Qua khảo sát thực tế, hiện nay bữa ăn ca chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động; tình trạng chế biến mất vệ sinh, chưa kể chất lượng thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiều CN lao động than nuốt không trôi bữa ăn giữa ca dẫn đến bỏ bữa ăn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất làm việc.
Buổi ăn trưa của công nhân Công ty CP May Vĩnh Tiến- một trong những đơn vị có cách thức tổ chức nấu ăn tốt. |
Trong số những vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể trên địa bàn tỉnh phần lớn đều đề nghị doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc những nội dung thuộc về quyền lợi công nhân (CN) lao động, trong đó có cả việc đề nghị nâng cao chất lượng, giá trị bữa ăn ca.
Vấn đề đặt ra đòi hỏi các cấp công đoàn phải chủ động cùng với cơ quan chức năng, người sử dụng lao động chăm lo, đảm bảo chất lượng bữa ăn ca nhằm giúp CN lao động tái tạo sức lao động, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Kỳ 1: Thức ăn khó nuốt, công nhân bỏ bữa
Qua khảo sát thực tế, hiện nay bữa ăn ca chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động; tình trạng chế biến mất vệ sinh, chưa kể chất lượng thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nhiều CN lao động than nuốt không trôi bữa ăn giữa ca dẫn đến bỏ bữa ăn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất làm việc.
Trong canh có lẫn rơm và cát
Vừa trở về sau một ngày tăng ca đầy mệt mỏi, Nguyễn Trương Bảo Tr.- CN một công ty chuyên gia công hàng xuất khẩu tại Khu công nghiệp Hòa Phú (Long Hồ) than thở:
“Công ty tuyển CN mới vào ngày càng nhiều mà diện tích nhà ăn chưa mở rộng nên không đủ bàn ghế ngồi. Bữa ăn trưa lại rất khó nuốt, mùi rất nồng, lại thêm không khí ngột ngạt, thiếu vệ sinh. Có bữa, trong canh rau có lẫn rơm và cát nên em bỏ ăn canh luôn. Cơm thì bữa khô, bữa nhão, cũng tùy khay và có đủ dạng, những người ăn sau hoặc đi trễ một chút là đồ ăn lạnh tanh. Tuy nấu rất tệ nhưng tụi em phải ráng nuốt cho no bụng để có sức làm việc”.
Đến khu nhà trọ dành cho CN gần Khu công nghiệp Hòa Phú, thấy đôi bạn Ngô Thúy V. và Lê Cẩm T. kêu vội dĩa cơm bình dân bên lề đường sau giờ tăng ca. Khi chúng tôi đến bắt chuyện. V. trải lòng: “Mỗi sáng, bước vào công ty là chỉ biết cắm đầu cắm cổ làm, đến khi nghe chuông reng thì mới thấy... “đã”.
Mong đến giờ nghỉ là vậy, nhưng CN chỉ có 1 giờ để ăn trưa và nghỉ trưa, trong khi lượng CN rất đông, có khi chen vô lấy cơm, kiếm chỗ ngồi ăn là đã hết giờ. Buổi trưa nắng nóng, mà cơm thì... “chọi lỗ đầu”, ăn vào muốn mắc nghẹn, bởi rất khô và cứng. Có bữa thì cho ăn canh rau muống bằm theo kiểu... nấu cho heo ăn. CN nuốt không trôi nên phải lén mang bánh theo ăn, mà nếu bị phát hiện thì sẽ bị kỷ luật”.
Từ xưởng tới nhà ăn rất xa, anh Trần Văn N. phải hì hục lắm mới lấy được khay cơm. Tuy nhiên, “khi để khay xuống bàn, bước đi lấy chai nước tương, quay trở lại thì... ngỡ ngàng vì đã bị xúc mất miếng trứng”- anh N. méo mặt kể.
Anh Trần Hoàng L. bày tỏ bức xúc: “Tuy đã kiến nghị rất nhiều lần về việc chi tiền ăn để CN tự lo nhưng công ty không đồng ý. Còn để người công ty nấu thì quá tệ, CN nuốt không nổi, trong khi lượng thức ăn dư thừa đem đổ cặn bán thì càng tăng”.
“Người ta nấu cho có chứ chẳng quan tâm thức ăn ngon dở đâu chị ơi!”- Nguyễn Bích T.- một nhân viên văn phòng cho biết. Từ chỗ em làm tới nhà ăn mất 10 phút, thời gian di chuyển đi và về mất 20 phút, nếu tranh thủ ăn thì còn nửa tiếng để nghỉ ngơi, do công ty đông người, nhiều tầng lớp, nên mỗi người phải tự ý thức, đã đi làm thì phải chấp nhận chịu đựng.
Nhiều công nhân bỏ bữa
Qua thời gian dài làm việc tại một công ty chuyên gia công giày xuất khẩu, nhìn Đào M. khá tiều tụy, ốm đi rất nhiều so với vài năm về trước mà chúng tôi từng gặp.
Cô tâm sự: “Hôm nay em bị bệnh, không tới nhà ăn nổi. Bạn em muốn đem đồ ăn đến cho em cũng không được, phải đem lén vì nếu bị phát hiện là bị khiển trách”.
Hỏi về thực đơn bữa ăn ca như thế nào, M. cho biết: “Hôm nay công ty cho ăn món cá biển nhưng đây là loại cá dành cho mèo ăn, chỉ nghe mùi thôi là chịu không nổi nên em nhịn ăn luôn. Nói chung, là hôm nào có món cá biển là mọi người... tự túc ăn.
Công ty thỉnh thoảng cũng có thay đổi thức ăn nhưng toàn là thịt cá kém chất lượng, ăn vào là muốn... nôn. Bàn ăn dành cho 8 người mà chỉ có dĩa đồ mặn nhỏ xíu cùng dĩa rau xào với tô canh lỏng bỏng, có bữa em thấy trong thức ăn có cả gián nữa. Nói chung đồ ăn rất dơ và dở mà CN buộc phải ráng ăn”.
Đến giờ, M., vẫn không quên cảnh tượng hãi hùng của một năm về trước khi bước xuống nhà ăn sớm. M. kể:
“Ca ăn của em là 12 giờ trưa, hôm đó CN ăn ca 11 giờ xong mà xương và thức ăn còn vương vãi trên bàn. Mấy người phục vụ dùng chổi chà quét thẳng trên bàn rồi lấy chén đũa úp lên cho CN ca sau ăn. Kể từ đó, em bỏ ăn tại công ty luôn, do không chỉ mất vệ sinh mà thức ăn họ nấu em nuốt không vô, lại thêm đông người ăn không đủ”.
Một số doanh nghiệp chưa chú trọng đến chất lượng và khẩu phần ăn, dẫn đến tình trạng công nhân bỏ bữa. |
Còn Lê Thị Kiều T. cũng một lần chứng kiến cảnh ớt xắt lát chưa được rửa đổ đống, vương vãi trên bàn. Trước đó, người làm bếp chỉ dùng độc mỗi cái khăn lau từ bàn này qua bàn khác và chỉ lau một lượt, trông rất mất vệ sinh, thấy là không muốn ăn.
“Thức ăn không vừa miệng lại thêm bàn ghế thiếu thốn, nhà ăn lại rất xa xưởng làm việc, giờ nghỉ trưa của CN thì hạn chế, lại phải mất khá nhiều thời gian để tìm chỗ ăn nên CN bỏ bữa rất nhiều, đa số là lén đem cơm, tìm gốc cây nào ăn cho qua bữa”- Bảo Tr. bộc bạch.
Theo M. do chứng kiến cảnh nhà bếp làm việc thiếu vệ sinh nên nhiều người đã bỏ ăn mấy năm trời. Đối với nhân viên văn phòng thì chịu khó tốn 15.000- 20.000 đ/bữa để gọi thức ăn bên ngoài vào và phải ăn lén.
Còn CN thì không dám “ăn sang”, phải ráng nuốt hoặc lén đem đồ ăn theo. Tuy nhiên, sáng vào cổng thì bảo vệ xét, nếu phát hiện có mang đồ ăn theo thì bắt phải trở ra ngoài ăn hết hoặc bỏ, phụ nữ mang thai cũng không ngoại lệ.
Em từng chứng kiến nhiều bà bầu đứng năn nỉ (vì bị nghén không thể nuốt nổi đồ ăn trong công ty) mà thấy thương luôn. Hỏi về việc lãnh đạo có ăn trưa cùng CN không thì M. cho biết: “Lãnh đạo ăn riêng và có đầu bếp chế biến riêng nên thức ăn của họ ngon lắm. Bởi vậy, họ đâu hiểu nỗi khổ của CN”.
Qua lời kể của các CN, chúng tôi đã liên hệ với Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh và Liên đoàn Lao động các huyện để tìm hiểu về việc tổ chức bữa ăn giữa ca cho CN, nhưng được biết phía các công ty đều từ chối với lý do giá trị bữa ăn chưa đạt yêu cầu (15.000 đ/bữa/người) hoặc ngại “phiền phức”, ngại CN sẽ phản ứng không tốt khi nói về bữa ăn ca.
|
Theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia, chất lượng bữa ăn ca tại một số khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu năng lượng để tái tạo sức lao động, nghèo về giá trị dinh dưỡng, giá trị suất ăn thấp. Khẩu phần ăn ca mới chỉ đáp ứng 89,7% nhu cầu về năng lượng. Giá trị bữa ăn thấp, kéo theo chất lượng bữa ăn khó có thể cải thiện trong điều kiện mặt bằng giá cả nguyên vật liệu có xu hướng tăng lên. |
>> Kỳ 2: Công nhân mong gì ở bữa ăn ca?
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin