Là một tổ chức xã hội với nhiệm vụ thực hiện các hoạt động nhân đạo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) các cấp đã tập hợp, huy động mọi nguồn lực trong xã hội đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo tình nguyện tại cộng đồng, góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Là một tổ chức xã hội với nhiệm vụ thực hiện các hoạt động nhân đạo bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) các cấp đã tập hợp, huy động mọi nguồn lực trong xã hội đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo tình nguyện tại cộng đồng, góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.
Vận động hỗ trợ bò sinh sản giúp hộ nghèo xã Hậu Lộc (Tam Bình). |
Để có được nguồn quỹ hoạt động nhân đạo, thành viên ở 123 ban bảo trợ CTĐ khắp trong tỉnh đã lặn lội, gõ cửa từng nhà, đến từng tổ chức để vận động tiền, hàng hóa, thuốc men, vật dụng gia đình… và nhiều khi còn… “xuất quỹ gia đình” để thực hiện hoạt động nhân đạo.
Nhiều tình nguyện viên có đóng góp tích cực như các ông bà: Mai Hữu Ánh, Dương Văn Minh (Tam Bình), Trương Kim Lan, Quách Thanh Vân, Nguyễn Dương Minh, Nguyễn Thị Chín (TP Vĩnh Long), Trần Văn Giảng (xã Thành Đông- Bình Tân), Trần Văn Triệu (phường Đông Thuận), Trương Văn Sáu (Khóm 5, phường Cái Vồn- TX Bình Minh), Huỳnh Ngọc Mai, Lê Thị Diễm Châu (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ)...
Trong hoạt động sơ cấp cứu, toàn tỉnh có 516 tình nguyện viên tham gia ở các trạm, điểm sơ cấp cứu. Năm 2015, đã sơ cứu 946 trường hợp, chuyển viện 81 người.
Các tình nguyện viên này bất kể ngày đêm, nắng mưa đều sẵn sàng phục vụ khi cần thiết, góp phần đem lại niềm vui, sự sống cho hàng trăm người.
Nhiều người đã phục vụ cho hoạt động này trên 15 năm giúp đỡ cho hàng trăm người bị tai nạn như các ông: Nguyễn Hoàng Xuân, Nguyễn Văn Phên (xã Lộc Hòa- Long Hồ); Trần Văn Tự, Lê Hiếu Thiện, Phan Thanh Tâm, Nguyễn Văn Tới, Võ Kỳ Nam (Bình Tân)...
Hiến máu và tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo cũng là hoạt động được nhiều người tham gia. Mỗi năm, toàn tỉnh đã tổ chức trung bình 52 đợt tiếp nhận của trên 28.000 người, thu được trên 13.000 đơn vị máu.
Họ đã tình nguyện hiến máu và lấy tấm gương của mình để minh chứng cho mọi người về tác dụng tích cực của việc hiến máu. Ông Đoàn Văn Sáu (xã Nhơn Bình- Trà Ôn)- Đội trưởng Đội tuyên truyền, tư vấn tiếp nhận máu huyện Trà Ôn là một trong những tình nguyện viên xuất sắc.
Bản thân ông đã hiến máu trên 35 lần, các thành viên gia đình ông đã hiến trên 70 lần, ông còn vận động được hàng trăm người khác cùng hiến máu. Ngoài ra, còn có các ông: Nguyễn Hà Vinh (TP Vĩnh Long), Mai Hoàng Đông, Phạm Phú An (Tam Bình).
Nhờ sự tích cực tuyên truyền vận động của 774 tình nguyện viên trong phong trào, hàng năm phong trào hiến máu tình nguyện đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao.
Đội thầy thuốc khám bệnh lưu động cũng là một tổ chức tập hợp sự tình nguyện của những y- bác sĩ đã về hưu, người làm việc tại các bệnh viện, phòng khám- kể cả những sinh viên.
Với 20 thầy thuốc tình nguyện, Tỉnh hội và các huyện- thị- thành hội đã vận động tổ chức 35 đợt khám, cấp thuốc miễn phí giúp 18.527 lượt người. Từ kinh nghiệm, kiến thức có được cùng với tấm lòng, họ đã tham gia khám chữa bệnh cho người dân tại cộng đồng.
Họ thật sự là những người thầy thuốc của nhân dân như các bác sĩ: Khổng Hồng Liên (TP Vĩnh Long), Huỳnh Văn Lợi (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ), lương y Lê Văn Đen, Nguyễn Tấn Thành (Bình Tân),…
Ở huyện Bình Tân, Vũng Liêm và TX Bình Minh còn có những tình nguyện viên xây dựng nhà cửa giúp người nghèo, xây dựng cầu, đường phục vụ cộng đồng hay phục vụ các bếp ăn từ thiện tại các bệnh viện; tuyên truyền an toàn giao thông, phòng chống HIV/AIDS; tham gia vào đội phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thiên tai ở cộng đồng;...
Từ nguồn lực đóng góp của tình nguyện viên, Hội CTĐ tỉnh Vĩnh Long tổ chức các hoạt động cứu trợ nhân đạo có trọng tâm, trọng điểm, làm đâu được đấy, chú trọng tính hiệu quả, không hình thức hay xa rời mục tiêu, tôn chỉ hoạt động.
Mô hình vay vốn phát triển kinh tế gia đình ở xã Trung Thành (Vũng Liêm) của Hội Chữ thập đỏ. |
Cụ thể, trong dịp Tết Ất Mùi, hội phát động phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân da cam” đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và cá nhân có lòng hảo tâm; trên 36.000 phần quà tết, trị giá gần 16 tỷ đồng được trao tận tay những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ hòa nhập với cộng đồng vui tết, đón xuân.
Đặc biệt trong phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”… các tổ chức, cá nhân tình nguyện hiện đang trợ giúp 2.153 địa chỉ được trợ giúp với tiền, hàng đạt 2,9 tỷ đồng...
Hội CTĐ các cấp còn xây cất được 7 nhà tình nghĩa, 212 nhà tình thương cho hộ chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi xây dựng 34 cầu bê tông, 446.230m đường, cấp 80 bồn chứa nước, xây 14 hầm biogas, 25 hố tự hoại; giúp 1.331 hộ với 4,6 tỷ đồng để làm vốn sản xuất, mua bán nhỏ, chăn nuôi... và đã có 99 hộ thoát nghèo.
Chương trình Ngân hàng bò huy động 232 con bò sinh sản. Tính ra, tổng giá trị các hoạt động cứu trợ nhân đạo nêu trên trị giá hàng tỷ đồng.
Với những hoạt động thầm lặng, không ngại khó khăn gian khổ, không vụ lợi, không thành tích phô trương; các tình nguyện viên của Hội CTĐ đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng tổ chức hội vững mạnh và thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhiều tình nguyện viên đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động (bà Quách Thanh Vân, Trương Kim Lan); được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen (các ông: Mai Hữu Ánh, Đoàn Văn Sáu, Nguyễn Hà Vinh, Nguyễn Hoàng Xuân) và rất nhiều những cá nhân khác được Trung ương Hội CTĐ Việt Nam và UBND tỉnh; BCH Tỉnh hội tặng bằng khen, giấy khen.
Bà Trần Thị Tuyết Mai- Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Các hoạt động nhân đạo của đơn vị đều xuất phát từ nhu cầu thực tế ở cộng đồng, do hội viên, tình nguyện viên tham mưu cho BCH; tình nguyện viên cũng là người trực tiếp triển khai thực hiện, giám sát và được ban thường vụ các cấp hội triển khai nhân rộng phong trào. Hiệu quả hoạt động của hội là tâm huyết, sức lực, tiền của của tình nguyện viên CTĐ.
Để hoạt động của tình nguyện viên ở Vĩnh Long phát triển sâu rộng, vững chắc và vận động được tốt hơn nữa nguồn nội lực này trong thời gian tới, Thường trực Tỉnh hội đã tập trung cho việc tổ chức, quản lý, đào tạo, huấn luyện tình nguyện viên thông qua nhiều giải pháp cụ thể: đẩy mạnh công tác truyền thông xây dựng nguồn lực, công tác tổ chức, phối hợp và kiểm tra thi đua khen thưởng.
Sự cộng hưởng từ tình nguyện viên, cán bộ, hội viên CTĐ sẽ mang lại tính tích cực trong phát triển vững mạnh của hội CTĐ các cấp.
Toàn hệ thống Hội CTĐ tỉnh đã củng cố về chất lượng, trong đó tập trung xây dựng lực lượng tình nguyện viên đông đảo từ tỉnh đến cơ sở gồm 550 đội, tổ với khoảng 8.000 người hoạt động hiệu quả ở nhiều lĩnh vực khác nhau. |
Bài, ảnh: XUÂN MAI (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin