Đã mưa nhiều và vẫn ở giai đoạn chuyển mùa kéo dài từ nắng nóng sang ẩm ướt, nhiều bệnh về đường hô hấp nói chung, một số bệnh truyền nhiễm có số mắc vào khám và nhập viện điều trị cao.
Đã mưa nhiều và vẫn ở giai đoạn chuyển mùa kéo dài từ nắng nóng sang ẩm ướt, nhiều bệnh về đường hô hấp nói chung, một số bệnh truyền nhiễm có số mắc vào khám và nhập viện điều trị cao.
Đó là các thông tin ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long hôm 22/6. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh- cho biết:
Nhân viên y tế tại Khoa Nhiễm BVĐK tỉnh thăm khám cho bệnh nhân điều trị bệnh quai bị. |
Về sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, tình hình tạm ổn trong khoảng 2 tuần gần đây, ở cả lượng khám và điều trị nội trú. Tuy nhiên, bệnh về hô hấp, phế quản, phổi ở người lớn tuổi, một số bệnh nhiễm nguy cơ lây cao như thủy đậu, quai bị đang có số ca bệnh nhập viện tăng cao.
Bệnh quai bị, bệnh về hô hấp tăng cao
Đến sáng 22/6, Khoa Nhiễm tại BVĐK tỉnh có 17 trường hợp điều trị nội trú, trong đó có 5 ca bệnh quai bị. Nhiều ca quai bị là người lớn. Anh V.Q.V. (32 tuổi, Phường 5- TP Vĩnh Long) nhập viện điều trị tại khoa do bệnh quai bị vào ngày 21/6, với triệu chứng sốt, sưng tuyến mang tai 2 bên.
Bác sĩ Sơn Thị Hồng Thắm tại khoa cho biết, đây là ca quai bị đã có biến chứng sưng đau 2 bên tinh hoàn (ngoài ra còn có viêm tụy, là biến chứng thường gặp ở người nam khi bệnh quai bị). Ở nữ, khi bệnh quai bị, biến chứng thường gặp là viêm buồng trứng. Biến chứng nặng ở bệnh này có thể là viêm não.
Bác sĩ Hồng Thắm thông tin thêm “quai bị mùa này thường xảy ra”. Đó là mùa mưa, khí hậu ẩm ướt, bệnh xảy ra với: người chưa từng mắc quai bị, người lành tiếp xúc (trực tiếp hoặc gián tiếp) với người đang bệnh quai bị qua hắt hơi, ho khạc hoặc dùng chung các đồ dùng vật dụng với người mắc bệnh.
Và những nơi tập trung đông người: nhà trẻ, hồ bơi, ký túc xá, nhà trọ là nơi dễ lây bệnh nhất. Theo lãnh đạo BVĐK tỉnh, hổm rày rộ lên ca bệnh quai bị vào viện, và dự báo mùa bệnh kéo dài từ tháng 6- 10 hàng năm.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến, thứ 2 vừa rồi, Khoa Nội tổng hợp có khoảng 130- 140 ca bệnh điều trị nội trú. Các tháng 1, 2, 3, bệnh điều trị nội trú không nhiều.
Đến tháng 5, 6 thì đông hơn, dao động trên dưới 600 bệnh/ngày. Tuần rồi, trong hơn 600 bệnh nhân nội trú, thì đã có trên dưới 130 bệnh tập trung ở khu Nội tổng hợp. Khoảng vài tuần nay, bệnh đã đông như vậy.
Nắng mưa bất thường, cũng dễ đổ bệnh
Nhiều bác sĩ cho rằng, một trong các nguyên nhân là chuyển mùa, nhiều người không hoặc thích nghi chưa kịp với thay đổi thời tiết, nên dễ bị bệnh, nhất là các bệnh lý hô hấp.
“Không khéo giữ sức khỏe, trong bối cảnh nắng nóng gay gắt và kéo dài, rồi mưa đột ngột dầm dề, thế nào cũng ảnh hưởng sức khỏe, nguy cơ cao ở người già và trẻ nhỏ”- bác sĩ Bạch Yến đưa ra nhìn nhận.
Thời tiết chuyển mùa, dễ sinh bệnh- nhất là trẻ nhỏ, người già. Do vậy, nên có chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng để có sức đề kháng, vận động thể dục để tăng cường thể trạng,... |
Hầu hết hen phế quản, viêm phổi, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính,... xảy ra với người lớn tuổi. “Các bệnh về hô hấp, viêm phổi, hen suyễn tái đi tái lại và biến chứng viêm nhiễm vào điều trị nội trú thường là nặng. Thường phải dùng kháng sinh dạng chích kết hợp điều trị đi kèm để hồi phục tổng trạng cho bệnh nhân”- một bác sĩ chuyên về nội khoa nói.
Có lúc bệnh đông, để giải quyết- bác sĩ Bạch Yến cho biết- “bệnh viện phải đưa nhân viên y tế tại một dãy phòng ở Khoa Nội tổng hợp sang khu khác, kê thêm giường ở các phòng này để điều trị bệnh nhân nội trú”. Có lúc hết giường phải kê thêm ghế bố cho bệnh nhân nằm đỡ, chờ giường trống khi có người ra viện.
Các bác sĩ tư vấn: thời tiết chuyển mùa vẫn còn, người dân ngoài đảm bảo sức khỏe, nên có chế độ ăn uống đủ dinh dưỡng để có sức đề kháng, vận động thể dục để tăng cường thể trạng,... nhằm hạn chế nguy cơ bị “cuốn” theo sự thay đổi của thời tiết, dễ sinh bệnh.
Trẻ nhỏ nên tiêm ngừa đầy đủ theo lịch tiêm chủng mở rộng. Bất cứ người nào khi phát hiện dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm, nên đi khám đúng chuyên khoa để có giải pháp điều trị tốt nhất.
Sởi- quai bị- rubella vẫn là các bệnh nguy hiểm Sởi- quai bị- rubella hiện vẫn là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, khả năng lây lan cao trong cộng đồng. Đặc biệt là biến chứng nếu có xảy ra, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Sởi được xem là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở trẻ em. Quai bị có thể gây vô sinh ở nam giới. Còn rubella có thể gây dị tật cho thai nhi hoặc nguy cơ sẩy thai cao đối với các bà mẹ nếu mắc phải trong 3 tháng đầu thai kỳ. Có thể phòng ngừa bệnh quai bị bằng cách tiêm ngừa vắc xin phối hợp sởi- quai bị- rubella. Thời điểm thích hợp để tiêm vắc xin này là trẻ em từ 12-15 tháng tuổi trở đi và người lớn. Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khuyến cáo tiêm trước khi có thai ít nhất 3 tháng. TƯỜNG VÂN |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin