Phòng sởi thì tiêm ngừa, phòng sốt xuất huyết thì diệt muỗi

08:05, 06/05/2016

Bác sĩ, chuyên gia y tế khuyến cáo một trong các biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh truyền nhiễm, có thể gói gọn:

Bác sĩ, chuyên gia y tế khuyến cáo một trong các biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh truyền nhiễm, có thể gói gọn: những bệnh có vắc xin phòng thì (tuân thủ) tiêm ngừa đầy đủ; những bệnh chưa có vắc xin phòng hay thuốc điều trị đặc hiệu, thì (nâng cao ý thức) phòng chống bằng các biện pháp “truyền thống”.

Theo khuyến cáo y tế, tiêm chủng là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh hầu hết các bệnh truyền nhiễm.
Theo khuyến cáo y tế, tiêm chủng là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng tránh hầu hết các bệnh truyền nhiễm.

Sởi, quai bị, rubella, sốt xuất huyết (SXH), viêm não mô cầu, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng (TCM), thủy đậu,... là những bệnh truyền nhiễm “đại diện” cho cả bệnh truyền nhiễm có và không có vắc xin phòng. Điều đáng nói, đang là mùa hè, nắng hạn, một số các bệnh này đã, đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả của việc chủng ngừa vắc xin

Theo báo cáo của Sở Y tế, thời điểm 15/3-15/4/2016, số ca bệnh SXH ghi nhận toàn tỉnh 55 ca, tăng 39 ca (243,75%) so cùng kỳ 2015. Cộng dồn từ đầu năm nay, đã có 370 ca SXH, tăng 203 ca (121,55%) so cùng kỳ năm ngoái.

Tháng qua, ghi nhận 35 ca mắc bệnh TCM, giảm mạnh so năm rồi. Nhưng tổng số ca bệnh tính từ đầu năm đến giờ là 736 ca, lại tăng hơn cùng kỳ năm trước. Bệnh sởi trong tháng có 1 ca mắc, bệnh thủy đậu 10 ca, tăng 16,67%.

Đó là các bệnh truyền nhiễm nguy cơ mắc cao với trẻ, khả năng bùng phát thành dịch cũng cao, có số mắc bệnh tăng trong quý I.

Năm 2014, khi dịch sởi bùng phát trên cả nước, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận hàng chục ca bệnh sởi trong khoảng 200 trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Năm 2015, tỉnh chỉ có 1 trường hợp mắc sởi. Còn đầu năm 2016 đến nay, cũng chỉ mới ghi nhận 1 ca bệnh sởi.

“Sởi cơ bản đã được khống chế trên địa bàn tỉnh”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long đánh giá. Kết quả này có được do tỉnh tổ chức tốt chiến dịch tiêm vắc xin phối hợp sởi- rubella cho trẻ 1-14 tuổi theo chiến dịch toàn quốc do Bộ Y tế phát động (từ quý IV/2014 đến quý I/2015) và đạt cao so yêu cầu phải từ 95% trở lên.

Sởi- bệnh truyền nhiễm gây dịch, lưu hành phổ biến ở trẻ em- có thể nói là một ví dụ cho việc chủng ngừa đầy đủ, đảm bảo miễn dịch phòng bệnh.

Trẻ 9 tháng tuổi sẽ đưa đi tiêm mũi 1, đến 18 tháng tuổi sẽ tiêm nhắc lại bằng mũi sởi- rubella (trước đây là mũi sởi đơn liều).

“Những bệnh nào có vắc xin, phụ huynh nên đưa con em đi tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch, đủ liều. Chương trình tiêm chủng mở rộng luôn có đủ vắc xin phục vụ tiêm ngừa miễn phí”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân nói lưu ý quen thuộc.

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm vi rút cấp tính. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi.

Người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh do chưa từng tiêm chủng trước đây và có thể nhiễm khi đi du lịch, lao động, công tác ở nơi lưu hành dịch bệnh. Cục Y tế dự phòng cho hay, viêm não Nhật Bản đã có vắc xin phòng, nên việc tiêm ngừa là biện pháp khả thi, hiệu quả nhất.

Chưa vắc xin, không có thuốc, dùng cách “truyền thống”

Còn với những bệnh không có vắc xin phòng, người dân và cộng đồng cần nâng cao ý thức phòng chống từ khuyến cáo của cơ quan y tế. Đó là với SXH- vẫn bùng phát khi chưa vào mùa mưa- và biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy và phòng tránh muỗi chích.

TCM là một bệnh cấp tính lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp người bệnh hoặc gián tiếp qua đồ dùng, vật dụng bị nhiễm vi rút từ dịch tiết họng, các bọng nước vỡ của người bệnh.

Bệnh xảy ra ở trẻ dưới 10 tuổi mà chủ yếu ở trẻ 5 tuổi. Điều đáng lưu ý là một người có thể bị bệnh TCM nhiều lần, do mỗi lần nhiễm bệnh cơ thể chỉ tạo ra kháng thể với một loại vi rút nhất định.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người mắc bệnh TCM nên uống nhiều nước, dùng thuốc điều trị triệu chứng hạ sốt hay giảm đau do các vết loét.

Hoặc như bệnh thủy đậu- một bệnh cấp tính (bệnh thủy đậu ở trẻ em, bệnh Zona ở người lớn)- lây từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu.

Đây là một bệnh lành tính, tuy nhiên phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật thai nhi. Nếu nắm được phương thức lây truyền trên và áp dụng để tránh thì có thể phòng bệnh thủy đậu.

Tiêm vắc xin sởi- rubella cho học sinh lớp 11, 12 đạt yêu cầu

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng đến cuối tháng 4/2016, trong 17.147 đối tượng 16-17 tuổi (học sinh lớp 11, 12) điều tra trong toàn tỉnh để tiêm vắc xin phối hợp sởi- rubella, có 16.313 em được tiêm ngừa (95,1%) cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, những học sinh chưa được tiêm đợt này vì lý do: hoãn tiêm, ngay lúc tiêm ngừa có bệnh lý trong người, đi vắng địa bàn,... sẽ được ngành y tế phối hợp với giáo dục tổ chức tiêm vét, đảm bảo độ bao phủ vắc xin trong nhóm đối tượng này, đủ miễn dịch phòng bệnh trong cộng đồng.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh