Dự án "Tài chính vi mô dành cho người nghèo và tăng cường trao quyền trong cộng đồng" tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012- 2016 do Tổ chức Merry Year International (Hàn Quốc) tài trợ thông qua Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, đã giúp cho gần 1.500 lượt hộ hưởng lợi với số tiền hỗ trợ gần 5,3 tỷ đồng.
Kinh tế gia đình chị Tâm ngày càng phát triển nhờ vào đồng vốn hỗ trợ. |
Dự án “Tài chính vi mô dành cho người nghèo và tăng cường trao quyền trong cộng đồng” tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2012- 2016 do Tổ chức Merry Year International (Hàn Quốc) tài trợ thông qua Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, đã giúp cho gần 1.500 lượt hộ hưởng lợi với số tiền hỗ trợ gần 5,3 tỷ đồng.
Nâng chất lượng cuộc sống
Đến chợ Tân An Luông (Vũng Liêm), thật vui khi thấy đời sống nhiều tiểu thương đã có sự thay đổi. Chị Bùi Thị Diễm kể: Trước đây, do thiếu vốn và kinh nghiệm làm ăn nên thu nhập từ việc mua bán tạp hóa và nước giải khát chỉ khoảng 120.000 đ/ngày.
Sau khi được Tổ chức MYI tập huấn hướng dẫn kiến thức mua bán và hỗ trợ vay vốn 2 đợt (20 triệu đồng), tôi có điều kiện mua xe máy làm phương tiện vận chuyển, chở hàng và nhập thêm nhiều loại rau củ, nên hàng hóa khá đa dạng, mua bán thuận lợi hơn.
Nhờ vậy, thu nhập tăng lên 220.000 đ/ngày. Tôi có điều kiện mua tôn sửa mái nhà và lo cho con học ĐH. Sau khi hoàn vốn, tôi còn mua thêm được bàn ghế, tủ giữ lạnh, tủ bán bánh bao để mở rộng mua bán.
Sau 2 lần vay vốn (20 triệu đồng) và được hướng dẫn kiến thức mua bán, cách tiết kiệm tiền vốn kinh doanh, chị Bao Thị Thi (xã Tân An Luông) đã mua bếp gas chiên bánh xèo, mua bộ bàn ghế cho khách ăn tại chỗ và tủ kiếng để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trước đây chị lời khoảng 75.000 đ/ngày, giờ đã tăng lên 210.000 đ/ngày. Dư chút đỉnh, chị mua ti vi mới cùng nhiều vật dụng gia đình.
Đến xóm nghề đan cần xé (Khóm 7, Phường 2- TP Vĩnh Long) gặp gia đình chị Trần Thị Ngọc Tâm- hộ có 7 thành viên đều làm nghề đan cần xé.
Chị Tâm cho biết: “Trước đây, gia đình tôi sống trong căn nhà lá xập xệ, trời mưa là ngập ướt hết. Sau 3 năm (2013- 2015) được hỗ trợ vay vốn từ dự án của MYI với tổng số tiền 30 triệu đồng, tôi đã có vốn mua vật liệu nên đồng lời tăng thêm, thu nhập từ 500.000 đ/ngày đã tăng lên khoảng 900.000 đ/ngày. Nhờ vậy, tôi có điều kiện mua sắm, sửa chữa nhà cửa”.
Chị xởi lởi: “Do nhà đông người nên tôi phải tính toán dùng đồng vốn sao cho chính đáng và có hiệu quả”.
Cùng ngụ Khóm 7, bà Phạm Thị Lan bán bánh đúc, có hoàn cảnh rất khó khăn do chồng bị tai biến, mọi chi tiêu gia đình đều do bà trang trải. Qua 2 đợt vay vốn (15 triệu đồng), bà cho biết: “Cũng nhờ đồng vốn này, mà thu nhập từ việc mua bán ngày càng cải thiện, tôi cũng có điều kiện tu sửa nhà cửa”.
Ông Nguyễn Văn Sơn- Phó Chủ tịch UBND Phường 2 (TP Vĩnh Long), Trưởng Ban quản lý dự án cho biết: Toàn phường có 52 hộ được vay vốn với tổng số tiền 410 triệu đồng. Trước khi giải ngân, Tổ chức MYI còn tập huấn kỹ năng mua bán cho các tiểu thương. Nhờ có vốn và kiến thức làm ăn nên thu nhập người dân ngày càng cải thiện, có điều kiện chăm lo cho gia đình tốt hơn.
Giúp hộ nghèo vươn lên
Từ năm 2011 đến nay, Tổ chức MYI đã hợp tác với Tổ chức KOICA và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh để thực hiện dự án giúp những hộ buôn bán nhỏ và làm nghề đan cần xé nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bắt đầu từ Phường 1, đến nay dự án đã mở rộng ra Phường 2, xã Tân Hòa (TP Vĩnh Long); xã Tân An Luông, Hiếu Phụng (Vũng Liêm), xã Long Phước, Phú Quới (Long Hồ).
Nhờ có vốn mua bán mà bà Lan (trái) đã nâng cao thu nhập. |
Ông Choi Byoung Gwan- đại diện Tổ chức MYI tại Việt Nam đánh giá: Dự án tín dụng vi mô này rất phù hợp với Việt Nam- một nước đang trong quá trình phát triển. Dự án đã giúp chúng tôi được hợp tác với chính quyền địa phương trong việc thành lập ban quản lý dự án đó và quản lý hộ vay.
Qua đó, đã góp phần vào việc tăng cường năng lực đưa kinh tế địa phương phát triển. Thực tế, nếu được chính quyền địa phương, xã hội cộng đồng và những tổ chức phi chính phủ như MYI hợp tác, giúp đỡ thì các hộ nghèo sẽ có điều kiện vươn lên tốt hơn.
Ông Oh Dea Sik- Chủ tịch Tổ chức MYI cho rằng: “Tôi rất trân trọng sự hỗ trợ của cán bộ địa phương đã dành cho dự án. Chúng ta có rất nhiều cách giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Có thể quyên tặng đồ dùng cần thiết, tạo cơ hội học tập, hỗ trợ khám chữa bệnh hoặc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các địa phương nghèo...
Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, giá trị quan trọng nhất đó chính là sự tự lực cánh sinh, mở ra cơ hội để người nghèo tự vươn lên làm việc bằng chính đôi tay của mình để có cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Ông Lê Văn Hậu- Phó Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh đánh giá, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực từ việc hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương về vai trò quản lý dự án phát triển cộng đồng, sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ và hỗ trợ cho các tiểu thương trong dự án kinh doanh có hiệu quả hơn.
Ông Oh Dea Sik- Chủ tịch Tổ chức MYI |
Động lực khiến chúng tôi không ngừng giúp đỡ hộ nghèo là vì chúng tôi tin vào tiềm năng và khả năng vốn có của họ.
Giải pháp cơ bản là: giúp đỡ về mặt vật chất và tinh thần để tự lập về mặt kinh tế; đồng thời, những người đã thành công trong việc tự lực cánh sinh có thể giúp những người xung quanh họ để tạo thành một cộng đồng văn hóa lành mạnh.
Chúng tôi gọi đó là việc chia sẻ hệ sinh thái và thông qua việc này chúng tôi hoàn toàn tin rằng xã hội này sẽ ngày một trở nên tốt đẹp hơn. |
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin