Kiềm chế nóng giận khi đã là "bác tài"

07:05, 12/05/2016

Ngay cả khi bạn khẳng định mình hoàn toàn không có lỗi, hãy tự kiềm chế các hành động do nóng giận gây nên.

1. Khi xảy ra

Ngay cả khi bạn khẳng định mình hoàn toàn không có lỗi, hãy tự kiềm chế các hành động do nóng giận gây nên.

Thứ nhất, không nên mắng chửi, trút giận lên người đối thoại vì điều này rất dễ gây phản ứng tương tự, dẫn đến kết cục khó lường.

Thứ hai, nóng giận mất khôn. Chỉ tập trung vào người đối thoại, bạn có thể không nhận thấy một số chi tiết nào đó tại nơi xảy ra sự cố, có lợi cho bạn, bỏ qua nhân chứng… trong khi người kia, giữ được sự bình tĩnh, ghi nhận tất cả bằng chứng có lợi cho mình. Cần nhớ rằng không phải lúc nào mọi chuyện xảy ra cũng thể hiện rõ qua hiện trường.

Thứ ba, có lẽ cảnh sát giao thông sẽ có lòng tin hơn đối với lời khai của tài xế nào tỏ ra bình tĩnh, tự tin hơn là người có lời nói, hành vi kích động.

Chính vì vậy, nguyên tắc đầu tiên trong bất kỳ tình huống nào cần giữ bình tĩnh, không bao giờ được phép cho mình nóng giận. Hãy quên đi những suy luận đại loại như: mình đang bị muộn đến đâu đó, phải tốn thời gian giải thích với hãng bảo hiểm rằng buộc phải đến trạm sửa chữa, nếu như sự cố không xảy ra thì…

Hãy tập trung vào việc bạn sẽ nói gì với “người kia” và cảnh sát giao thông. Và tốt nhất là giữ được giọng nói bình tĩnh, lịch sự để trình bày lý do, khiếu nại về sự cố, tránh không nhằm vào cá nhân, tập trung vào các bằng chứng, sự kiện cụ thể và tránh buộc tội không có cơ sở.

Để kiểm soát được mình như vậy, có một cách rất đơn giản: trước khi nói điều gì, hãy đọc nhẩm trong đầu 10 lần! Nếu thấy mình vẫn đang trong cơn nóng giận thì hãy đọc thêm 50 lần nữa! Không thừa nếu hít thở sâu một vài lần.

2. Sau sự cố…

Sự kích động căng thẳng do sự cố xẩy ra, nhiều khi dẫn đến thương tổn về tinh thần, thay đổi tâm lý, giảm trí nhớ, trầm uất… và đối với những người cầm lái, đôi khi còn làm mất đi sự tự tin, sợ ngồi vào sau tay lái.

Cách phục hồi sự cân bằng tâm lý nhanh nhất là đừng cố quên những gì đã xảy ra, nhưng phải tự nói với mình rằng nó đã là quá khứ. Đó chỉ là khoảnh khắc không may mắn trong cuộc sống mà thôi.

Sẽ không xảy ra như vậy nữa trong tương lai. Khi xuất hiện những ý nghĩ tiêu cực, hãy xua chúng ra khỏi đầu, hãy nghĩ về vấn đề khác, giải quyết những vấn đề hiện tại chứ đừng trăn trở với sai lầm trong quá khứ.

Những biện pháp tâm lý đơn giản nhưng chúng đã giúp rất nhiều người vượt qua được sự khủng hoảng sau khi rơi vào tai nạn nghiêm trọng chứ không chỉ các sự cố nhỏ…

H.H

(Nguồn: Cẩm nang dành cho người điều khiển ôtô- NXB Giao thông vận tải)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh