Kỳ cuối: Chung tay nâng bước các em

01:05, 17/05/2016

Nếu như trước đây, mỗi tháng ở một xã có 5- 7 phụ nữ (PN) kết hôn với người nước ngoài thì nay mỗi năm chỉ có 1- 2 trường hợp. Với sự chung tay hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp, đã từng bước giải quyết căn cơ những hệ lụy cho PN và con của họ bởi cuộc hôn nhân không dựa trên cơ sở hiểu biết về văn hóa, lối sống và không xuất phát từ tình yêu.

Nếu như trước đây, mỗi tháng ở một xã có 5- 7 phụ nữ (PN) kết hôn với người nước ngoài thì nay mỗi năm chỉ có 1- 2 trường hợp. Với sự chung tay hỗ trợ tích cực của các ngành, các cấp, đã từng bước giải quyết căn cơ những hệ lụy cho PN và con của họ bởi cuộc hôn nhân không dựa trên cơ sở hiểu biết về văn hóa, lối sống và không xuất phát từ tình yêu.

Trẻ phấn khởi nhận quà tết trong chương trình họp mặt đầu năm 2016.
Trẻ phấn khởi nhận quà tết trong chương trình họp mặt đầu năm 2016.

Không còn bị... “đòi” giấy khai sinh

Cách nay hơn 2 năm, chúng tôi theo chân cán bộ tư pháp xã Tân Hội (TP Vĩnh Long) đến thăm gia đình ông Võ Văn H. (ấp Tân Bình). Thấy có khách tới, ông gọi cháu ngoại là Yu-Chen (tên tiếng Việt là Võ Thị V.T.) và Che-Chun (tên tiếng Việt là Võ Văn L.L.) ra chào.

Nhìn các em “lạ lẫm” trên chính quê hương mình, bởi tên gọi cũng như gương mặt các cháu đều mang đậm nét Đài Loan và không nói được tiếng Việt Nam.

Các em mang quốc tịch Đài Loan, nhưng cha mẹ các em đã ly hôn và đang sống ở Đài Loan, còn bản thân các em chẳng biết gì về đất nước được ghi trong hộ chiếu của mình. Các em cũng chỉ biết lắc đầu khi chúng tôi hỏi về cha mẹ.

Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với người chồng Đài Loan, chị Võ Thị T.H. mang 2 con về Việt Nam nhờ cha mẹ nuôi dùm, còn chị vẫn tiếp tục mưu sinh nơi xứ người. Ông H.- cha chị T.H. kể: “Mỗi tháng, con T.H. gửi về 3- 4 triệu đồng, tiền học hành đứa lớn rồi tiền sữa đứa nhỏ nên chẳng thấm vào đâu”.

Không chỉ thiếu thốn tình thương của cha mẹ, các em phải đối mặt với nguy cơ không thể đến trường vì không có giấy chứng sinh.

Thời điểm đó, V.T. được người quen gửi vào một trường tiểu học, nhưng “được ngày nào hay ngày nấy chứ không chính thức, vì không có giấy chứng sinh nên chẳng có hồ sơ, học bạ như bao trẻ khác.

Tội nghiệp 2 đứa nhỏ lắm, cứ thui thủi chơi với nhau thôi, đến lớp thì... “bị” đòi giấy khai sinh, nếu không có là không tiếp tục học được. Nghe mà rơi nước mắt”- ông H. buồn rầu nói.

Trường hợp của V.T. và L.L. là 2 trong số rất nhiều trường hợp cô dâu Việt Nam mang con trở về quê nhà mà không đem theo giấy tờ. Để “gỡ rối”, chính quyền địa phương đã tích cực hỗ trợ giúp hai em có được giấy khai sinh để hưởng quyền lợi công dân Việt Nam như những đứa trẻ khác.

Sau 2 năm, khi tôi trở lại, ông H. phấn khởi khoe: “Cũng nhờ địa phương quan tâm giúp đỡ mà giờ mấy đứa nhỏ có thể an tâm tới trường”. Tiếp chuyện với tôi, V.T. giờ cũng đã nói rất rành tiếng Việt Nam, miệng chúm chím khoe: “Con đang học lớp 3. Hôm rồi mẹ con mới về thăm, con rất vui...”.

Để trẻ không quên ngôn ngữ của cha

Gần 8 năm nay, cứ đến 5 giờ chiều là ông Phan Văn Lạc (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) chở cháu ngoại là em Nguyễn Ngọc Triết đến học tiếng Hoa miễn phí do Quỹ phúc lợi xã hội Eden (Eden Social Welfare Foundation- Đài Loan) tài trợ.

"Hồi mới đến đây, thằng Triết không biết gì, nay đã biết đọc, biết viết, có thể nói chuyện với cha nó bên Đài Loan và giao tiếp bằng tiếng Hoa”- ông Lạc nói.

Hai chị em Lý Ấu Hàm và Lý Thái Thanh (Phường 5- TP Vĩnh Long) cũng đã có hơn 4 năm gắn bó với lớp. “Đây là môi trường tốt để con tôi rèn luyện và không quên ngôn ngữ của cha”- chị Nguyễn Thị Ngọc Mai- mẹ của 2 bé cho biết. Trẻ đến lớp được uống sữa và được tài trợ giáo trình.

Vừa dạy các cháu nắn nót từng chữ và hướng dẫn cách đọc, cô Văn Xuân Mai luôn nhắc nhở “các con phải chăm ngoan, học giỏi để trở thành người tốt”.

Bà Trần Kim Hoa- Chánh Văn phòng Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, người trực tiếp làm việc với Eden từ nhiều năm nay cho biết: Thông qua Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh và chính quyền địa phương, Eden đã tài trợ kinh phí mở lớp dạy tiếng Hoa cho trẻ có cha hoặc mẹ là người Đài Loan.

Lớp học được thành lập từ năm 2005 với mục đích dạy ngôn ngữ và giúp các em tự tin tiếp cận với môi trường xung quanh, tạo điều kiện cho các cháu tự tin hòa nhập sau này.

“Hơn 10 năm qua, Eden đã tích cực thực hiện chính sách an sinh tại Vĩnh Long. Trong đó, có mở lớp dạy tiếng Hoa miễn phí và can thiệp, bảo vệ quyền lợi cho nhiều cô dâu Việt Nam”- bà Cao Thoại Bình- Trưởng đại diện Quỹ Phúc lợi xã hội Eden nói.

Không còn mơ tưởng viển vông

Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ với người chồng Hàn Quốc, chị Nguyễn Thị H. trở về quê nhà ở phường Đông Bình (TX Bình Minh). Được Hội LHPN động viên, tuyên truyền và hỗ trợ vốn theo chương trình hỗ trợ PN sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, chị H. dần nguôi ngoai và có cuộc sống ổn định.

“Tôi mong muốn hội tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ chị em phát triển kinh tế tại quê nhà để mọi người không lâm vào hoàn cảnh như tôi, không mơ tưởng chuyện viển vông và phải chịu sự “rẻ rúng” bên nhà chồng”- chị H. nói.

Theo Bà Lê Thị Kim Liên- Phó Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh:

Toàn tỉnh đã xây dựng 15 CLB “Giảm thiểu tiêu cực tình trạng PN kết hôn với người nước ngoài” với mục tiêu thực hiện quyền bình đẳng và hạnh phúc chính đáng của PN trong tình yêu hôn nhân, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, đảm bảo kết hôn với người nước ngoài đúng theo Luật Hôn nhân và Gia đình.

“Hơn 5 năm về trước, mỗi tháng ở xã có 5- 7 PN kết hôn với người nước ngoài, thì nay mỗi năm chỉ có 1- 2 trường hợp. Đó là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho chị em”- chị Huỳnh Thị Thu Nguyệt- Chủ tịch Hội LHPN xã Ngãi Tứ (Tam Bình) cho biết thêm.

Với sự chung tay hỗ trợ của các ngành, các cấp trong nước cũng như nước bạn đã từng bước giúp các cô dâu Việt Nam và con của họ vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, một trong những giải pháp hữu hiệu lâu dài và giải quyết căn cơ để những đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân thiếu tình yêu và bất đồng ngôn ngữ không phải chịu thiệt thòi là: nâng cao nhận thức và chất lượng cuộc sống cho PN thông qua các chương trình xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao trình độ học vấn, cải thiện đời sống khu vực nông thôn...

Khi đã có nhận thức tốt và cuộc sống ổn định, PN sẽ ít viễn tưởng ôm mộng đổi đời và sẽ có nhiều lựa chọn hơn là chấp nhận lấy chồng xứ lạ mà không có tình yêu cũng như chưa có sự tìm hiểu kỹ càng về văn hóa, lối sống.

Năm 2008, xã Tân Lược (Bình Tân) là đơn vị đầu tiên xây dựng CLB “Giảm thiểu tình trạng PN kết hôn với người nước ngoài”, đến nay đã nhân rộng ra 5 CLB. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên năm qua số vụ PN kết hôn với người nước ngoài (có yếu tố mai mối) ở địa phương này đã giảm đáng kể- chỉ có 4 trường hợp và đặc biệt là không xảy ra vấn nạn bạo lực gia đình.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh