Kỳ cuối: Con đường nghề thênh thang

08:07, 21/07/2016

Trong khi con đường ĐH cần sự cân nhắc và có chọn lọc, thì con đường vào các trường CĐ (hiện nay thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp) thênh thang rộng cửa đón chờ thí sinh. 

Trong khi con đường ĐH cần sự cân nhắc và có chọn lọc, thì con đường vào các trường CĐ (hiện nay thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp) thênh thang rộng cửa đón chờ thí sinh. Năm nay, Bộ GD- ĐT không quy định điểm ngưỡng chất lượng cho hệ CĐ, thí sinh chỉ cần tốt nghiệp THPT là có thể xét tuyển vào hệ này.

Học nghề chú trọng thực hành.
Học nghề chú trọng thực hành.

Nhiều cơ hội lựa chọn

Học ở các trường CĐ nghề đã được nhiều thí sinh quan tâm vì cơ hội việc làm hấp dẫn thời gian học ngắn và xét tuyển bằng học bạ.

Trong kỳ tuyển sinh đầu tiên của mình, Trường CĐ Nghề Vĩnh Long tuyển sinh các ngành truyền thống như: cắt gọt kim loại, công nghệ ôtô, điện công nghiệp,… còn có các ngành nghề như quản trị khách sạn, quản trị lữ hành.

Ông Nguyễn Thanh Toàn- Trưởng Phòng Đào tạo của trường- cho biết: “Chúng tôi luôn chú ý đào tạo kỹ năng nghề để mỗi sinh viên ra trường có thể bắt nhịp ngay với công việc. Thực tế, có nhiều công ty, doanh nghiệp đến trường trực tiếp tuyển dụng”.

Ngoài 3 trường ĐH có hệ CĐ, Vĩnh Long còn có 5 trường CĐ và CĐ nghề. Ngành nghề tuyển sinh ở các trường đa dạng đủ các tổ hợp môn, đủ ngành. Phương thức xét tuyển cũng đa dạng cho thí sinh. Bà Nguyễn Thị Thúy Liễu cho biết thêm: Khi có điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD- ĐT cho hệ ĐH, trường CĐ cũng sẽ thông báo điểm để xét tuyển. Ngoài ra, trường cũng nhận xét tuyển bằng học bạ.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long cũng dành 810 chỉ tiêu cho hệ CĐ bằng hình thức xét tuyển học bạ và bằng tốt nghiệp THPT. Có đến 27 ngành ở hệ CĐ, trong đó lưu ý một số ngành mới như: thú y, công tác xã hội, công nghệ thực phẩm,… 

Nói về ngành hot của trường, ông Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng trường, cho biết: “Công nghệ kỹ thuật ôtô là ngành được nhiều thí sinh chọn lựa và cơ hội việc làm rất tốt”.

Trong khi đó, Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long tuyển sinh 19 ngành CĐ và 3 ngành CĐ liên thông. Có 2 hình thức xét tuyển vào trường: dựa vào điểm thi THPT quốc gia và học bạ.

Gần đây, cơ sở vật chất của Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long càng được đầu tư nhiều hơn nhờ các dự án hỗ trợ. Trong đó phải kể đến, dự án Kỹ năng nghề Việt Nam (VSEP) của Canada đã hỗ trợ nhiều cho trường, đặc biệt ở nhóm ngành công nghệ thực phẩm.

Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long và Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long vẫn phát huy thế mạnh các ngành truyền thống là giáo dục mầm non và kế toán. Ngành giáo dục mầm non được nhiều thí sinh quan tâm, trường đã tổ chức 1 đợt thi năng khiếu cho thí sinh.

Ngoài tỉnh, có các trường như CĐ Phát thanh- Truyền hình 2 xét tuyển 3 ngành: báo chí, công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông và tin học ứng dụng. Trường này cũng xét tuyển dựa trên điểm thi và học bạ. Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP Hồ Chí Minh có đến 1.600 chỉ tiêu cho hệ CĐ.

Chỉ cần tốt nghiệp THPT, thí sinh đã có thể xét tuyển vào các trường CĐ, CĐ nghề. Việc xét tuyển cũng không quá khó khăn và tỷ lệ chọi cũng không cao như ở các trường ĐH. Ngoài ra, khi chọn học CĐ thí sinh hoàn toàn có thể liên thông lên ĐH ngay sau khi hoàn thành chương trình.

Cần sự nỗ lực bản thân

Thí sinh cần được tư vấn, suy nghĩ kỹ trước khi chọn ngành.
Thí sinh cần được tư vấn, suy nghĩ kỹ trước khi chọn ngành.

Nỗi băn khoăn lớn nhất của thí sinh khi chọn trường CĐ, CĐ nghề là vấn đề việc làm. Đây cũng chính là trăn trở chung của nhiều người nhất là lãnh đạo các trường.

Bà Nguyễn Thị Thúy Liễu- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long cho biết: “Chúng tôi tạo nhiều cơ hội cho thí sinh thực hành phần mềm mô phỏng, gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp, hội chợ việc làm”.

Ngành kế toán vẫn là ngành có việc làm cao của trường, tuy nhiên bà nói thêm: “Ngành tài chính ngân hàng vẫn được chúng tôi quan tâm đặc biệt ở lĩnh vực kho bạc, nhà nước vì hiện tại ngành này có thể không thiếu nhưng tương lai vài năm nữa hẳn sẽ có chuyển biến”.

Chú trọng kỹ năng nghề cho sinh viên nên hệ CĐ sẽ chú trọng việc thực hành hơn lý thuyết ngay từ bây giờ. Sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long được học thực hành từ năm thứ nhất và có thời gian thực hành nhiều hơn.

Ngoài ra, các bạn còn được đi thực tập tại công ty và nhiều sinh viên nhờ đó có việc làm ngay sau khi ra trường. Bạn Nguyễn Minh Đức đang làm việc tại Công ty Kia Mỹ Phú Hưng (Đồng Tháp) vui vẻ cho biết: “Tôi ra trường 6 tháng và cũng làm việc ở công ty này 6 tháng rồi”.

Đây là công ty mà Minh Đức được đưa đi thực tập khi còn là sinh viên, hiện nay bạn có mức lương ổn định và “có dư chút đỉnh”. Minh Đức chia sẻ thêm: “Niềm vui của tôi là có được công việc đúng chuyên ngành, được học hỏi thêm kinh nghiệm khi đi làm”.

Một hướng mở khác cho học nghề mà Trường CĐ Nghề Vĩnh Long đang mở ra cho sinh viên của mình là xuất khẩu lao động. Trường và Công ty TNHH Esuhai (Nhật Bản) đã ký kết hợp tác để tuyển dụng trực tiếp sinh viên ra trường sang Nhật làm việc. Ông Nguyễn Thanh Toàn thông tin thêm: “Sinh viên được dạy tiếng Nhật tại trường và được các công ty Nhật Bản sang phỏng vấn trực tiếp. Chúng tôi vừa khai giảng một lớp tiếng Nhật vào giữa tháng 7”.

Chọn lối đi thích hợp cho mình có thể là con đường ĐH, CĐ hay CĐ nghề,… Con đường nào cũng có thể đi đến thành công nếu nó vừa sức và thích hợp với bạn. Hơn thế nữa, bản thân thí sinh phải cố gắng phấn đấu nỗ lực hết mình để đi đến thành quả mình mong muốn.

Hệ CĐ đã không còn rào cản liên thông như trước. Ngoài ra, một thuận lợi khi học nghề là học phí thấp. Ngoài một số ngành sư phạm kỹ thuật được miễn học phí, các ngành khác đóng học phí khoảng 800.000 đ/ tháng.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh