Những trẻ được sinh ra từ cuộc hôn nhân chóng vánh giữa cô dâu Việt Nam và người nước ngoài mà thiếu tình yêu cùng những bất đồng về ngôn ngữ, lối sống, phong tục tập quán..., đã kéo theo những hệ lụy buồn. Các em phải chịu nhiều thiệt thòi và luôn khát khao vòng tay yêu thương của cha mẹ.
Những trẻ được sinh ra từ cuộc hôn nhân chóng vánh giữa cô dâu Việt Nam và người nước ngoài mà thiếu tình yêu cùng những bất đồng về ngôn ngữ, lối sống, phong tục tập quán..., đã kéo theo những hệ lụy buồn. Các em phải chịu nhiều thiệt thòi và luôn khát khao vòng tay yêu thương của cha mẹ.
Kỳ 1: Cuộc trở về và những nỗi đau
Hôn nhân không tình yêu đổ vỡ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn... “buộc” những cô dâu Việt Nam phải mang con về quê ngoại. Nhiều trẻ em vừa sinh ra đã phải sống với thân phận không rõ ràng, thiếu thốn tình yêu và sự quan tâm của cha mẹ.
“Cha ơi! Cha là ai?”
Em Nguyễn Ngọc Tr. (bìa phải) đang học lớp tiếng Hoa, chờ cha mẹ ổn định sẽ rước sang Đài Loan. |
Việc kết hôn nhanh chóng với những người chồng nước ngoài mà thiếu vắng tình yêu, đã phát sinh những hệ lụy.
Khi hôn nhân không hạnh phúc, vợ chồng ly dị đã đành, nhưng những người vợ đưa con mang 2 dòng máu về quê sinh sống đã phát sinh những vấn đề khó khăn cho chính con mình, như vấn đề quốc tịch, hộ tịch hoặc những buồn thương, mất mát về mặt tinh thần.
Mang 2 dòng máu Việt- Đài, nhưng khi lọt lòng, Phan Trọng Ngh. (ấp Mỹ Thuận, xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) phải mang thân phận không rõ ràng.
Năm 1999, để hợp thức hóa giấy khai sinh, chị Phan Thị Ng.- mẹ của Trọng Ngh- đã tự đặt cho cha Trọng Ngh. ra cái tên rất Việt Nam nhưng cũng rất “xa lạ” với em. Bởi trên thực tế chẳng có người này và khai là ông đã chết mặc dù người cha thực sự của Trọng Ngh. vẫn còn sống và là người Đài Loan.
Cách nay gần 20 năm, thông qua dịch vụ mai mối với lời hứa hẹn cuộc sống đầy viên mãn, hạnh phúc ở Đài Loan- nơi mà chị Ng. chỉ biết đến qua phim ảnh, chứ không hề có sự tìm hiểu trước hôn nhân về lối sống, phong tục, tập quán bên nhà chồng cũng như nơi xứ người- chị Ng. đã quyết định theo chồng về xứ lạ.
Thế rồi, cuộc sống ở “miền đất hứa” không như mong đợi với biết bao phũ phàng, cay đắng. Ngày chị trốn trở về cũng là lúc cái bụng bầu đã to vượt mặt. Sinh con xong, chị gửi con trai cho cô ruột là bà Phan Thị H. nuôi giúp, còn chị phải tha hương, bươn chải kiếm sống.
Học hết lớp 9, thằng bé Trọng Ngh. phải từ giã ghế nhà trường theo học nghề hớt tóc. Bà H. cho biết: “Vì không còn khả năng để lo cho thằng Trọng Ngh. học tiếp, nên tui cho nó học cái nghề để sau này nó tự nuôi sống bản thân”.
Chưa một lần biết mặt cha, mẹ thì biệt tăm, Trọng Ngh. lớn lên trong sự “mồ côi” như vậy. Ký ức về tuổi thơ của em là những tháng ngày đầy tủi phận, bởi “em chẳng biết gì về người đàn ông đã tạo ra mình, chỉ nghe nói là em có đôi mắt một mí rất giống cha”. Với em, bà cô là người duy nhất chăm sóc, nuôi dưỡng và gắn bó từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành.
Không có cha bên cạnh, ngay khi lọt lòng mẹ, số phận em Nguyễn Gia H.- ở ấp Tân Vĩnh (xã Tân Lược, Bình Tân) như đã được an bày với tờ giấy khai sinh con ngoài giá thú. Mẹ Gia H. là chị Nguyễn Thị C. lấy chồng với lý do hết sức đơn giản là “muốn qua Trung Quốc tìm việc làm” và chia tay chồng với lý do cũng rất giản đơn là “nhớ nhà nên không muốn đi nữa”.
Qua tiếp chuyện với bà mẹ trẻ này, chúng tôi nhận ra rằng có nhiều vấn đề mà chị chưa nghĩ tới, nhất là về nguồn cội con trai của chị.
Mong gặp cha, chứ không theo cha
Các trẻ có cha hoặc mẹ là người Đài Loan tại lớp học tiếng Hoa. |
Câu chuyện buồn về thân phận của những đứa trẻ con lai theo mẹ về Việt Nam sau những cuộc hôn nhân đổ vỡ với người chồng ngoại không còn là cá biệt. Trở về quê ngoại, nhiều trẻ phải chịu thiệt thòi khi lớn lên thiếu vắng tình yêu thương, sự quan tâm, chia sẻ, bảo bọc cũng như những lời răn dạy của cha mẹ.
Ở tuổi 15, cũng là từng ấy năm trời chị em sinh đôi Nguyễn Trần Minh C. và Nguyễn Trần Minh Ch. (con chị Nguyễn Thị Kim N. ở ấp Tân Hưng, xã Tân Hòa- TP Vĩnh Long) lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Mở mắt chào đời chẳng bao lâu, chưa kịp gọi tiếng cha thì đã bị gia đình bên nội hắt hủi vì không chấp nhận chuyện “không có người nối dõi tông đường”.
Tâm sự với chúng tôi, hai chị em hồn nhiên: “Chúng em muốn biết mặt cha, nhưng chỉ là cho biết chứ không đi theo cha đâu”.
Không như các bạn cùng trang lứa được lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, với Minh C. và Minh Ch. Thì việc gặp mặt cha đến nay vẫn chỉ là... giấc mơ.
Bà ngoại Võ Thị Kim V. cho biết: “Hai đứa nhỏ do một tay tui nuôi dưỡng, còn con N. (mẹ của hai cháu) đến nay thì vẫn tiếp tục tha hương nơi xứ người kiếm sống để có chút đỉnh tiền gửi về lo cho con. Tội nhất là hai đứa nhỏ lớn lên chỉ biết có bà ngoại và cậu. Trong khi người đã tạo ra chúng nó thì vẫn mãi biệt tăm...”
Gửi con để... mưu sinh
Không chỉ vì hôn nhân đổ vỡ mà vì hoàn cảnh, nhiều cô dâu Việt Nam đành tạm gửi con về quê ngoại để mình tiếp tục cuộc mưu sinh nơi xứ người. Từ lúc hơn 2 tuổi, em Tạ Chí Tr. (sinh năm 2007) đã được cha mẹ gửi về quê ngoại ở ấp Phú Thọ (xã Tân Phú- Tam Bình).
Còn chị Dương Thị Kiều N.- mẹ Chí Tr. vẫn tiếp tục làm việc nơi xứ lạ quê người với mong muốn sau này có điều kiện chăm lo cho con được tốt hơn. Bà ngoại Chí Tr. kể: Từ lúc thằng Chí Tr. học tiếng Hoa, nói chuyện được với cha qua điện thoại, lúc nào nó cũng nói “con nhớ cha...”.
“Hiểu rõ những thiệt thòi của cháu ngoại khi lớn lên không có ba mẹ bên cạnh, nên tui phải bù đắp tình thương cho nó rất nhiều, nhưng không vì thế mà nuông chiều thái quá. Tui phải dành nhiều thời gian bên cạnh, luôn quan tâm răn dạy để nó khôn lớn nên người”- bà ngoại Chí Tr. tâm sự.
Cũng sống trong cảnh “nhớ mẹ, mong cha”, em Nguyễn Ngọc Tr. được cha mẹ gửi về sống với ngoại ở ấp Mỹ Phú (xã Tân Hội- TP Vĩnh Long). Ông Phan Văn Lạc- ông ngoại Ngọc Tr.- hàng ngày thay thế cha mẹ chăm sóc, đưa đón em đi học để “chờ khi nào cha mẹ nó ổn định thì sẽ rước nó về”.
Có thể nói, những người ông bà tuy rất yêu thương cháu nhưng vẫn không thể thay thế tình thương và sự quan tâm của cha mẹ dành cho con, ở lứa tuổi các em rất cần “vòng tay yêu thương” của cha mẹ.
Đó là “điểm tựa” vững chắc để các cháu tự tin bước vào đời. Làm gì để những đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân “không trọn vẹn” hoặc “lấy chồng xứ lạ” gặp khó khăn, nghèo túng không phải chịu nhiều thiệt thòi vẫn là câu hỏi đặt ra hôm nay.
Năm 2011 đến nay, xã Tân Hội (TP Vĩnh Long) có 32 trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Có 5 trường hợp đem con về địa phương sinh sống với 6 trẻ; trong đó, có 2 trường hợp cha mẹ đã ly hôn, còn lại sống cùng mẹ (cha ở Đài Loan, Philipin). Năm 2010- 2015, xã Lục Sỹ Thành (Trà Ôn) có 139 trường hợp phụ nữ kết hôn với người nước ngoài. Hiện có 6 trẻ đang sống cùng ông bà ở Việt Nam, còn cha mẹ các em đi làm ở nước ngoài. |
Kỳ cuối: Chung tay nâng bước các em
Bài ảnh: XUÂN TƯƠI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin