Trên đường đi làm, người dân bất ngờ phát hiện một con rùa được làm bằng đá được áng chừng có niên đại hàng trăm năm, nằm bên vệ đường làng.
Trên đường đi làm, người dân bất ngờ phát hiện một con rùa được làm bằng đá được áng chừng có niên đại hàng trăm năm, nằm bên vệ đường làng.
Tin từ UBND xã Thanh Liên (Thanh Chương, Nghệ An) cho biết, trên đường đi làm, người dân trên địa bàn xã này bất ngờ phát hiện một cổ vật hình con rùa được làm bằng đá bên đường.
Hai ngày trước đó, người dân ở xã này khi đi qua khu vực đập Sen (xã Thanh Liên) bất ngờ phát hiện một hòn đá lớn có hình thù kỳ lạ bên vệ đường.
Tiến lại gần để xem, người dân phát hiện hòn đá có dáng hình con rùa, rất giống với các con rùa cổ quý được đặt trong các đền, chùa xưa.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, người dân đã báo cáo lên chính quyền địa phương để xử lý.
Qua quan sát, con rùa được làm bằng đá này rất lớn rộng và dài chừng 70cm, dày hơn 30cm. Phía trên lưng có nhiều đường nét chạm khắc rất tinh xảo.
Ước chừng con rùa đá này nặng khoảng hơn 5 tạ. Nhiều cụ cao niên xác định, con rùa này có thể có niên đại hàng trăm năm trước.
Các cụ cao niên trong làng cũng cho biết thêm, trước đây trong một ngôi đền cũ ở địa bàn xã Thanh Liên có một số con rùa làm bằng đá. Tuy nhiên, thời gian cải cách văn hoá một số đền chùa đã bị phá dỡ khiến các con rùa này bị bỏ hoang.
Nhiều người dân thấy các con rùa đẹp nên đã đưa về dùng trong nhà. Tuy nhiên sau nhiều năm sử dụng, có thể họ không gặp may mắn nên đã đưa con rùa làm bằng đá trên bỏ ra đường.
Trao đổi với PV vào sáng nay 31/5, ông Trình Văn Nhã - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, sau khi nhận được thông tin cụ thể, huyện đã chỉ đạo xã làm lễ để xin và đưa con rùa này về khu vực Nhà bia Văn chỉ Tổng Cát Ngạn (xã Thanh Liên).
"Ngày làm lễ xin và đưa rùa về Nhà bia, tôi cũng có đến dự. Lúc phát hiện con rùa này bên đường, do không có chữ hay dấu tích nào trên con rùa nên không thể xác định chính xác nguồn gốc, niên đại con rùa này.
Tuy nhiên, rùa này phải có tuổi đời hàng trăm năm.
Con rùa này được đúc bằng thủ công, có 4 chân nhưng không có đầu, chúng tôi nghĩ là đầu bị gãy nhưng không thấy có dấu vết gãy gì cả. Phía trên lưng có chỗ khắc sâu xuống để gắn bia lên. Nhưng hiện tại vẫn không thấy tấm bia đâu.
Tạm thời chúng tôi đã đưa về để nơi trang nghiêm trong Nhà bia Văn chỉ Tổng Cát Ngạn, chờ tiếp tục tìm hiểu cụ thể niên đại rồi có phương án xử lý tiếp theo", ông Nhã cho biết.
Theo Trí Thức Trẻ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin