Vừa qua, một tờ báo điện tử đăng bài "Lý do bạn nên dừng ăn cá rô phi ngay lập tức", dịch từ tài liệu nước ngoài.
Vừa qua, một tờ báo điện tử đăng bài “Lý do bạn nên dừng ăn cá rô phi ngay lập tức”, dịch từ tài liệu nước ngoài. Trước thông tin này, các nhà khoa học, chuyên gia thủy sản và người nuôi cá rô phi ở ĐBSCL phản ứng quyết liệt, vì bài báo đã ít nhiều gây ảnh hưởng đến người nuôi loại cá này ở ĐBSCL.
Bài báo có đoạn mở đầu cho rằng “Trong thực tế, môi trường sống tự nhiên của nó là trang trại nuôi cá ở Trung Quốc, nơi thực phẩm tự nhiên như tảo và cây cỏ được thay thế bằng đậu nành biến đổi gen, ngô và vô số các loại thuốc kháng sinh, đặc biệt là thuốc trừ sâu.
Cá rô phi nuôi công nghiệp trong các nông trại chứa hàm lượng dioxin cao hơn 11 lần so với cá rô phi tự nhiên. Dioxin không chỉ gây độc hại cho cơ thể bạn mà thậm chí nó còn có thể kích hoạt sự phát triển bệnh ung thư…”.
Cá rô phi |
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cá rô phi hiện đang là đối tượng nuôi có thị trường tiêu thụ tốt trong nước lẫn xuất khẩu và cũng là một trong những đối tượng chủ lực trong kế hoạch tái cơ cấu của ngành thủy sản.
Với ưu thế ít dịch bệnh, giá thành sản xuất thấp và cho lợi nhuận cao, cá rô phi đang ngày càng được quan tâm và diện tích thả nuôi tăng hàng năm.
Năm 2014, diện tích nuôi cá rô phi của cả nước là 16.000 ha, sản lượng trên 125.000 tấn; năm 2015, diện tích nuôi đạt 21.000 ha, sản lượng 150.000 tấn. Cá rô phi hiện đang có thị trường tiêu thụ tốt trong nước cũng như xuất khẩu.
Trong khi giá một số hàng thủy sản luôn có nhiều biến động, thì hầu hết các sản phẩm từ cá rô phi có giá khá ổn định trong vòng 5 năm qua. Giá bán ít thay đổi đã tạo ra môi trường kinh doanh tương đối ổn định cho các cơ sở nuôi, sản xuất và hệ thống phân phối tiêu thụ cá rô phi.
Hiện nay, sản phẩm từ cá rô phi của Việt Nam đã xuất khẩu đến trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 27 triệu USD.
Thu hoạch cá rô phi tại vùng nuôi của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu trên địa bàn huyện Cờ Đỏ. Ảnh: MAI HOA |
ĐBSCL là vùng có nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên để nuôi cá rô phi. Hình thức nuôi chủ yếu là thả trong ao hầm, lồng bè hoặc trong ruộng lúa.
Theo các nhà khoa học vùng ĐBSCL, cá rô phi rất dễ nuôi, sinh sản nhanh và có giá trị dinh dưỡng cao. Loại cá này lại có thể đáp ứng nhu cầu làm thực phẩm cho nhiều nhóm người, tầng lớp xã hội.
Tại Cần Thơ, từ năm 2015, các ngành chức năng của thành phố đã phối hợp với Công ty Kbor (Hàn Quốc), Trường ĐH Cần Thơ, Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Sông Hậu triển khai dự án thử nghiệm nuôi cá rô phi chất lượng cao.
Đến nay, dự án đã đạt những kết quả bước đầu, mở ra nhiều triển vọng mới cho nghề nuôi cá rô phi thay thế một phần sản lượng cá tra xuất khẩu.
PGS.TS Dương Nhật Long, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản (Trường ĐH Cần Thơ) cho biết: Cá rô phi có thịt ngon, ngọt nên ai cũng thích.
Thực tế ở nhiều địa phương, dân sử dụng kháng sinh cho cá là chỉ để trị bệnh chứ không nhằm mục đích gì khác.
Còn thông tin sử dụng thuốc sâu, dioxin mà báo mạng đưa, ở Việt Nam đã nghiêm cấm. Ở một số quốc gia, người ta sử dụng cách này để trị một số bệnh thông thường bên ngoài thân cá”.
PGS.TS Dương Nhật Long cũng cho rằng, thời gian qua, người dân ĐBSCL rất có ý thức và có nhiều kinh nghiệm trong nuôi thuỷ sản theo hướng sạch để bán được giá cao.
Một số ít hộ dân nuôi nhỏ lẻ ở trong nước hoặc ở một số quốc gia nghèo, cá rô phi có ăn phân, phần thừa của động vật khác nhưng đó là cách làm tiết kiệm theo mô hình vườn-ao-chuồng.
Theo SGGPO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin