Môn Lịch sử và Tiếng Anh- học theo "mục đích thi"

01:05, 18/05/2016

Hệ thống kiến thức "gọn gàng" để không nhầm lẫn, không quên ý; học theo mục đích thi để tránh ôm đồm… là cách nhiều giáo viên khuyên học sinh lớp 12 nên làm trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đối với 2 môn: Lịch sử và Ngoại ngữ.

Hệ thống kiến thức “gọn gàng” để không nhầm lẫn, không quên ý; học theo mục đích thi để tránh ôm đồm… là cách nhiều giáo viên khuyên học sinh lớp 12 nên làm trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đối với 2 môn: Lịch sử và Ngoại ngữ.

Ôn tập theo mục đích thi để tránh việc ôm đồm mà kết quả không cao.
Ôn tập theo mục đích thi để tránh việc ôm đồm mà kết quả không cao.

Nắm căn bản để xét tốt nghiệp

Các môn Ngoại ngữ (cụ thể là môn Tiếng Anh) và Lịch sử có rất nhiều kiến thức, do đó nếu dùng biện pháp học thuộc lòng thì học sinh rất dễ nhầm lẫn. Các câu hỏi trắc nghiệm đã được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó.

Để tránh mất thời gian làm bài 90 phút cho môn này, học sinh cần làm nhanh, câu dễ làm trước, câu nào nghi ngờ các em có thể làm sau hoặc dò lại lần nữa trước khi nộp bài.

Cô Nguyễn Thị Huyền Phương- Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Vĩnh Long) nói: Cái cơ bản của Tiếng Anh chính là ngữ pháp, phần này không nhiều, học sinh chỉ cần chủ động học và học cả từ nhận biết.

“Phần thi viết không được bỏ trống”- cô Phương nói thêm. Đáp án môn Tiếng Anh có cho điểm bố cục, câu đúng ngữ pháp,… Nhìn chung là không khó để tìm 1 điểm cho phần thi 2 điểm này.

Theo thầy Nguyễn Bá Khương- giáo viên dạy Lịch sử, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Hòa (Tam Bình): “Học sinh chọn môn này để thi tốt nghiệp phải đảm bảo nền tảng trước, đó chính là kiến thức cơ bản của chương trình”.

Cấu trúc đề thi môn Lịch sử năm 2015 có thay đổi: Lịch sử thế giới 3 điểm; phần lịch sử Việt Nam 7 điểm với 3 câu hỏi, mỗi câu có nhiều câu hỏi nhỏ. Trong đó, câu 1 đơn giản nhất và chỉ cần thuộc là làm được. Đối với câu số 2, phân tích dữ liệu cho sẵn yêu cầu học sinh phải hiểu bài, chú ý nghe giảng và đọc kỹ đề.

Ngoài ra, các em còn phải phân bổ thời gian làm bài thi hợp lý. Mặc dù môn Lịch sử có thời gian làm bài khá dài (180 phút), tuy nhiên để làm hết đề bài thì đây là mức thời gian vừa phải.

Một số học sinh không ghi ý chính ra giấy nháp thường dễ quên ý và mất nhiều thời gian để nhớ lại. Theo các giáo viên chấm thi môn này thì rất ít học sinh làm đến câu cuối.

Thi “2 trong 1”

Nếu học sinh muốn dùng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH, CĐ thì phải có sự chuẩn bị ngay từ đầu. Cô Huyền Phương cho rằng: “Hầu hết bài thi Tiếng Anh cần khả năng đọc hiểu của học sinh, do đó các em phải có vốn từ vựng.

Phần viết cũng cần sự đầu tư từ lớp 10”. Theo cô Huyền Phương, Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa qua có khoảng 60% học sinh đạt từ 5- 6 điểm môn Tiếng Anh. Số học sinh được từ 7 điểm trở lên chủ yếu tập trung ở 2 lớp chuyên Anh, các lớp còn lại chỉ rải rác.

Trước hết, các em phải nắm vững cấu trúc từng đề thi, tập làm quen với các dạng đề, làm bài thử và ước lượng thời gian làm bài.

Lỗi sai phổ biến nhất của học sinh hiện nay, theo các giáo viên là phần viết. Cô Hương chia sẻ: Muốn đạt điểm khá Tiếng Anh phải viết tốt, chú ý bố cục: có chủ đề, thân bài và kết cấu.

Học sinh giỏi thường hay mắc lỗi viết dài, dùng từ cao siêu. Trong khi đó, đáp án chú trọng bố cục đúng, nội dung không cần dài, đúng liên kết và tránh sai ngữ pháp.

Trong quá trình ôn, học sinh không thể bỏ qua phần nói và tập nói. Các câu hỏi trắc nghiệm có phần này và bắt buộc các em phải phát âm đúng mới làm bài tốt.

Nếu các em chọn môn Lịch sử để xét tuyển ĐH, trước tiên phải nắm kiến thức căn bản. Cô Võ Thị Thủy- giáo viên Trường THPT Vĩnh Xuân chia sẻ: “Muốn đạt điểm khá, học sinh phải rèn luyện kỹ năng phân tích, so sánh, khái quát các sự kiện. Ngoài ra, phải theo dõi và cập nhật thông tin thời sự”.

Để làm tốt các câu hỏi, học sinh cần đọc thật kỹ đề để nhận ra trọng tâm cần trả lời. Thực tế, nhiều học sinh trả lời lan man, lạc đề vì không hiểu đúng câu hỏi.

Thầy Nguyễn Văn Mười- giáo viên Trường THPT Lưu Văn Liệt lại thường cho học sinh so sánh các sự kiện với 2 mục đích: nhớ lâu, rõ và rèn kỹ năng làm bài cho các em. Vẽ sơ đồ tư duy khi làm bài cũng là ý được nhiều giáo viên nhắc đến. Một sơ đồ trên nháp giúp học sinh không bị lệch đề, không quên các dữ liệu là rất quan trọng.

Học Lịch sử, Tiếng Anh dù với mục đích gì thì việc hiểu là rất quan trọng. Học sinh cần hiểu đề, hiểu bài học và hiểu rõ năng lực bản thân để có những lựa chọn hợp lý nhất, sự chuẩn bị chu đáo nhất cho mình.

Môn Tiếng Anh thi với 2 hình thức: trắc nghiệm 64 câu và thi viết. Chiều 1/7/2016, tổ chức thi môn này, thời gian làm bài thi là 90 phút. Đây là môn thi bắt buộc đối với học sinh hệ THPT.

Thời gian làm bài thi môn Lịch sử là 180 phút, theo hình thức tự luận. Lịch thi môn này vào sáng 4/7/2016, 7 giờ 30 phút bắt đầu tính giờ làm bài.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh