Có rất nhiều đứa trẻ khôi ngô, tuấn tú, lanh lợi nhưng lại mất khả năng nói. Nếu không được phát hiện sớm, trị liệu ngôn ngữ thì các bé có nguy cơ mất đi cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Có rất nhiều đứa trẻ khôi ngô, tuấn tú, lanh lợi nhưng lại mất khả năng nói. Nếu không được phát hiện sớm, trị liệu ngôn ngữ thì các bé có nguy cơ mất đi cơ hội hòa nhập cộng đồng.
Từ sáng sớm, khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 đã có khá đông bệnh nhân chờ khám. Các bé ở đây đa dạng các lứa tuổi, có bé còn đang được mẹ che chở trên tay, có bé đã to khỏe đứng ngang lưng mẹ nhưng hầu như tất cả đều chỉ biết một phản xạ duy nhất là khóc.
Bảy tuổi không biết nói
Cậu bé Thành Danh (bảy tuổi) có vẻ mặt kháu khỉnh ngồi sát vào người bố, bàn tay cứ nắm chặt áo bố, ánh mắt ngơ ngác nhìn khắp nơi rất sợ hãi. Cậu bé cứ giữ nguyên hành động đó hơn hai giờ đồng hồ cùng bố chờ đến lượt khám.
Theo anh Dũng (ngụ quận 7, TP.HCM), gia đình anh hiện tại chỉ có mình bé. Từ khi sinh ra đến nay, bé sống chủ yếu với bà nội và cô giúp việc.
Bố mẹ thường xuyên đi công tác xa nhà. “Lúc bé hai tuổi vẫn chưa biết nói, gia đình có đưa đi khám nhưng lại nghĩ bé thiểu năng, chậm phát triển do bẩm sinh và cho bé uống thuốc.
Sau khi đi khám ở Nhi đồng 1, bé được bác sĩ cho biết bệnh của bé không phải do bẩm sinh và yêu cầu gia đình cho bé điều trị âm ngữ trị liệu (ÂNTL) tại BV, mong bé có thể bạo dạn lên được xíu” - anh Dũng nói.
Hằng ngày, khoa Vật lý trị liệu, BV Nhi đồng 1 tiếp nhận 50-60 bệnh nhân đến khám các vấn đề về ngôn ngữ, giao tiếp, nghe nói... Nhiều ông bố, bà mẹ tìm đến những phương pháp can thiệp cho trẻ khá muộn vì không thể nhận biết được con mình bị bệnh gì.
Chị Hồng (giáo viên, quận 8, TP.HCM) cùng con trai đến khám tại khoa Vật lý trị liệu. Bé đã 2,5 tuổi nhưng chưa bao giờ gọi được một tiếng ba hay mẹ. Chị Hồng cho biết từ lúc bé sinh ra đến giờ bé vẫn ăn tốt chơi vui, đi lại bình thường nhưng không thể nói.
“Gia đình đưa bé đi khám mới biết bé chịu ảnh hưởng từ môi trường dẫn đến không nói được cần can thiệp ÂNTL cho bé. Thật sự tôi không biết về triệu chứng này, nếu biết thì đã can thiệp trị liệu cho con sớm hơn” - chị Hồng nói.
Do môi trường chăm sóc, nhiều bé quá tuổi biết nói vẫn không nói được. Ảnh: HÀ PHƯỢNG |
Bệnh lý mới ở Việt Nam
Theo ông Hoàng Văn Quyên - Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, BV Nhi đồng 1, số lượng bệnh nhân có nhu cầu can thiệp ÂNTL đến BV Nhi đồng 1 ngày càng tăng. Trung bình mỗi năm nơi đây tiếp nhận khoảng 1.200-1.500 bệnh nhi can thiệp ÂNTL.
Trong quá trình nghiên cứu, tiếp xúc với trẻ, các bác sĩ nhận thấy trẻ không chịu ảnh hưởng từ vẻ bề ngoài, không mang bệnh lý bẩm sinh (sứt môi, tự kỷ…) nhưng lại gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng trong phát âm, chậm giao tiếp.
Đối với những trường hợp này, các bác sĩ đánh giá do tác động từ môi trường giáo dục, cách cha mẹ chăm sóc con và phương pháp giáo dục từ khi con còn bé.
Đây được xem là một bệnh lý khá mới, hiện tại BV Nhi đồng 1 là một trong những trung tâm đầu tiên được tiếp nhận điều trị rối loạn ngôn ngữ ở Việt Nam. Mặc dù được đào tạo bởi các chuyên gia nước ngoài song đến nay lĩnh vực ÂNTL vẫn chưa có mã ngành, mong muốn đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu của bệnh nhi chưa được đáp ứng.
Theo ông Hoàng Văn Quyên, Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng, BV Nhi đồng 1, ở các thành phố lớn, phụ huynh thường quá bận rộn với việc kiếm tiền và phó mặc con cái cho người giúp việc, cô giáo trông trẻ dẫn đến hoạt động hằng ngày của bé bị lập trình trong khuôn khổ ăn, ngủ, xem tivi. Bé không được tiếp xúc với bên ngoài, không được tương tác để nói, để học chơi, làm chậm khả năng phát triển của trẻ khiến thế giới của trẻ bị bó buộc, mất khả năng ngôn ngữ mà phụ huynh không hay biết. Đối với những trường hợp trên, nếu trẻ không được can thiệp ÂNTL kịp thời, những rối loạn bất thường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc đời các bé. Khi hạn chế về ngôn ngữ kéo theo việc trẻ bị hạn chế khả năng giao tiếp, ngoài những khó khăn trong sinh hoạt thường ngày, trẻ sẽ mất đi cơ hội học tập, hòa nhập cộng đồng khiến trẻ tổn thương nghiêm trọng hơn. ______________________________ Các ông bố, bà mẹ nên quan sát con mình, trong thời gian 0-12 tháng tuổi bé bú mẹ nhưng không nhìn mẹ và nhìn đi nơi khác, không đáp ứng khi được gọi tên mình, khó khăn trong việc ăn. Từ 1 đến 2 tuổi bé không giao tiếp bằng mắt, giới hạn vốn từ thì nên đưa bé đi khám tại BV để được can thiệp ÂNTL sớm. Bên cạnh đó, phụ huynh nên tạo môi trường vui chơi tốt cho trẻ, cần thường xuyên trò chuyện và dạy các bé cách phát âm, động viên trẻ vui chơi cùng bạn bè. |
Theo PLO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin