Chuyện đằng sau những bức ảnh gây chấn động về chiến tranh Việt Nam

06:05, 01/05/2016

Mỹ rút quân khỏi Việt Nam trong đó có đóng góp một phần không nhỏ của báo chí, với những bức ảnh chiến tranh Việt Nam khiến cả thế giới chấn động.

Mỹ rút quân khỏi Việt Nam trong đó có đóng góp một phần không nhỏ của báo chí, với những bức ảnh chiến tranh Việt Nam khiến cả thế giới chấn động.

Làn sóng chống chiến tranh  tại Mỹ cũng như trên toàn thế giới là một trong những yếu tố buộc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam vào đầu những năm 1970. Đóng góp vào sức mạnh này có một phần không nhỏ của báo chí, trong đó có những bức ảnh phản chiến khiến cả thế giới chấn động.

Ngày 27/3/1971 tại A Sầu, Thừa Thiên Huế. Trên đỉnh một ngọn đồi tan hoang, cỏ cây cháy đen sau trận chiến ác liệt, một người lính Mỹ đơn độc, đầu cúi thấp, thận trọng dò từng bước trong bầu không khí tĩnh lặng đến rợn người.

Anh ta không mảy may biết rằng hình ảnh này đã lọt vào ống kính của một phóng viên chiến trường để rồi trở thành một biểu tượng về sự tàn khốc và vô nghĩa của chiến tranh.

“Khi đó tôi đang có mặt ở thung lũng A Sầu, giữa Phú Bài và Huế, một chiến trường khốc liệt. Tôi đứng trên một sườn đồi và tình cờ thấy một người lính Mỹ đang di chuyển trên một ngọn đồi khác cách đó chừng 300 mét. Tôi đợi anh ta đi đến giữa 2 thân cây và bấm máy”.       

Nhiếp ảnh gia David Kennerly.
Nhiếp ảnh gia David Kennerly.

Nhiếp ảnh gia David Kennerly, tác giả bức ảnh nhớ lại. David tới Việt Nam vào năm 1971 trong vai trò phóng viên mặt trận của hãng thông tấn Mỹ UPI. Ông đã lăn lộn trên khắp các chiến trường Đông Dương trong suốt 2 năm, đủ để nếm trải những nghiệt ngã của cuộc chiến:

 “Thông điệp mà tôi muốn truyền tải qua bức ảnh người lính cô độc là sự thảm khốc của chiến tranh. Dù chỉ có cây cỏ và sườn đồi nhưng đó là một hình ảnh mang tính biểu trưng về những gì thực sự xảy ra khi con người giao chiến với nhau”. 

Bức ảnh người lính cô độc.
Bức ảnh người lính cô độc.

Cũng như nhân vật vô danh chưa từng gặp mặt trong bức ảnh, David Kennerly chỉ nghĩ đó là một bức hình đẹp và bình thường như những bức ảnh khác mà ông chụp trong cuộc chiến tranh Việt Nam mà không biết rằng nó sẽ góp phần đưa ông trở thành một tên tuổi lẫy lừng trong làng nhiếp ảnh thế giới, đồng thời tạo nên một tác động ghê gớm đối với phong trào phản chiến trong lòng nước Mỹ.

Năm 1972, bộ ảnh về chiến tranh Việt Nam của David trong đó có bức “Người lính cô độc” đã đoạt giải thưởng Pulitzer danh giá.        

“Ủy ban Pulitzer nhận xét rằng bức ảnh đã khắc họa ‘sự cô đơn và tàn phá của chiến tranh’. Người lính trong ảnh có thể thuộc bất kỳ bên tham chiến nào: Mỹ, Bắc Việt Nam hay Nam Việt Nam. Tôi nghĩ đó là một bức ảnh mang tính phổ quát và có lẽ cũng là bức ảnh có ý nghĩa nhất với tôi” .

Hơn một năm sau, cả thế giới một lần nữa bàng hoàng trước cuộc chiến tranh Việt Nam qua một bức ảnh cho đến nay vẫn được sử dụng như một biểu tượng phản chiến bất tử: “Em bé napalm” Phan Thị Kim Phúc dưới góc máy của nhiếp ảnh gia Nick Ut. Thời khắc tạo nên bức ảnh lịch sử đến vào chiều ngày 8/6/1972.

Hay tin có chiến sự tại Trảng Bàng (Tây Ninh), lúc này đang do bộ đội miền Bắc kiểm soát, phóng viên ảnh của hãng tin AP Nick Ut vội vã lên đường. Đến nơi thì cũng vừa lúc một chiếc máy bay của quân đội Việt Nam Cộng hòa ném 4 quả bom napalm xuống thị trấn.

Nick Ut nhớ lại: “Bom nổ, tôi đang nghĩ chắc không còn ai sống sót thì một số người, cả chó mèo chạy ra. Một bà cụ bế một đứa bé chừng một tuổi trên tay kêu cứu nhưng đứa bé đã chết ngay lúc đó. Tôi nhìn vào đám khói thì thấy một bé gái trần truồng kêu khóc chạy ra.

Tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao. Tôi bấm máy liên tục và khi nhìn thấy tay và lưng của cô bé bỏng nhiều quá, tôi nghĩ rằng cô ấy không thể sống nổi. Tôi vội để máy ảnh xuống, lấy nước tưới lên tục lên cô bé rồi mượn một chiếc áo mưa che người cô bé đưa lên xe vào bệnh viện”.         

Sau khi Kim Phúc được cứu sống, Nick Ut trở về văn phòng rửa ảnh. Ngay khi đó đã có nhiều tranh cãi rằng có nên gửi cho AP hay không vì đây là bức hình một cô bé 9 tuổi không quần áo.

Các biên tập viên AP định nhờ một chuyên gia người Nhật sử dụng kỹ thuật để che bớt cơ thể nạn nhân nhưng sau đó quyết định giữ nguyên bản gốc và gửi về trụ sở chính tại New York. Bức ảnh lập tức xuất hiện trên trang nhất của tất cả các báo lớn tại Mỹ.

“Bức hình này quá quan trọng đối với tôi. Khi tôi chụp được Kim Phúc tôi biết liền đây là bức hình sẽ chấm dứt chiến tranh”.

Theo VOV

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh