Chăm sóc trẻ em bình thường đã khó, đối với trẻ khiếm khuyết thì đòi hỏi sự nỗ lực càng lớn hơn từ phía gia đình.
Chăm sóc trẻ em bình thường đã khó, đối với trẻ khiếm khuyết thì đòi hỏi sự nỗ lực càng lớn hơn từ phía gia đình. Trẻ khuyết tật có quyền hòa nhập cộng đồng, các em có quyền được đi học, được phát triển và được bảo vệ. Mạnh dạn cho con hòa nhập, đồng hành cùng con là cách để trẻ phát triển tốt nhất.
Phục hồi chức năng cho trẻ càng sớm, hiệu quả càng cao. |
Điểm tựa yêu thương
Gia đình mà cụ thể là cha, mẹ chính là những điểm tựa yêu thương cho trẻ khiếm khuyết, giúp các em phát triển hết năng lực của mình. Tình yêu thương cộng với sự kiên trì của mẹ cha là liều thuốc tốt nhất cho trẻ khiếm khuyết.
Bé Thiện (Mang Thít) trông mạnh mẽ hơn những bạn bè khiếm khuyết cùng tuổi 12. Bé biết quay phim, chụp ảnh, hay cười và thỉnh thoảng nói chuyện riêng với bà ngoại- bà Nguyễn Thị Hường.
Gia đình phát hiện bé bị bệnh tự kỷ từ khi bé 3 tuổi. Bà Hường nói: “9 năm nay, chưa có ngày nào gia đình tôi quên rèn luyện cho cháu”. Rồi bà kể cho tôi nghe trong niềm tự hào về những gì cháu mình làm được, như đã học tới lớp 4, biết sửa chữa một số đồ gia dụng, rất vâng lời,…
Chỉ còn những điều như nói chuyện khó nghe và không ngồi gần người lạ. “Gần xóm tôi, có thằng bé cũng bị y chang và cùng tuổi cháu tôi nhưng ở nhà ít tập nên chưa biết nói và chỉ ở nhà, không cho đi học”- bà Hường nói.
Trong khi nhiều cha mẹ bỏ cuộc với những khiếm khuyết của con, thì có những gia đình kiên trì tập luyện và được gặt về trái ngọt. Chị Nguyễn Thu Thảo ở TP Vĩnh Long có con trai bị chứng tự kỷ, mức độ nhẹ.
Chị Thảo không nhớ mình đã khóc bao nhiêu nước mắt cho con: “Rồi tôi nghĩ, khóc không có ích gì. Con tôi phải bình thường và tôi phải hành động”. Chị Thảo xin nghỉ việc, chở con lên TP Hồ Chí Minh tập vật lý trị liệu và các biện pháp khác, rồi chị tự học và tự tập cho con khi về Vĩnh Long.
Năm nay, con chị Thảo đã lên 6 tuổi, bé đã biết nói chuyện, được đi học và hòa nhập khá tốt với bạn bè. Chị Thảo cười thật tươi: “Bác sĩ nói con tôi đã hồi phục, 90% như bé bình thường”.
Từ khi con trai 5 tháng tuổi, chị Kim Thị Phường (xã Đông Thạnh- TX Bình Minh) đã phát hiện cổ bé rất yếu. Đến nay, con trai chị hơn 13 tháng tuổi vẫn chưa tự ngồi được và chưa biết bò. Nhìn cháu bé bụ bẫm, biết cầm nắm và lúc lắc lục lạc, ánh mắt chị Phường rộn lên niềm vui. Chị nói thêm: “Hồi 6 tháng là tôi đã chở con qua Cần Thơ tập vật lý trị liệu đến nay”.
Đừng bỏ cuộc
Tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ bại não Nguyễn Ngọc Điểu có khoảng 60 bé đang được trị liệu.
Trong đó, nhiều bé đã tập rất nhiều năm và một số đã đi học được. Đặc biệt, có những người mẹ ở tỉnh khác đến ở trọ vừa bán vé số vừa đưa con đi tập. Trong khi đó, một số gia đình có khả năng nhưng khi con khiếm khuyết lại cố tình giấu giếm, cho qua, ít cho trẻ tiếp xúc với mọi người vì sợ chê bai, dị nghị.
Bé Thiên- con trai chị Nguyễn Thị Kim Lý (TP Vĩnh Long) gần 3 tuổi mà vẫn chưa đi được. Chị vừa mang con đến Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để học cách tập trị liệu cho con. Bé Thiên biết xếp chồng, biết nói chuyện thành câu,… như những bạn bè cũng trang lứa.
Chị Lý nói: “Tôi bỏ hết công việc, chỉ ở nhà trông con, chồng làm vườn chỉ đủ ăn”. Dù khó khăn, chị Lý vẫn đều đặn tập vật lý trị liệu cho đôi chân con mỗi ngày, mong “con có thể đứng lên và đi bằng đôi chân của mình”.
Bé Đăng 5 tuổi- con chị Nguyễn Hoàng Diễm Quyên (Mang Thít)- thì la hét, gây gổ, hiếu động mặc cho mẹ đang cố gắng giữa bé. Chị Quyên và chồng là công nhân. Từ năm con 2 tuổi, chị thấy con không bình thường nên đi khám, bác sĩ cho biết cháu bị tự kỷ và tăng động.
Chị kể, giọng mệt mỏi: “Ở Bệnh viện Nhi đồng 1, lúc đo điện não đồ, bé phải uống thuốc gây mê vậy mà chỉ 10 phút sau đã tỉnh”. Những vất vả của vợ chồng chị Quyên khi chăm con tự kỷ không phải ai cũng thấu hiểu nhưng “vợ chồng tui quyết chiến đấu tới cùng với bệnh này, con tui khá chút nào, tui mừng chút đó”.
Những khiếm khuyết của bé như chứng tự kỷ, tăng động, rối loạn cương trợ lực,… hoàn toàn có thể được giảm nhẹ khi được tập luyện. Trẻ có thể hòa nhập cộng đồng, có thể đi học và học cao hơn. Điều quan trọng nhất là cha mẹ phải giữ vững lập trường, chủ động và không được bỏ cuộc.
|
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, Vĩnh Long có khoảng 1.400 trẻ em khuyết tật, trong đó có gần 1.200 trẻ được đến trường. Gần 80% trẻ khuyết tật được tiếp xúc các dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ công cộng khác. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin