Khuyến cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến thời điểm này, việc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là biện pháp chính giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang và điều trị dự phòng càng sớm sẽ mang lại hiệu quả cao.
Khuyến cáo của Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), đến thời điểm này, việc điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là biện pháp chính giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HIV do mẹ truyền sang và điều trị dự phòng càng sớm sẽ mang lại hiệu quả cao.
Sớm tiếp cận với các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sẽ giúp phụ nữ mang thai phòng tránh các bệnh tật đáng tiếc cho trẻ. |
Điều trị dự phòng: rất quan trọng
Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, chương trình điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã được triển khai từ năm 2014.
Phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ được theo dõi, quản lý, chăm sóc từ khi mang thai cho đến khi chuyển dạ và sau sinh. Nếu tuân thủ đúng quy trình điều trị thì tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con sẽ giảm xuống dưới mức 5%.
Trong khi đó, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV không được điều trị dự phòng thì khả năng lây truyền HIV sang con khoảng 20- 50% (trung bình là 36%).
Giai đoạn điều trị tốt nhất là 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai, điều trị càng sớm càng tốt. Như vậy, những phụ nữ nhiễm HIV, nếu muốn có con và biết cách điều trị sớm thì họ có thể sinh con hoàn toàn khỏe mạnh.
Tại Vĩnh Long, phụ nữ mang thai được tiếp cận với các dịch vụ như: tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện; điều trị điều bằng ARV; chăm sóc hỗ trợ cho mẹ và con trước, trong và sau sinh; cung cấp sữa thay thế cho trẻ sinh ra từ mẹ bị nhiễm HIV.
Trong 6 tháng đầu năm, đã xét nghiệm HIV cho trên 2.480 phụ nữ mang thai, phát hiện 5 trường hợp nhiễm HIV và tiến hành điều trị dự phòng. Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV cũng được điều trị dự phòng và nhận sữa ăn thay thế sữa mẹ.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kích- Phó Khoa Điều trị- Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (Sở Y tế), ngay từ đầu năm, trung tâm đã dự trù số “test” để phân bổ về các huyện, nếu phát hiện mẫu dương tính với HIV sẽ báo ngay về trung tâm để tư vấn, lựa chọn dịch vụ điều trị dự phòng nhằm hạn chế khả năng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Dự phòng sớm
Mặc dù chương trình dự phòng lây nhiễm HIV đã được triển khai vài năm nay nhưng hiệu quả chưa như mong muốn vì xã hội vẫn còn sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cũng là rào cản làm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV ngại tiếp cận các dịch vụ hoặc tiếp cận ở giai đoạn muộn làm ảnh hưởng đến hiệu quả của can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Một số trường hợp chưa có ý thức dự phòng cho chính mình, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao như gái mại dâm, nghiện ma túy,...
Do đó, bác sĩ Nguyễn Văn Kích cho rằng, phụ nữ mang thai cần chủ động vượt qua mặc cảm, sớm đến các cơ sở y tế khám sức khỏe định kỳ nhằm bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật, không chỉ riêng gì HIV.
Nếu thai phụ bị nhiễm HIV sẽ được hướng dẫn sử dụng thuốc dự phòng và can thiệp sẽ làm giảm nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bao gồm các biện pháp can thiệp trước sinh như: tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, sử dụng ARV để điều trị cho mẹ hoặc điều trị dự phòng lây truyền mẹ con,…
Để được điều trị dự phòng hiệu quả, tất cả phụ nữ mang thai cần được xét nghiệm sớm để biết tình trạng nhiễm. Sau đó, cần tiếp cận ngay với các dịch vụ dự phòng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con chủ yếu được thực hiện trong 3 giai đoạn trước sinh, trong sinh và sau sinh.
Cụ thể, trước sinh, bệnh nhân sẽ được tư vấn xét nghiệm HIV, sàng lọc và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bổ sung vitamin, sắt, dự phòng và điều trị nhiễm trùng cơ hội, sử dụng ARV. Khi sinh, sẽ áp dụng với những phụ nữ chưa tiếp cận các can thiệp trước sinh, cần tư vấn xét nghiệm nhanh HIV, nếu dương tính thì sử dụng phác đồ điều trị bằng ARV, cân nhắc chỉ định mổ lấy thai,...
Riêng can thiệp sau sinh, chủ yếu là tư vấn cho người mẹ về những lợi ích và nguy cơ lây nhiễm HIV khi cho trẻ bú, tốt nhất là nuôi trẻ bằng sữa thay thế, chuyển trẻ đến phòng khám ngoại trú nhi để theo dõi và điều trị ARV.
Vĩnh Long đang duy trì 3 phòng khám: phòng khám ngoại trú người lớn, phòng khám nhi tại BVĐK tỉnh và phòng khám ngoại trú người lớn tại BVĐK TX Bình Minh. Theo đó, nếu phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV sẽ được chuyển về khoa sản để quản lý thai nghén. Sau sinh, người mẹ được chuyển về phòng khám người lớn, trẻ được chuyển về phòng khám nhi để theo dõi. Trẻ dương tính với HIV sẽ được điều trị bằng thuốc ARV đến suốt đời, nếu âm tính chỉ uống ARV đến 18 tháng tuổi, sau đó được hòa nhập cộng đồng. |
Bài, ảnh: TRƯƠNG NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin