Không ngừng phấn đấu, nhiều người lao động (NLĐ) đã nỗ lực trong lao động, học tập để nâng cao trình độ, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới và hội nhập kinh tế.
Không ngừng phấn đấu, nhiều người lao động (NLĐ) đã nỗ lực trong lao động, học tập để nâng cao trình độ, tay nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới và hội nhập kinh tế.
Công nhân lao động hiện đại ngoài lao động tay chân còn phấn đấu học tập nâng cao trình độ hướng tới người lao động công nghệ cao. |
Năng học tập, giỏi sáng kiến
Sau một ngày làm việc vất vả, khi nhiều người chỉ muốn được nghỉ ngơi, thư giãn thì một số công nhân viên chức- NLĐ tìm đến các trung tâm ngoại ngữ, các chương trình học nâng cao trình độ hệ vừa làm vừa học, tham gia các lớp học nhóm, học qua mạng để nâng cao trình độ.
Với sự năng động, sáng tạo, cần cù, ham học hỏi, họ từng bước khẳng định bản thân và tỏa sáng trên con đường sự nghiệp.
Anh Trương Biện Hoàng Duy- Tổ trưởng Tổ điện Nhà máy Vicancap, thuộc Công đoàn cơ sở Công ty CP Dược phẩm Cửu Long. Trong quá trình quản lý, điều hành, sử dụng các thiết bị điện trong nhà máy, anh luôn học hỏi, trao đổi với các đồng nghiệp để tìm ra các giải pháp bảo dưỡng máy móc thiết bị tối ưu.
Trong 5 năm (2010- 2015), anh đã có 10 sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty 1,6 tỷ đồng. Năm 2013, anh vinh dự đạt giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng- giải thưởng tôn vinh những công nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất.
Với số lao động nữ chiếm gần 50%, Công ty CP Dược phẩm Cửu Long đã cùng với Ban Nữ công lấy phong trào thi đua “Giỏi việc nước- đảm việc nhà” làm động lực phấn đấu trong nữ lao động, để động viên khuyến khích nữ công nhân lao động (CNLĐ) thi đua lao động sản xuất kinh doanh tốt, xây dựng một đội ngũ nữ năng động, sáng tạo, tự tin, hướng đến mục đích vì sự phát triển bền vững của công ty.
Để hỗ trợ nữ CNLĐ, công đoàn đã tạo điều kiện cho chị em học tập nâng cao tay nghề và hưởng ứng các phong trào thi đua “sáng kiến, cải tiến, tiết kiệm”.
Qua đó, nữ CNLĐ có nhiều tiến bộ, nhiều chị được đề bạt vào bộ máy quản lý, có hàng trăm sáng kiến được công nhận và đưa vào áp dụng, làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng.
Chất lượng lao động ngày càng tăng
Theo anh Lê Thống Nhất- Phó Chủ tịch Công đoàn ngành nông nghiệp- PTNT tỉnh, phong trào học tập nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được lãnh đạo ngành và công đoàn đặc biệt quan tâm.
Ngoài vận động công đoàn viên tự học nâng cao trình độ, hàng năm, công đoàn ngành đều phối hợp với chính quyền xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng CCVC- NLĐ;
đồng thời, tạo mọi điều kiện về thời gian, kinh phí cho công đoàn viên tham gia học tập. Hiện, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của CCVC trong ngành cơ bản đáp ứng được yêu cầu và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Để nâng cao tay nghề cho chị em, Công ty TNHH Tỷ Xuân thường xuyên tổ chức đào tạo tại chỗ. Đối với công nhân có thâm niên làm việc từ 4- 5 năm, công ty còn chú trọng đào tạo lực lượng công nhân đa năng, có thể am hiểu và đảm nhiệm nhiều phần việc khác nhau.
Từ năm 2008 đến nay, công ty còn áp dụng công nghệ sản xuất mới theo mô hình LEAN. Nếu như trước đây, lao động chân tay là chủ yếu, thì đội ngũ CNLĐ hiện nay đã có thể tiếp cận công nghệ nhanh chóng, đặc biệt là may theo lập trình với các loại máy móc hiện đại giúp tiết kiệm vải, tăng năng suất và tiết kiệm nguyên liệu, nhân công.
Nguyễn Thị Thùy Linh- một nữ công nhân trẻ mới vào nghề- nhưng rất thạo may lập trình chia sẻ:
“Khi mới vô làm, em được cán bộ cấp trên đào tạo nghề tại chỗ, học hỏi cách may lập trình theo công nghệ mới.
Qua hơn 1 năm làm việc, em đã thạo việc. May theo lập trình trên máy đòi hỏi phải tỉ mỉ, hết sức chú tâm vào thao tác. Có thời gian, em còn học làm các máy khác để có thể làm tốt vai trò một công nhân đa năng”.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề của NLĐ có bước tiến bộ đáng kể do có sự quan tâm của chủ sử dụng lao động, tạo điều kiện cho NLĐ học tập nâng cao trình độ học vấn, thi tay nghề, đưa đi đào tạo chuyên môn (1.887 CNLĐ).
Về phía các doanh nghiệp, đa số hoạt động khá ổn nên tạo được việc làm cho CNLĐ, nâng cao thu nhập và thực hiện tốt các chế độ chính sách như: nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và trình độ cho CNLĐ.
Ông Huỳnh Bá Long- Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh nhận định, đội ngũ CCVC- NLĐ hiện nay đã có bước phát triển đáng kể, trình độ học vấn, chuyên môn, tay nghề không ngừng được nâng lên, nhất là ở khu vực hành chính sự nghiệp, lực lượng làm công tác quản lý, khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Giai đoạn 2013- 2015, có 29.363 lượt CB.CCVC- NLĐ được đưa đi đào tạo bồi dưỡng, CNLĐ được doanh nghiệp dạy nghề tại chỗ đạt 100%.
|
Năm 2015, các công đoàn cơ sở đã quan tâm, phối hợp với các chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho 4.853 đoàn viên, NLĐ được theo học các lớp nâng cao trình độ, chuyên môn nghề nghiệp. Ngoài ra, theo khảo sát tại KCN Hòa Phú, số CNLĐ có chứng chỉ tay nghề đạt 16%, số còn lại do công ty, doanh nghiệp có kế hoạch đào tạo nghề tại chỗ. |
Bài, ảnh: YẾN XUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin