam đã có hơn 20.000 người mắc SXH, trong đó 11 ca tử vọng.

Thời điểm này, dịch sốt xuất huyết chuẩn bị bước vào đỉnh điểm, với hơn 60% ca mắc chủ yếu xuất hiện tại các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh.

Theo ông Phan Trọng Lân – Giám đốc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh: SXH ở nước ta đang đi ngược với quy luật chung. Thông thường bệnh chỉ gia tăng tại các khu đô thị lớn, mật độ dân số đông và ô nhiễm, tù đọng rác thải.

Thế nhưng, dịch SXH lại bùng phát mạnh tại các tỉnh thuộc vùng núi cao, như: các tỉnh Tây Nguyên (với số ca mắc tăng gấp 2,5 lần năm 2015) và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (với số ca mắc tăng xấp xỉ 3 lần tại một số tỉnh, đặc biệt là tỉnh Bến Tre).

Nguyên nhân được nhận định là do sự gia tăng nhiệt độ bất thường tại các tỉnh Tây Nguyên, thực trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh SXH.

Bệnh nhân mắc SXH điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre)
Bệnh nhân mắc SXH điều trị tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (tỉnh Bến Tre)

Theo quy luật, muỗi truyền dịch SXH chỉ sinh trưởng, phát triển nhanh trong môi trường có nhiệt độ bình quân từ 25 độ C - 28 độ C, muỗi sẽ suy yếu và chết đi trên nền nhiệt vượt quá 32 độ C và lạnh dưới 17 độ C.

Tuy nhiên, mùa đông 2015 tại Tây Nguyên không lạnh, nền nhiệt tăng cao so với bình thường nên muỗi truyền dịch SXH phát triển mạnh mẽ và bùng phát dịch trong năm 2016.

Còn tại Đồng bằng Sông Cửu Long, do hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn tấn công khiến người dân lâm vào cảnh thiếu nước sinh hoạt. Việc trữ nước trong chum, vại, bồn chứa… là môi trường thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sản.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Bến Tre (nơi dịch bệnh bùng phát mạnh), tại các huyện tiếp giáp biển như Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú thì 90% gia đình hộ dân có muỗi truyền bệnh và 80% hộ có dụng cụ chứa nước làm nơi sinh sản cho muỗi.

Theo dự báo vào năm 2018 tình hình SXH của Việt Nam sẽ bước vào đỉnh dịch theo chu kỳ 10 năm gia tăng đột biến một lần. Tuy nhiên, việc vận động người dân cùng với các đơn vị y tế diệt muỗi truyền SXH còn gặp rất nhiều khó khăn do sự thiếu hợp tác từ phía người dân, bên cạnh những thiếu thốn về nhân sự y tế dự phòng, cũng như bất lợi về điều kiện địa lý.

Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, đến thời điểm này chưa có thuốc đặc trị và vacxin phòng bệnh SXH. Do đó, ý thức cảnh giác phòng bệnh của người dân trong phong trào toàn dân phòng chống dịch SXH là phương thuốc hữu hiệu góp phần dập tắt dịch bệnh.

Theo ANH CÚC (Kiến Thức)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh