Phong trào "Cựu chiến binh (CCB) đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi", giai đoạn 2011- 2015 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,33% xuống còn 0,76% và không có hộ tái nghèo.
Phong trào “Cựu chiến binh (CCB) đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, giai đoạn 2011- 2015 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,33% xuống còn 0,76% và không có hộ tái nghèo.
Sửa đất làm ruộng
Hội CCB tỉnh tặng bằng khen cho ông Huỳnh Minh Việt (bìa phải) tại hội nghị tổng kết 5 năm phong trào CCB làm kinh tế giỏi. |
Qua 4 năm thi hành nghĩa vụ quân sự, năm 1987, ông Huỳnh Minh Việt (ấp Tân Hưng, xã Tân Hạnh- Long Hồ) phục viên và đối mặt với nhiều khó khăn do mẹ đau yếu, các em nhỏ đang tuổi ăn tuổi học. Thiếu vốn sản xuất, đất gò cao nên cỏ tranh, sậy, đế mọc đầy.
Ngày trở về, ông bắt tay phát quang, cuốc đất trồng rẫy, làm ruộng theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”. Tuy nhiên, do “thiếu đủ thứ” nên vụ nào cũng thất mùa.
Sau 4 năm lập gia đình, 2 con trai lần lượt ra đời, cuộc sống gia đình càng chật vật hơn, thậm chí “cần 2.000đ mua thuốc cho con lúc ốm đau cũng không có”- ông Việt nhớ lại.
Ông tâm sự: “Có lúc, tui tưởng chừng mình đã vào đường cùng, nhưng nghĩ lại mình còn sức trẻ, còn đôi tay nên không nản lòng, tranh thủ ban ngày đi vác lúa mướn, tối về thì đào đất làm bờ liếp để hạ thấp mặt ruộng, rồi lặn móc đất bùn ngoài đập đưa vào ruộng, chan đều diện tích để sạ lúa”.
Ông Việt kể: “Lúc đó không có tiền thuê nhân công nên tui cứ thế mà tự làm, đến 4 mùa lúa mới hoàn thành việc sửa đất. Nhờ chí thú làm ăn và dần cải tạo đất phát triển sản xuất theo mô hình VAC và mở quán ăn, thu lời 70- 100 triệu đồng/năm.
Đăng ký trả sổ hộ nghèo
Anh Dũng vươn lên thoát nghèo nhờ được đồng đội hỗ trợ vốn, kỹ thuật trồng xà lách xoong. |
Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Trần Thanh Dũng (ấp Thuận Phú B, xã Thuận An- TX Bình Minh) trở về quê nhà. Khó khăn đeo bám khi gia đình 2 bên đều đông anh em lại thiếu đất sản xuất, nên vợ chồng anh phải đi làm thuê kiếm sống.
Ra riêng với 500m2 đất, anh kể: Lúc đó được địa phương cấp sổ hộ nghèo. Rồi sau nhiều năm vất vả làm thuê, vợ chồng anh tích lũy vốn mua được 1 công ruộng. Sau đó, lại được các cấp hội xét hỗ trợ cho vay 10 triệu đồng để đầu tư trồng rau xà lách xoong.
Bước đầu, nhờ anh em trong Chi hội CCB hỗ trợ cho mua cây giống và hướng dẫn kỹ thuật, anh Dũng đã đầu tư hệ thống béc phun tự động để tưới rau. Thời gian rảnh, anh lại tiếp tục đi làm thuê. “Sau nhiều năm trồng rau, tui đã mua thêm 4 công ruộng, mở rộng diện tích trồng xà lách xoong và tui đã tự nguyện đăng ký trả sổ hộ nghèo cho địa phương”- anh Dũng tự hào kể.
Hiện mỗi năm, trồng 6 lứa xà lách xoong, năng suất 800 kg/công, với giá bán khoảng 14.000 đ/kg, anh Dũng thu được trên 67 triệu đồng/công. Ước tính, sau khi trừ chi phí, với 5 công xà lách xoong trồng trong 5 năm, anh thu hơn 1 tỷ đồng.
Giúp nhau không để tái nghèo
Nhờ có “của ăn, của để”, anh Dũng có điều kiện cất nhà và đầu tư mua máy móc phục vụ sản xuất. Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp, anh Dũng đã gương mẫu hiến 55m2 đất để làm lộ giao thông; đồng thời, vận động anh em trong chi hội đào hố rác tự hoại, tham gia BHYT đạt 100%.
Ngoài ra, còn tham gia sửa chữa cống đập, đường làng.
Vươn lên từ khó khăn, anh Dũng luôn tận tâm hướng dẫn kỹ thuật cho nhiều nông dân và anh em trong chi hội, hỗ trợ bán thiếu cây giống (không tính lãi) trị giá khoảng 47 triệu đồng cho 5 hội viên gặp khó khăn.
Anh tâm sự: “Có được như ngày hôm nay là nhờ sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương và các cấp hội. Bản thân tôi cũng luôn nắm bắt cơ hội và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên việc gì giúp đỡ được cho anh em đồng đội là tôi luôn sẵn lòng”.
Còn ông Huỳnh Minh Việt, từ khi kinh tế ổn định, luôn san sẻ khó khăn với những mảnh đời khốn khó. Thấy người nghèo không có đất ở, ông đã cho ở nhờ trên đất nhà.
Ông Huỳnh Minh Việt (bìa phải) trao quà cho hộ nghèo. |
Từ năm 2011 đến nay, ông còn xuất tiền túi và vận động cất nhà “Mái ấm đồng đội”, xây và sửa chữa trường học, trao học bổng cho học sinh nghèo, tặng xe lăn cho người khuyết tật... với trên 490 triệu đồng. “Việc làm tuy không lớn, nhưng tôi rất vui vì đã san sẻ phần nào khó khăn với đồng đội và hộ nghèo tại địa phương”- ông Việt nói.
Ông Lê Phước Hưng- Chủ tịch Hội CCB tỉnh nhận định, qua 5 năm thực hiện phong trào, đã tạo sự chuyển biến tích cực cả chiều rộng lẫn chiều sâu, nâng mức sống khá giàu của hội viên lên 4,29% so giai đoạn 2007- 2011.
Trên tinh thần “tương thân, tương ái”, CCB đã đoàn kết giúp nhau nâng cao cuộc sống với gần 6.100 hội viên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi 4 cấp, tăng 176,3%; xóa được 579 hộ nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 4,33% xuống còn 0,76% và đặc biệt là không có hộ tái nghèo.
Để giúp hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững, giai đoạn 2011- 2015, các cấp hội CCB đã nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội trên 275 tỷ đồng, giúp cho gần 52.300 lượt hội viên vay, tạo việc làm cho hơn 124.000 người, tăng gấp 2,4 lần so giai đoạn 2007- 2011. Thành lập 837 tổ góp vốn với số tiền hơn 14 tỷ đồng, giúp trên 4.100 hội viên nhận vốn, tăng hơn 100 tổ với số tiền tăng hơn 3,3 tỷ; đồng thời, vận động xóa 778 căn nhà tạm với tổng trị giá gần 29 tỷ đồng. Đến nay, có 115/156 cơ sở hội không còn hội viên nghèo. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin