Bài 2: Hoang mang thực phẩm bẩn

05:05, 17/05/2016

Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại đặt ra bức bách với người tiêu dùng, các ngành chức năng liên quan như hiện nay. Người dân hoang mang lo lắng cho từng bữa cơm hàng ngày, bà nội trợ hoang mang khi lựa chọn từng cọng rau, con cá...

Chưa bao giờ vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) lại đặt ra bức bách với người tiêu dùng, các ngành chức năng liên quan như hiện nay. Người dân hoang mang lo lắng cho từng bữa cơm hàng ngày, bà nội trợ hoang mang khi lựa chọn từng cọng rau, con cá...

Các bộ ngành đã tuyên chiến với nạn mất vệ sinh ATTP, nhưng vẫn chưa cho thấy nhiều những người tốt, cách làm ăn chân thật. Những giải pháp sẽ có nguy cơ “hụt hơi” nếu song hành với đó, chúng ta chưa xây dựng được một xã hội tử tế, nghĩa tình.

Tuyên truyền về vệ sinh ATTP
Tuyên truyền về vệ sinh ATTP

Người tiêu dùng tự bảo vệ mình

Năm 2015, chủ đề của “Tháng hành động vì ATTP” do BCĐ Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm đặt ra là: “Sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Năm nay, chủ đề này lặp lại và “đôn” thêm: “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”.

Liên tiếp 2 năm, nhìn vào chủ đề này có thể thấy chưa bao giờ “rau, thịt” lại “nóng” như hiện nay, kéo từ sản xuất, lưu thông, đến lên bữa ăn hàng ngày. Nhưng thực tế, việc sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn ngày càng táo tợn hơn, bất chấp hơn với quá nhiều chiêu trò từ chăn nuôi, sản xuất cho đến khâu trung gian mua bán.

Thực phẩm đã vượt qua ngưỡng bẩn mà đi đến mức độc hại trước mắt và về lâu dài đối với sức khỏe người tiêu dùng. Chưa kể, cần có những công trình khoa học đánh giá tác hại về trí tuệ, sức khỏe sinh sản, di truyền trong tương lai.

Trước mắt, người dân vẫn tự bảo vệ mình theo kinh nghiệm, theo cảm tính trực quan mà thôi; nó chưa phải là những giải pháp tận gốc.

Bà Nguyễn Thị Ly (58 tuổi, xã Thiện Mỹ, Trà Ôn) mỗi tuần đi chợ huyện 2- 3 lần và thường mua thịt heo, rau củ cho bữa ăn gia đình, lúc nào cũng tỏ ra thận trọng: “Giờ ăn trái gì, con gì (thịt, cá) cũng hơi ngán ngán. Báo, đài đưa tin chỗ này chỗ kia bắt heo lậu, rau cải trồng thuốc trừ sâu nhiều, thấy cũng hơi lo lắng hoang mang.

Nhưng cũng phải nhắm mắt mua đại, phần mình ở quê hay chợ nhỏ, nhiều khi không tới nỗi nào!”. Cải thiện “sự lo” trên, bà Ly nói bây giờ thường tận dụng tối đa mương nhà để cá tép tự nhiên, hay vườn nhà để có rau tập tàng cho bữa ăn hàng ngày.

“Ăn đồ do nhà trồng chặt, chăn nuôi được là nhứt”- bà Ly cho biết thêm cách “đối phó” với thức ăn bẩn hiện nay.

Tuy nhiên, đâu phải ai cũng đủ điều kiện, sự chọn lựa riêng mình để có thực phẩm sạch sẽ, an toàn. Dù đôi khi hàng ngày đi vào chợ mua đồ ăn, thức uống cũng chưa chắc gì dính phải nguy cơ mất ATTP.

Chị Phương Anh (40 tuổi, công chức viên chức, ngụ Phường 8, TP Vĩnh Long) ở trong tình huống đó. Rau, thịt, tất cả các loại thực phẩm chị chọn mua từ chợ phường và siêu thị với đủ cảm giác đặt ra và thông tin cần có để có thực phẩm tốt.

Dù vậy, sâu xa hơn, về lâu dài, chị cũng không biết được là bao nhiêu phần trong những món ăn, thức uống hàng ngày mà gia đình chị tiêu dùng, là có tồn dư của chất cấm, chất kháng sinh (như đây đó báo chí nêu), và vẫn còn đâu đó câu hỏi bỏ ngỏ về nguy cơ thực phẩm nào là an toàn, cách tiêu dùng sao cho “thông thái”?

Người nội trợ bình thường với kinh nghiệm, người cán bộ nhà nước với các kiến thức thu thập được, bằng cách nào đó có thể nhận ra đâu là thực phẩm sạch sẽ, an toàn.

Nhưng trăm ngàn công nhân, người nghèo, người làm thuê, sinh viên... là những đối tượng khó khăn, họ luôn phải nhìn vào túi tiền eo hẹp và thường “nhắm mắt” mua những loại thức ăn đường phố, thực phẩm rẻ tiền, họ không có sự lựa chọn.

Ai sẽ chịu trách nhiệm an toàn bữa ăn cho họ? Khi mà quản lý ngay từ gốc chưa chặt, mà thực phẩm nguy cơ mất vệ sinh ATTP đến tay người dùng, thì dù có bằng nhiều cách đi nữa, “thông thái” đến mấy cũng khó nhón tay được thực phẩm an toàn, vệ sinh! Rau, thịt hiện diện trong mọi bữa ăn, đám tiệc hàng ngày, ở góc độ nào đó sẽ cho thấy điều đã nói.

Đối phó thì chưa thể “trừ căn”

Văn phòng Chính phủ cuối tháng 4 vừa qua tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành về ATTP, cho thấy quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đã có chuyển biến khá rõ nét.

Làm sao để mọi người dân đều có bữa ăn sạch, an toàn?.
Làm sao để mọi người dân đều có bữa ăn sạch, an toàn?.

Theo đó Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi “về cơ bản đã được khống chế”.

Nguồn nhập khẩu và kinh doanh chất salbutamol của các công ty đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, đưa vào danh mục các chất quản lý đặc biệt. Hiện nay chỉ còn các trang trại sử dụng chất salbutamol “thông qua các thương lái và nhân viên tiếp thị cám của một số công ty cung cấp trực tiếp”.

Theo bộ này, đến hiện tại số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể: tháng 1/2016 là 9,8%, tháng 2 giảm còn 1,46%, đến tháng 3 xuống còn 0,66%.

Còn qua đợt thanh kiểm tra cao điểm về ATTP (10/2015-2/2016), cho thấy chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm đã giảm đáng kể. Chẳng hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau còn 5,17% (năm 2014: 5,43%, 9 tháng đầu năm 2015: 10,3%).

Hay thịt vi phạm chỉ tiêu chất cấm, chất kháng sinh vượt giới hạn là 1,91% (năm 2014: 6,84%, 9 tháng đầu năm 2015: 4%)...

Những báo cáo... khả quan, nhưng thực tế diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, với những chiêu trò tinh vi, táo tợn hơn, bất chấp hơn.

Hiện vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như: việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục,... trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt. Cũng như vấn đề quản lý ATTP tại các chợ, nhập khẩu và tiêu thụ rượu giả, kinh doanh thực phẩm thức năng.

Từ tình hình thực tế trên và đòi hỏi bức xúc của xã hội, cũng như yêu cầu chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và cơ quan liên quan đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành một chỉ thị về đảm bảo ATTP với nhiều giải pháp mới, quyết liệt và cụ thể gắn với đề cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức nhà nước, các cấp chính quyền và mọi người dân.

Một số giải pháp chính trong đề xuất này nhấn mạnh: đề cao trách nhiệm các cấp, ngành, nhất là chính quyền địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện ATTP; phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh phát hiện, tố giác hành vi vi phạm quy định về đảm bảo ATTP; tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2016 ở một số vấn đề “nóng”: chất cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, quản lý sản xuất kinh doanh thực phẩm, xử lý dứt điểm các điểm nóng về ATTP đang được dư luận và xã hội quan tâm...

Khi mà những giá trị văn hóa, đạo đức bị xem nhẹ, khi mà lối sống thực dụng, đồng tiền lên ngôi, thì xã hội nảy sinh đủ kiểu làm ăn gian dối. Vì lợi nhuận, người ta có thể làm ăn mà bất chấp tất cả, ngay cả khi đó là sức khỏe, mạng sống của đồng bào mình, bà con hàng xóm mình.

Gốc của những giải pháp gốc, mang tính bền vững vẫn là cần soi rọi lại vấn đề văn hóa, đạo đức, nhân cách con người.

Năm 2015 các đoàn thanh tra liên ngành về ATTP của ngành y tế phát hiện số vi phạm khoảng 22,6%. Quý I/2016, kiểm tra tại hơn 109.000 cơ sở đã phát hiện hơn 20.500 cơ sở vi phạm (18,8%), so quý I/2015 là 20,4%, con số giảm khá. Báo cáo này khá “đồng điệu” với ngành nông nghiệp; nhưng khó lòng... trấn an người dân, khi mà mâm cơm hàng ngày vẫn chưa thật sự an toàn.

Kỳ 3: “Ra đường bất an”

Bài, ảnh: NHÓM PV

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh