Thực trạng cả nước hiện nay, sinh viên (SV) tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm hoặc việc làm chưa đúng với ngành nghề đào tạo với số lượng rất lớn.
Vĩnh Long tăng cường kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho SV, HS; liên kết giữa các trường và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Thực trạng cả nước hiện nay, sinh viên (SV) tốt nghiệp đại học chưa tìm được việc làm hoặc việc làm chưa đúng với ngành nghề đào tạo với số lượng rất lớn.
Hiện, tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam ngày càng gia tăng, nhất là với những lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Theo số liệu của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tính đến quý III/2015, Việt Nam có 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, tăng gần 50.000 trong một quý. Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng phần lớn SV sau khi ra trường còn thiếu kinh nghiệm thực tế và các kỹ năng cần thiết.
Hiện, có nhiều SV tốt nghiệp ĐH xong ra làm trái nghề hoặc quay trở lại học trung cấp để có cơ hội tìm việc làm. Không ít các cử nhân buộc phải làm những việc trái với ngành, nghề được đào tạo.
Thậm chí chẳng liên quan gì đến chuyên môn được biết tới trên ghế nhà trường. Họ chấp nhận những công việc đó chỉ vì họ cần việc làm, cần đồng lương để không phải phụ thuộc ít nhiều vào gia đình, hay cũng để khẳng định một điều “Có việc làm”.
Thực trạng này hiện đang là vấn đề bức xúc. Nguyên nhân do số lượng các trường cao đẳng, đại học phát triển quá nhanh, các trường chỉ chú trọng số lượng tuyển sinh đầu vào, ít quan tâm đến chất lượng đầu ra cho SV; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế- xã hội, đào tạo chưa gắn kết với giải quyết việc làm.
Đối với các cơ quan, hành chính, sự nghiệp thì chủ trương không tăng biên chế đến hết năm 2016; chỉ tiêu tuyển dụng mới hàng năm rất ít, theo quy định chỉ tuyển mới 50% số người nghỉ hưu.
Riêng các công ty, doanh nghiêp không tuyển hoặc tuyển rất ít người có trình độ đại học, chủ yếu tuyển công nhân trình độ phổ thông hoặc trung cấp nghề chuyên nghiệp.
Tình hình khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới có ảnh hưởng đến Việt Nam, nhiều công ty, doanh nghiệp phá sản, giải thể, thu hẹp sản xuất dẫn đến thừa lao động.
Song, tình trạng SV tốt nghiệp ĐH, CĐ vẫn thất nghiệp tràn lan một phần cũng xuất phát từ bản thân các bạn trẻ.
Trong đó, việc các bạn lãng phí quá nhiều thời gian để vui với “thế giới ảo”, mạng xã hội, là fan cuồng của thần tượng mình,…nhưng đến khi đề cập tới các kiến thức kinh tế, xã hội, kỹ năng mềm thì nhiều bạn mù tịt cũng là những nguyên nhân khiến các nhà tuyển dụng lắc đầu từ chối.
Tiếp đó, chính thái độ và tư duy nghèo nàn của các bạn SV là một trong những nguyên nhân thứ yếu góp phần đưa thị trường lao động Việt Nam lâm vào tình cảnh “thừa thầy thiếu thợ”.
Các bạn quá ảo tưởng về tấm bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ của mình, cứ tưởng có nó trong tay thì mọi cánh cổng nghề nghiệp đều chào đón.
Tại sao có vẫn có không ít bạn cũng đi học như mình, nhưng ngoài việc học, họ còn biết lăn xả đi làm thêm, đi hoạt động đoàn hội, đi công tác xã hội… để trải nghiệm, để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho mình, thay vì cứ ngồi đổ lỗi rồi lại quay đầu vào những thứ vô bổ, nuốt chửng lấy khoảng đời SV đẹp đẽ và vô cùng quý báu ấy.
Bên cạnh đó, đừng bao giờ sao nhãng việc nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học văn phòng để phục vụ tốt cho công việc trong tương lai của bạn…
Trong tiến trình hội nhập nền kinh tế quốc tế, rất nhiều cơ hội việc làm đang chờ đón các cử nhân, thạc sĩ. Các cơ sở đào tạo không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, nhanh chóng nắm bắt nhu cầu thị trường lao động, hợp tác chặt chẽ với các nhà tuyển dụng…
Các bạn hãy bắt đầu bằng việc “gõ cửa” các cơ quan và xin vào tập sự ở một vị trí công việc phù hợp, với mức lương thấp hoặc thậm chí là không lương; làm việc chăm chỉ, nghiêm túc trên tinh thần học hỏi và tích lũy kinh nghiệm. Khoảng thời gian học việc quý giá này sẽ giúp bạn sớm tìm được một công việc như mong muốn.
Đồng thời, không ngừng trau dồi kiến thức cho bản thân, không chỉ trình độ chuyên môn mà còn cả trình độ ngoại ngũ, tin học, kỹ năng giao tiếp....đó là những yêu cầu thiết yếu trong thị trường lao động đầy sức cạnh tranh hiện nay.
Thời gian qua tỉnh Vĩnh Long đã thực hiện một số giải pháp nhằm tháo gỡ thực trạng SV tốt nghiệp ĐH, CĐ vẫn thất nghiệp tràn lan.
Để khắc phục giải pháp trên, tỉnh quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực, xác định nhu cầu và lộ trình đào tạo ngành nghề phù hợp. Tỉnh thúc đẩy phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển để thu hút lao động; liên kết doanh nghiệp ngoài tỉnh, tín dụng và đầu tư xuất khẩu lao động.
Đồng thời, chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, các trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm hỗ trợ SV, HS, giao chỉ tiêu tuyển sinh và chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, tăng cường kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho SV, HS; liên kết giữa các trường và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Vĩnh Long đề nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo những ngành nghề đang dư thừa đôi với các CĐ,ĐH. Kiến nghị Trung ương tăng đầu tư thiết bị dạy và học cho giáo dục và đào tạo nghề, đào tạo lại nâng chất lượng giáo viên tăng cường xuất khẩu lao động cho điạ phương.
Ông Trần Anh Tuấn- Phó giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.Hồ Chí Minh: |
Hầu hết các doanh nghiệp khi tuyển dụng lao động đều chọn lựa những lao động hài hòa 3 yếu tố có kiến thức nghề nghiệp, có kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Theo tôi, một mô hình học tập hiệu quả là SV khi ngồi trên giảng đường phải làm sao gắn với cộng đồng xã hội, tham gia làm thêm, hoạt động xã hội để hiểu mình học vì xã hội. Nếu chúng ta không vì xã hội mà vì bản thân mình thì xã hội cũng không cần chúng ta. |
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin