Góc phố nghĩa tình

04:06, 02/06/2016

Trên nhiều tuyến đường của TP Vĩnh Long xuất hiện những thùng nước, tủ bánh mì, quán cơm,…kèm theo hai chữ "từ thiện", đã khiến cho nhiều người xúc động, cảm kích. Những việc làm dù rất nhỏ nhưng thấm đẫm tình yêu thương giữa con người với nhau.

Trên nhiều tuyến đường của TP Vĩnh Long xuất hiện những thùng nước, tủ bánh mì, quán cơm,…kèm theo hai chữ “từ thiện”, đã khiến cho nhiều người xúc động, cảm kích. Những việc làm dù rất nhỏ nhưng thấm đẫm tình yêu thương giữa con người với nhau.

Cơm từ thiện- cơm 5.000đ

 Dĩa cơm 5.000đ của chị Nhung đã giúp người nghèo có bửa ăn ngon, tiết kiệm chi phí.
Dĩa cơm 5.000đ của chị Nhung đã giúp người nghèo có bửa ăn ngon, tiết kiệm chi phí.

Nằm nép mình tại số 248 đường Trần Địa Nghĩa, Phường 4, TP Vĩnh Long, tiệm cơm 5.000đ do chị Nguyễn Hồng Nhung làm chủ hơn 1 năm nay đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người lao động nghèo, sinh viên,…

Toàn bộ chi phí hoạt động, tiền thuê mặt bằng của quán cơm là do chị Nhung bỏ tiền túi ra cùng với sự đóng góp thêm của các mạnh thường quân.

Nói về cái duyên đưa chị đến với việc mở quán cơm 5.000 đ, chị Nhung xúc động kể: “Cách đây 9 năm, chồng tôi lâm bệnh nặng phải nhập viện ở TP. HCM, lúc đó khó khăn lắm, tôi phải đi xin cơm từ thiện được phát ngoài cổng để ăn.

Sau đó, không lâu chồng tôi qua đời, tôi về quê sinh sống cùng mẹ và con gái ở Phường 5 rồi đi theo nấu ăn từ thiện cho bếp ăn Bệnh viện Vĩnh Long.

Và tiếp tục thuê mặt bằng để mở quán cơm”. Khi được hỏi vừa nấu ăn cho bệnh viện vào ngày 29 hàng tháng, vừa lo kinh tế gia đình lại phải đi chợ nấu cơm từ khuya có quá sức với chị không? Ánh mắt như sáng lên niềm tin yêu chị bảo: “Mệt thì có nhưng vui lắm, cái gì cũng bắt đầu từ chữ duyên mà”.

Ban đầu khi mới mở quán ăn, chị Nhung gặp khá nhiều khó khăn trong công tác vận động, thế nhưng giờ quán cơm của chị đã có hẳn những mạnh thường quân thường xuyên.

“Hồi đầu vận động khó lắm, giờ thì có mấy mối thường xuyên nên đỡ lo. Có nhiều khách đến ăn ngoài việc trả tiền cơm họ còn bỏ tiền vô thùng quĩ ủng hộ, của ít lòng nhiều mình trân trọng lắm”. Mong muốn lớn nhất của chị Nhung bây giờ là làm sao nhận được nhiều sự ủng hộ nhiều hơn để chị có thể hạ giá tiền cơm xuống mức thấp nhất có thể chứ không hẳn là 5.000đ như hiện nay.

Ngoài chị Nhung còn có một số nhân viên phục vụ khác, mỗi người điều tranh thủ giờ rảnh rổi để đến phụ bưng bê, rửa chén đũa và kiêm luôn nhiện vụ vận động, ủng hộ tiền.

Chú Trịnh Trúc Lâm, năm nay đã 51 tuổi, ngày nào cũng vậy chú luôn có mặt tại quán cơm từ rất sớm: “ Mỗi tháng tôi quyên góp cho tiệm cơm 3,2 triệu đồng, rồi đi vận động mấy mạnh thường quân phụ giúp quán”.

Thấy bên ngoài có khách là chị Nhung nhanh nhảo hỏi, “Chú, cô ăn ở đây hay mang về”. Nếu ăn tại chỗ thì khách ngồi ngoài bàn, còn đem về thì cơm được cho vô hộp rất vệ sinh. Cô Kim Nga- làm nghề bán vé số, vui vẻ nói: “Đi bán vé số đâu có nhiều tiền, nhờ có quán cơm 5.000 đ mừng lắm, ăn vừa no vừa ngon”.

Ở Vĩnh Long, hiện tại có khoảng 4 quán cơm từ thiện và nhiều hoạt động phát cơm từ thiện hàng tháng khác của các tổ chức, cá nhân, mỗi nơi mỗi hình thức tuy nhiên tất cả điều với mong muốn đem đến bửa cơm no lòng cho người nghèo, giảm nhẹ nỗi lo mưu sinh trên đôi vai của rất nhiều người bà, người cha, người mẹ.

Ấm áp tình người trên những góc phố

Lớp học đặc biệt do cô Nga mở đã tạo được niềm vui cho rất nhiều trẻ em kém mai mắn.
Lớp học đặc biệt do cô Nga mở đã tạo được niềm vui cho rất nhiều trẻ em kém mai mắn.

16 năm nay, lớp dạy học cho trẻ em kém may mắn của cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga ở Phường 8, TP Vĩnh Long là nơi tập trung của 38 em ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Trong đó, hơn phân nửa trẻ bị bệnh down, còn lại là trẻ em lang thang đường phố. Điều đáng quý là cô Nga không nhận một khoản thù lao nào, mà còn phát miễn phí sách vở, bút viết cho các em. Nhờ những cố gắng của cô Nga trong việc giảng dạy, những năm qua hàng chục đứa trẻ bị hội chứng down đã biết đọc, biết viết và trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ hơn.

“Ở đây, mỗi trẻ mỗi hoàn cảnh, đứa bệnh, đứa bình thường nhưng găp hoàn cảnh trớ trêu, bất hạnh. Các em cần được đi học, cần có niềm vui như bao trẻ khác. Chính vì vậy tôi đã mở lớp học này với mong muốn được thấy nụ cười hồn nhiên của các em”.

Mấy tháng nay, hình ảnh “tủ bánh mì từ thiện” trên đường Phạm Thái Bường, đường Đinh Tiên Hoàng, TP Vĩnh Long, do anh Bùi Dương Quốc quê ở Bến Tre và một số người bạn cùng lập ra, đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người.

Đang trò chuyện cùng chúng tôi anh Quốc bảo: “Mối tới nữa rồi kìa”. Vội bỏ ly trà trên tay xuống, anh Quốc tiến lại “mối” hỏi “Chú, cô hôm nay ăn bánh mì với nước tương hay sữa?”.

Câu nói rất đỗi quen thuộc với những người “mối” của anh mỗi khi ghé ngang lấy ổ bánh mì. Ngồi ở tủ bánh mì chừng 15 phút đã có hơn chục người đến nhận bánh và hình như anh Quốc điều quen mặt hết từng người.

“Đa phần là tôi nhớ hết, dạo gần đây có thêm một số người mới, rồi cả học sinh nữa. Mỗi ngày 2 tủ bánh mì phát được 90 ổ”- anh Quốc phấn khởi nói.

Nằm khiêm tốn trên vỉa hè, dưới gốc cây trên các con đường Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Huệ, Phạm Thái Bường, Trưng Nữ  Vương,… những bình nước miễn phí trở thành chốn nghỉ chân quen thuộc trong hành trình lao động mỗi ngày của rất nhiều người.

Chú Phan Anh Lưu (Phường 5) vừa uống ngụm nước mát vừa vui vẻ nói: “Đi bán vé số, hễ khát là tấp vô rót ly nước uống. Giờ người ta để thùng nước ở nhiều đường uống cũng dễ, đỡ tốn kém dữ lắm”.

Cô Nguyễn Thị Tư (Phường 4) vai vát túi đựng ve chai tiếp lời: “Uống xong rót thêm vô cái chai để dành đi đường uống tiếp, chứ mỗi cái mỗi mua không nổi đâu”.

Thế đó, tình cảm, sự quan tâm con người dành cho nhau đôi khi chỉ là những con chữ, hộp cơm, ly nước, ổ bánh mì,…mà sao ấm áp và đáng quí vô cùng.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh