Đứng sừng sững trong khuôn viên chùa Đại Thọ (ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ- Tam Bình), cây sao vừa được các nhà khoa học khảo sát nghiên cứu và xác định trên 700 năm tuổi.
Cây sao thuôn dài và đang còn rất sung sức. |
Đứng sừng sững trong khuôn viên chùa Đại Thọ (ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ- Tam Bình), cây sao vừa được các nhà khoa học khảo sát nghiên cứu và xác định trên 700 năm tuổi.
Sư cả Thạch Xươnl ở chùa Đại Thọ chỉ tay về hướng đối diện phòng nghỉ của sư cả, vui vẻ: “Đó, cây sao đó! Năm ngoái, có mấy người đến đo và đục vô thân cây lấy thớ thịt đi xét nghiệm nói là cây được 700 tuổi rồi”. Sư cả cũng như nhiều sư khác trong chùa không biết cây sao có từ lúc nào. “Nghe ông cố nội sư kể lại, hồi mới thành lập chùa này (thế kỷ XVIII) đã có cây sao kia rồi”.
Cây cao trên 35m, chu vi gốc khoảng “3 người ôm không xuể”, phần tàng lá trên ngọn cây bao trùm bóng mát hàng trăm mét vuông. Thân cây thẳng đứng, thuôn dài, vỏ hơi xù xì. Không thể nhìn rõ hoa, lá của cây vì cây quá cao. Cây hiện đang phát triển rất tốt. Vào mùa hoa trái, hàng trăm trái sao xoay tít bay bay trong gió như những con vụ nhỏ làm một góc trời nhỏ thêm thơ mộng.
Sư cả vừa cho xây lát xung quanh gốc cây, nâng nền lên khoảng vài tấc dưới gốc bị che khuất. Cũng trong lần xây cất này, chùa phát hiện nhiều hủ cốt xung quanh gốc sao. Sư cả Thạch Xươnl dự đoán: “Chắc lúc chiến tranh loạn lạc, nhiều bà con “xú cốt” người thân xuống đây chứ không dám mang về nhà”. Cũng theo sư cả, trong chiến tranh, nhiều bà con Khmer và cả người Kinh khu vực xung quanh đến trốn ở gốc cây này tránh “tên bay đạn lạc”.
Sư cả Thạch Xươnl cười: “Có chuyện kể rằng, bà con trốn dưới gốc sao, rất may nhờ có mấy con chim, cò tha cá về đậu trên cây sao. Bà con thấy vậy lấy đá ném chim, nó sợ bay đi thả cá lại, mọi người nướng ăn đỡ đói”.
Chuyện này thì sư cả cũng chỉ nghe thôi và cảm giác như cổ tích nhưng chuyện không thể đốn cây sao là có thật. Sư cả Thạch Xươnl khẳng định: Sư cả đời trước sư một bậc, thấy chùa nghèo quá nên kêu người cưa cây Sao bán lấy tiền cất lại chùa.
Cây sao lớn, gỗ tốt nên giá trị lớn lắm- sư cả giải thích. Khi cưa thì cây chảy ra chất nhựa màu đỏ như máu vậy, mà rất khó cưa khiến người thợ cưa sợ quá, vác máy bỏ chạy. “Không lâu sau thì sư cả và ông thợ cưa đó đều bị bệnh và qua đời”- sư cả nói.
Chính vì những sự tích trên mà cây sao trong chùa Đại Thọ không chỉ hiếm vì to lớn và sống lâu năm mà còn là một cây linh thiêng với đồng bào Khmer quanh đây. Khi đến xem cây sao, chúng tôi còn thấy rất nhiều chân nhang cắm xung quanh gốc.
Sư cả Thạch Xươnl nói: “Chúng tôi trông chờ cây được nhận là di tích quốc gia. Vì đây cũng là cách chứng nhận sự hình thành, phát triển của vùng đất này. Với huyện Tam Bình, cây sao được công nhận là có thêm một điểm tham quan du lịch gắn với tâm linh”.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn- Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Vĩnh Long: Cây sao ở chùa Đại Thọ gần 700 tuổi đã được hoàn thiện hồ sơ “chắc chắn được cây di sản rồi”, hiện còn đợi hồ sơ của các cụm cây trong tỉnh sẽ trình Trung ương hội công nhận cây di sản.
|
Cuối năm 2015, Vĩnh Long đã lập hồ sơ đề nghị Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam công nhận 7 cụm cây và cây lẻ trên địa bàn TP Vĩnh Long và huyện Tam Bình là cây di sản văn hóa Việt Nam. Bao gồm: Cụm cây tại Bảo tàng tỉnh; Cụm cây tại cơ quan UBND tỉnh; Cụm cây tại Di tích cây đa Cửa Hữu (Phường 1) và Cụm cây tại Di tích lịch sử Văn Thánh Miếu (Phường 4). Ngoài ra, còn có 3 cây lâu năm tại huyện Tam Bình cũng được đề nghị xét công nhận là: Cây bằng lăng tại UBND xã Mỹ Lộc, cây sao tại chùa Cũ (chùa Đại Thọ- xã Loan Mỹ) và cây bồ đề tại chùa Phước Hậu (xã Ngãi Tứ). |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin