Học tập suốt đời từ bảo tàng, thư viện...

01:07, 20/07/2016

Thực hiện theo Đề án của Chính phủ: "Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa và CLB"

Thực hiện theo Đề án của Chính phủ: “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa và CLB”, giai đoạn 2014- 2015, hệ thống thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa và các CLB văn hóa, TDTT trong tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức nhiều hoạt động, để người dân- nhất là ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện học tập thường xuyên, góp phần nâng cao trình độ dân trí, năng lực sáng tạo của nhân dân.

Sách là vốn tài liệu quý giúp cho mọi người nâng cao kiến thức, mở mang trí tuệ.
Sách là vốn tài liệu quý giúp cho mọi người nâng cao kiến thức, mở mang trí tuệ.

Học qua sách, Internet

Với 1 thư viện tỉnh, 7 thư viện huyện, 1 thư viện thiếu nhi, 5 thư viện xã, 34 phòng đọc sách nhà văn hóa xã, 1 phòng đọc thuộc thiết chế văn hóa đình làng, 1 phòng đọc nhà truyền thống Đảng bộ tỉnh, 1 thư viện thuộc Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa, 1 thư viện tư nhân và gần 300 tủ sách ấp- khóm; hệ thống thư viện tỉnh Vĩnh Long đã trở thành “kênh thông tin” phủ sóng khắp tỉnh qua những đầu sách, báo, tạp chí.

Qua đó, giúp các học sinh, cô chú công nhân, những bác nông dân hay thầy cô giáo ở những địa phương còn gặp khó khăn được tiếp cận, tìm hiểu thông tin một cách tương đối đầy đủ.

Theo Thư viện Vĩnh Long, 2 năm qua, hệ thống thư viện của tỉnh luân chuyển hơn 1,4 triệu lượt sách, báo, tạp chí phục vụ trên 628.000 lượt bạn đọc; tiếp nhận 135 máy vi tính (thư viện tỉnh 40 máy, thư viện cơ sở 95 máy) từ Dự án “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy nhập Internet công cộng tại Việt Nam” do quỹ Bill & Melinda Gates tài trợ, để người dân đến truy cập Internet miễn phí.

Phối hợp Công ty Hành lang Truyền thông tổ chức “Ngày hội Internet”, sự kiện “Internet với phụ nữ”, “Internet với thanh niên” thu hút hàng trăm lượt người tham gia.

Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nghèo, ở vùng khó khăn có cơ hội được tiếp cận và hưởng những lợi ích do công nghệ thông tin mạng, và cũng tạo cơ hội cho người dân xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống.

Ngoài phục vụ bạn đọc tại chỗ, thư viện đã phối hợp tổ chức 26 chương trình triển lãm, giới thiệu hàng chục ngàn bản sách, báo, tạp chí, thu hút 7.500 lượt người đọc ở cơ sở.

Nổi bật là chương trình giới thiệu sách về “chủ quyền biển, đảo Việt Nam” tại các địa phương trong tỉnh, mỗi điểm giới thiệu 10 tác phẩm, triển lãm 100 bản sách, 100 tờ báo, tạp chí tuyên truyền về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Học từ hoạt động giáo dục truyền thống

“Hồn gốm Việt”- chuyên đề mới- được Bảo tàng trưng bày giới thiệu.
“Hồn gốm Việt”- chuyên đề mới- được Bảo tàng trưng bày giới thiệu.

Học tập suốt đời, còn có thể học qua những hoạt động giáo dục truyền thống tại bảo tàng, di tích, thậm chí tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, TDTT do địa phương tổ chức, góp phần nâng cao kiến thức cho mỗi chúng ta.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Bảo tàng Vĩnh Long không ngừng bổ sung hiện vật, hình ảnh, tư liệu về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán truyền thống để trưng bày, phục vụ khách tham quan tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của đất và người Vĩnh Long.

2 năm 2014- 2015, Bảo tàng Vĩnh Long đã sưu tầm 746 hiện vật bổ sung cho các chuyên đề, trong đó có những chuyên đề mới, lần đầu được trưng bày như: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với biển đảo Việt Nam”, “Kỷ vật ký ức chiến tranh”,...

Trong lần đến dự khai mạc chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến thắng Điện Biên Phủ” và chuyên đề “Hồn gốm Việt” tại Bảo tàng, ông Lê Thanh Tuấn- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long kỳ vọng:

“Qua mỗi chuyên đề, khách tham quan sẽ có được một dấu kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Từ đó, giúp chúng ta thêm hiểu biết và tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc, trong đó có Vĩnh Long”.

Vĩnh Long hiện có 40 di tích cấp tỉnh, 10 di tích cấp quốc gia. Đến di tích, mỗi chúng ta sẽ thấy trân trọng hơn những thành quả của cha ông trong việc khẩn hoang xây làng, lập ấp hay anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc.

Thầy Huỳnh Văn Năm- Hiệu trưởng Trường THCS Long Phước (Long Hồ) đọc 4 câu thơ đầy xúc cảm khi dẫn các học sinh đến viếng Khu lưu niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng vào năm 2014:

“Tình thương của Bác bao la/ Lời ca về Bác thiết tha lòng người /Hôm nay, đứng trước anh linh/ Chúng con kính cẩn nghiêng mình nhớ ơn!”.

Được đầu tư tương đối đầy đủ các trang thiết bị, bên cạnh chức năng phục vụ nhiệm vụ chính trị, hiện nay, các trung tâm văn hóa, thể thao; nhà văn hóa các địa phương còn tổ chức cho hàng triệu lượt người tham gia trên 117.800 buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ với các hội thi, hội diễn, liên hoan, đờn ca tài tử, thi đấu thể thao, trò chơi dân gian, khiêu vũ… đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí cho người dân.

Nhiệm vụ của đề án nói trên đặt ra đến năm 2020 là củng cố cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa phương thức hoạt động, phát triển mạng lưới thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB… Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tuyên truyền và nâng cao năng lực tổ chức hoạt động học tập suốt đời cho đội ngũ CCVC làm việc trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, CLB. Tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế; huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp và tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế để triển khai đề án này.

Bài, ảnh: QUANG THUẦN- MINH TRIẾT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh