Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển

10:06, 01/06/2016

Không ít các bậc cha mẹ hiện nay vì cưng chiều con nên giao xe máy, môtô cho học sinh điều khiển để đi học, đi chơi.

Theo báo cáo nhanh của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ- Công an tỉnh Vĩnh Long, chỉ trong 15 ngày (từ ngày 1- 15/5/2016) thực hiện kế hoạch cao điểm giữ trật tự ATGT trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp vừa qua, các đội tuần tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 65 trường hợp chủ phương tiện giao xe hoặc để xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông. Đây là điều đáng suy gẫm!

Các em học sinh lái xe máy thường chạy hàng hai, hàng ba và còn đèo, kéo mất ATGT.
Các em học sinh lái xe máy thường chạy hàng hai, hàng ba và còn đèo, kéo mất ATGT.

Không ít các bậc cha mẹ hiện nay vì cưng chiều con nên giao xe máy, môtô cho học sinh điều khiển để đi học, đi chơi. Nhất là trong dịp nghỉ hè, các em học sinh thường rủ nhau đi chơi thành từng nhóm, đi chơi xa.

Phương tiện phổ biến hiện nay vẫn là xe gắn máy, môtô. Hầu hết học sinh phổ thông chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện điều khiển xe máy, môtô cũng như chưa đủ kinh nghiệm để xử lý và thêm tính cách lứa tuổi đang lớn hay hiếu thắng, ra đường điều khiển xe chủ quan, lạng lách đánh võng, chạy quá tốc độ… chạy hàng hai, hàng ba đùa giỡn.

Lứa tuổi các em cũng dễ bốc đồng, thiếu kiềm chế nên dễ khiêu khích nhau chạy xe lạng lách, thách thức nhau, từ đó dễ xảy ra tai nạn.

TNGT luôn rình rập từng phút, từng giây, chỉ cần một chút lơ là hậu quả nghiêm trọng có thể sẽ xảy ra. Khi tai nạn xảy ra, hậu quả để lại vô cùng to lớn, trong đó có hậu quả về tương lai của con em và hậu quả pháp lý mà cha mẹ, người giao phương tiện phải gánh chịu.

Chứng kiến trường hợp một nam thiếu niên bị kiểm điểm tại nơi cư trú ở (xã Long Phước), với hành vi điều khiển phương tiện môtô vi phạm Luật Giao thông đường bộ và không chấp hành lệnh dừng xe của cơ quan chức năng, mới thấy rõ trách nhiệm của cha mẹ khi giao xe cho con nhưng không lường được hậu quả to lớn có thể xảy ra.

Nguyên nhân, thiếu niên này điều khiển môtô chở một bạn gái không đội nón bảo hiểm và chạy lạng lách trên đường đô thị TP Vĩnh Long. Khi lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện, ra hiệu dừng xe thì em này cố tình bỏ chạy. Cũng còn may, cơ quan chức năng ngăn chặn kịp hành vi lạng lách, để giữ an toàn cho 2 em.

Em thiếu niên này bị kiểm điểm và hứa không tái phạm trước sự chứng kiến của nhân dân nơi cư trú. Đồng thời, mọi người cùng kiểm điểm, nhắc nhở cha mẹ của em về hành vi giao xe cho con khi chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện điều khiển khi tham gia giao thông. Lúc này người làm cha mẹ mới nhận ra lỗi của mình và hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu con mình gây ra TNGT.

Và tôi cũng có dịp chứng kiến nhiều nỗi đau của người làm cha, làm mẹ, vì quá cưng chiều, giao xe cho con đến khi xảy ra tai nạn thì phải tan nhà nát cửa; đứa con cưng yêu ngày nào vẫn còn bình thường thì phút chốc trở thành người ngớ ngẩn hoặc vĩnh viễn ra đi… nhưng không dám kể ra vì sợ gợi lại nỗi đau của người trong cuộc.

Luật Giao thông đường bộ quy định các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 8), trong đó có: Điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định.

Điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng. Giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ.

Tuổi của người điều khiển phương tiện cũng được quy định rõ (Điều 60): Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3; Người đủ 18 tuổi trở lên được lái môtô 2 bánh, môtô 3 bánh có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; ôtô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500kg; ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi (tất nhiên phải có giấy phép lái xe được cơ quan chức năng cấp).

Trong khi hiện nay, hầu hết học sinh THCS nằm trong độ tuổi từ 16 trở xuống (trừ các em đã tốt nghiệp THCS mới đủ 16 tuổi); học sinh THPT nằm trong độ tuổi từ 18 trở xuống (chỉ các em học kỳ cuối lớp 12 mới đủ 18 tuổi, tuổi được học và thi lấy giấy phép lái xe).

Nghị định 171, quy định xử phạt các hành vi vi phạm: Đối với trường hợp cha mẹ, người giao xe cho con em chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm hành chính.

Phạt tiền từ 800.000- 1.000.000đ đối với cá nhân là chủ môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự môtô, từ 1.600.000- 2.000.000đ đối với tổ chức là chủ môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự môtô: Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông (Điều 30).

Các bậc cha mẹ, người thân đừng vì quá thương con, cưng chiều quá mức và sẵn sàng giao xe cho con.

Nếu yêu thương thì mỗi chúng ta phải sống tốt, gương mẫu và là người cha, người mẹ, người anh, người chị biết bày dạy cho trẻ lối sống lành mạnh để con trẻ sống có ích cho xã hội. Đừng cưng chiều quá đáng để rồi… hối hận cũng không khắc phục được hậu quả.

Không chỉ riêng con cháu trong gia đình, đối với người khác, khi giao xe cũng cần nên biết người điều khiển đã có đủ điều kiện được lái phương tiện chưa, để tránh mang họa vào thân.

 

 

Điều 205. Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ 

1. Người nào điều động hoặc giao cho người không có giấy phép hoặc bằng lái xe hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển các phương tiện giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ 3- 30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1- 3 năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 2- 7 năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5- 12 năm.

Đối với người điều khiển phương tiện vi phạm các quy định về trật tự ATGT đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo mức độ tội phạm và độ tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

 

Bài, ảnh: HÙNG HẬU

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh