Kỳ cuối: Văn hóa- con người Việt Nam

05:05, 17/05/2016

Thực trạng nổi lên những biểu hiện tiêu cực của xã hội, nguyên nhân cốt lõi là vấn đề văn hóa, con người. Khi mà văn hóa chưa được phát triển tương xứng với sự phát triển của kinh tế, chính trị và xã hội.

Thực trạng nổi lên những biểu hiện tiêu cực của xã hội, nguyên nhân cốt lõi là vấn đề văn hóa, con người. Khi mà văn hóa chưa được phát triển tương xứng với sự phát triển của kinh tế, chính trị và xã hội.

Sau nhiều năm đổi mới, chúng ta đã xác định trọng tâm của xây dựng văn hóa là xây dựng con người với các đặc tính cơ bản như: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo…

Cùng với đó, là quá trình thẩm thấu, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại một cách có chắt lọc, loại bỏ những yếu tố “dị tật” ngoại lai.

 

Văn hóa là một trụ cột của phát triển

Tại lớp tập huấn về lý luận, phê bình văn học nghệ thuật ở TP Cần Thơ, GS.TS Đinh Xuân Dũng, cho rằng: Sau 30 năm đổi mới, sự phát triển văn hóa chưa bền vững, chưa tương xứng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội… chưa đủ mạnh để tác động đến hiệu quả xây dựng con người, vì thế, việc xây dựng nhân cách, giá trị, chuẩn mực của con người Việt Nam đã bộc lộ một số khuyết điểm, hạn chế đáng lo ngại.

 

Tôn vinh những giá trị truyền thống dân tộc. Ảnh: Giỗ Tổ vua Hùng ở Vĩnh Long.
Tôn vinh những giá trị truyền thống dân tộc. Ảnh: Giỗ Tổ vua Hùng ở Vĩnh Long.

Nhiều thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội, thói vô đạo đức và tội ác gia tăng, tạo nên sự lo lắng, bất an của xã hội.

Đất nước ta đang diễn ra quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, đa dạng, đa chiều, cùng với tốc độ phát triển vũ bão của công nghệ thông tin, đã tạo nên những “đợt sóng” xâm thực văn hóa từ bên ngoài một cách ồ ạt, không được chắt lọc.

Cùng với những văn minh, tiến bộ được tiếp nhận từ các nước phát triển, là nguy cơ mới hiện hữu hình thành nên những thói xấu đang "ăn mòn" các giá trị nhân văn truyền thống, tạo ra các "khuyết tật xã hội", tác động tiêu cực đến tiến trình phát triển của đất nước.

Trong khi đó, sự tăng trưởng kinh tế đã tạo nên nguồn nội lực dồi dào của cải vật chất; mặc dù Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm giải quyết việc làm và những vấn đề xã hội, tuy nhiên vẫn bộc lộ khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách giữa nông thôn, vùng khó khăn và thành thị.

Từ đó, đã tạo ra hai xu hướng lớn trong một bộ phận xã hội, nhiều người ngày càng thực dụng hơn và sùng bái quá mức những yếu tố dị biệt, xa rời giá trị truyền thống dân tộc.

Do vậy, xây dựng hệ giá trị Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội phải được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Làm sao giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống không bị mài mòn, mai một, song hành với sự tiếp nhận, tiếp biến có chọn lọc những tinh hoa của thế giới, để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xã hội tử tế, nghĩa tình

Yếu tố căn bản nhất, ảnh hưởng nhất đến sự phát triển và hình thành nhân cách con người, đó chính là gia đình.

Cụ Lê Văn Hòa (85 tuổi), ở xã Phước Hậu (Long Hồ), bộc bạch: “Cả đời tôi sống ở đây từ nhỏ tới giờ, chứng kiến, trải qua nhiều đổi thay, phải nói, con cháu mình bây giờ sướng thiệt, được chăm lo đầy đủ, gia đình khó khăn thì giờ cũng được xã hội quan tâm giúp đỡ từ cái ăn, cái mặc.

Nhưng các cháu bây giờ ngày càng ít ngoan hơn, ít tôn trọng người lớn hơn”. Phần lớn những đứa trẻ hư, nguyên nhân gốc vẫn xuất phát từ gia đình, trước khi “đổ thừa” cho nhà trường và xã  hội”.

Ý kiến của nhiều thầy cô và phụ huynh than thở về chuyện loay hoay thay đổi chương trình và “quan điểm” đào tạo của ngành giáo dục hiện nay. Ở các cấp học đầu tiên của bậc phổ thông thì lại nhồi nhét kiến thức, các bậc phụ huynh lại chạy “hụt hơi” về trường lớp, rồi học thêm bất kể ngày đêm.

Trong khi đây là môi trường quan trọng đầu đời nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, nơi giúp trẻ hình thành những nhận thức đầu tiên của đạo làm người.

Trong khi xã hội đang “nhiễu” những giá trị thật giả, cái xấu, cái ác đôi khi lại được đám đông cổ vũ... Thông tin, truyền thông tràn ngập những chương trình đánh vào thị hiếu “đám đông”.

Dù đây chỉ là biểu hiện bề nổi, nhưng nguy cơ là nó đang ngày càng lấn át bản chất tốt đẹp của xã hội ta. Bởi lẽ, dòng chảy chủ đạo trong lòng dân tộc, với những giá trị cao đẹp mới chính là bản chất của con người, xã hội Việt Nam.

Vẫn còn đó biết bao tấm lòng nhân ái, những con người có đầy đủ tài năng, đức độ đang sống hết mình, cống hiến cho cộng đồng, xã hội.

Vấn đề, là phải khơi dậy trong mỗi con người, trong mỗi gia đình, làng xóm, lòng tự hào dân tộc, sự tôn trọng, tôn vinh những con người tốt, những việc tốt hàng ngày. Đặc biệt, tính “nêu gương” đối với những người thành đạt, người có vị trí cao trong xã hội là rất quan trọng.

Những tấm lòng nhân ái hướng đến cộng đồng. Ảnh: Cô nuôi dạy trẻ mồ côi ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long.
Những tấm lòng nhân ái hướng đến cộng đồng. Ảnh: Cô nuôi dạy trẻ mồ côi ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Vĩnh Long.

Xây dựng nhân cách sống “biết xấu hổ”, bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt, bình thường hàng ngày. Mọi người phải biết nhường nhau nơi công cộng, khi xếp hàng, khi tham gia giao thông, suy nghĩ hậu quả khi làm ăn gian dối...

Trở lại với những giá trị truyền thống, nêu cao nét đẹp tình làng nghĩa xóm “tối lửa, tắt đèn có nhau”, biết “trọng nghĩa, khinh tài” tức luôn đặt đạo lý, nghĩa tình lên trước tiền bạc.

Thật thấm thía lời dạy “nghèo cho sạch, rách cho thơm”, dù khó khăn cũng không được làm điều xấu; trong khi đó, ngày nay nhiều người làm điều xấu, điều ác, không phải vì thiếu thốn mà vì lòng tham vô tận.

Làm sao để văn hóa lan tỏa, thấm sâu vào mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội. Bởi văn hóa chính là toàn bộ hoạt động vật chất, tinh thần của con người hướng đến chân, thiện, mỹ. Văn hóa yếu thì bản sắc dân tộc nhạt nhòa, mất văn hóa thì dân tộc diệt vong.

Hàng ngàn năm lịch sử dân tộc ta mãi trường tồn, chiến thắng trước mọi thế lực, trước mọi kẻ thù, chính là cái nền tảng văn hóa với hệ giá trị con người Việt Nam cao đẹp.

Cùng với hoàn thiện hệ thống luật pháp, phải xây dựng hệ giá trị chuẩn con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Xã hội càng phát triển văn minh, con người càng phải tử tế, nghĩa tình.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng: “Từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam. 

Tạo điều kiện để con người Vĩnh Long phát triển toàn diện về thể chất, nhân cách, tâm hồn, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”.

 

Bài, ảnh: Nhóm PV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh