Đổi thay để hiện đại, văn minh hơn

02:05, 04/05/2016

Lúc trước đâu có quảng trường, công viên bờ kè, cây xanh thoáng mát như bây giờ! Giờ có chỗ đi bộ, xem văn nghệ, đường sá rộng hơn, nhiều đường mới, đô thị sung túc hẳn- đó là nhận định của nhiều người dân hiện nay.

 

TP Vĩnh Long sáng, đẹp hơn từng ngày.
TP Vĩnh Long sáng, đẹp hơn từng ngày.

Lúc trước đâu có quảng trường, công viên bờ kè, cây xanh thoáng mát như bây giờ! Giờ có chỗ đi bộ, xem văn nghệ, đường sá rộng hơn, nhiều đường mới, đô thị sung túc hẳn- đó là nhận định của nhiều người dân hiện nay.

Đổi thay theo hướng hiện đại

Qua 5 năm (2010- 2015), TP Vĩnh Long đã có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng từng bước được nâng cấp, hoàn thiện hơn, hướng đến một đô thị hiện đại, văn minh hơn.

Đến nay, thành phố ước đạt 68% tiêu chí đô thị loại II, đã hoàn thành quy hoạch phân khu 4 xã và đề án thành lập 4 xã lên phường.

Nhiều cơ sở hạ tầng, đường giao thông được “mở lối”, như bờ kè sông Cổ Chiên thuộc Phường 2, Phường 9 và xã Tân Ngãi, đường Võ Văn Kiệt (Phường 9), đường Trần Đại Nghĩa (Phường 4), đang triển khai mở rộng đường Mậu Thân (Phường 3)... làm tăng vẻ mỹ quan đô thị.

Bên cạnh đó, nhiều công trình như khách sạn 5 sao Sài Gòn- Vĩnh Long, bệnh viện TP Vĩnh Long, Quảng trường TP Vĩnh Long, Công viên Tượng đài chiến thắng Mậu Thân, công viên bờ kè Phường 5 và một số dự án thi công đang “ấp ủ” chờ thực hiện, tạo thêm nhiều điểm nhấn cho thành phố.

Nhiều người dân cho biết, rất vui mừng và tự hào bởi diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, có nhiều nơi vui chơi, giải trí cho người dân và du khách.

Đang đi bộ quanh Quảng trường TP Vĩnh Long, ông Đỗ Văn Út (75 tuổi, Phường 1- TP Vĩnh Long) cho biết: “Đô thị giờ đổi thay nhiều lắm. Hồi trước, chỗ quảng trường này chỉ là một miếng đất trống giờ được xây sạch đẹp như vậy, tôi có chỗ đi bộ an toàn thay vì đi bộ ở lề đường như trước, lại có chỗ xem văn nghệ, thấy tinh thần thoải mái hơn”.

Ngồi nghỉ sau khi tập thể dục dụng cụ tại quảng trường, cô Nguyễn Thị Thanh Hoa (Phường 1- TP Vĩnh Long) cũng chia sẻ:

“Giờ đường sá đẹp hơn trước nhiều lắm, mua bán cũng sung túc, nhộn nhịp hơn. Không chỉ vậy, bờ kè uốn quanh sông Tiền vừa trở thành nét duyên cho thành phố vừa là nơi để người dân vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe. Tôi thấy rất phấn khởi”.

Song song với đầu tư hạ tầng đường phố, hệ thống chiếu sáng đô thị cũng “thay da đổi thịt”, đời sống tinh thần người dân được nâng lên, vệ sinh môi trường được từng bước cải thiện.

Bên cạnh đó, vấn đề di dời nhà ở trên sông rạch nhất là các hộ đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở nguy hiểm cũng được quan tâm.

Ông Đặng Minh Quân- Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TPVĩnh Long cho biết:

“Giai đoạn 2011- 2015, đã di dời nhà ở trên sông rạch bố trí tái định cư vào các khu dân cư vượt lũ gần 600 hộ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, chỉnh trang cảnh quan bờ sông, cải thiện vệ sinh môi trường. Đồng thời, người dân cũng tự chỉnh trang, sửa chữa và xây dựng mới nhà ở, đến nay thành phố đạt trên 98% nhà ở từ bán kiên cố trở lên so với năm 2011 chỉ là 85%”.

Nhiều con đường mới được xây dựng tạo thêm vẻ mỹ quan cho đô thị.
Nhiều con đường mới được xây dựng tạo thêm vẻ mỹ quan cho đô thị.

Đô thị hóa còn chậm

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, quá trình đô thị hóa của tỉnh còn chậm, tỷ lệ đô thị hóa năm 2015 chỉ đạt 16,9%, có tăng hơn năm 2010 1,6% nhưng còn thấp hơn so với bình quân cả nước (35,7%).

 

Giai đoạn 2016- 2020, TP Vĩnh Long triển khai thực hiện dự án thu gom và xử lý nước thải thành phố với kinh phí trên 1.644 tỷ đồng; từng bước xây dựng mới hệ thống đèn tiết kiệm điện và cải tạo hệ thống đèn chiếu sáng hiện trạng; phát triển 100- 120km đường kể cả cây xanh, chiếu sáng, hệ thống thoát nước, vỉa hè; xây dựng kè chống sạt lở bờ sông, chống ngập và tạo cảnh quan đô thị ở các phường trung tâm; xây dựng các công viên; đến năm 2020 có 99% nhà bán kiên cố trở lên...

 

Cụ thể, mặc dù có bước phát triển nhưng tình hình phát triển đô thị- nhà ở TP Vĩnh Long vẫn chưa đạt yêu cầu.

Công tác quản lý trật tự, chỉnh trang đô thị còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật của người dân còn kém. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp xây dựng không phép, sai phép, lấn đất công vẫn còn xảy ra. Mật độ cây xanh còn thấp, ngập úng thường xảy ra gây ô nhiễm môi trường...

Theo ông Đặng Minh Quân, thành phố hiện nay chỉ có hệ thống thoát nước mặt đường, không có hệ thống thu gom xử lý nước thải sinh hoạt nên nước thải sinh hoạt của các hộ dân đấu nối chung với hệ thống thoát nước mặt.

Việc thi công xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị không đồng bộ, thường đào lên lắp xuống gây mất mỹ quan, tốn kém. Do đó, ông Đặng Minh Quân kiến nghị: Tỉnh tập trung vốn đầu tư phát triển nhằm sớm đưa TP Vĩnh Long lên đô thị loại II.

Đồng thời, sớm ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội để thu hút nhà đầu tư; sớm điều chỉnh quy hoạch chung TP Vĩnh Long để làm cơ sở định hướng phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

 

Đời sống tinh thần người dân ngày càng được nâng lên.
Đời sống tinh thần người dân ngày càng được nâng lên.

 

Về phía người dân, ông Đỗ Văn Út nói: “Tôi nghĩ ngành chức năng cần mạnh tay xử lý xóa bỏ chợ tạm, hàng quán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, các trường hợp xây dựng sai quy định... Có như vậy đô thị mới thêm khang trang, hiện đại”.

 

Trong giai đoạn 2011- 2015, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 24.951km và nâng cấp 9.835km, nâng tổng số đường giao thông đô thị toàn tỉnh lên 142.122km, trong đó, tập trung đầu tư các trục đường trọng điểm phát triển đô thị như đường Võ Văn Kiệt, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Thiệt... Đến năm 2015, có 96% hộ dân đô thị sử dụng nước sạch từ hệ thống tập trung, tăng 17,51% so với năm 2010; thu gom rác thải đạt 87%, tăng 9% so với 2010; cây xanh mặt nước đô thị đạt 35,2%, tăng 15,2% so với 2010.

 

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh