Chưa bao giờ nhà nhà, người người lại lo lắng và mất lòng tin vì thực phẩm bẩn lại trở nên bức thiết như vậy.
Thời gian qua, liên tiếp các vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP) được các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện khiến dư luận bàng hoàng bởi những thực phẩm quen thuộc hàng ngày thậm chí là những món ăn dân dã bị sử dụng chất cấm, chất độc hại.
Chưa bao giờ nhà nhà, người người lại lo lắng và mất lòng tin vì thực phẩm bẩn lại trở nên bức thiết như vậy.
Người dân có nhu cầu thực phẩm sạch rất lớn nhưng lại chủ yếu dựa vào niềm tin để lựa chọn sản phẩm. (Ảnh minh họa) |
Chưa bao giờ người nội trợ lại cảm thấy lo lắng khi chọn lựa thực phẩm nào sẽ an toàn cho các bữa cơm cho gia đình mình giữa những thông tin khủng khiếp vì các loại thực phẩm bị vi phạm VSATTP trong thời gian qua.
Vấn đề thực phẩm bẩn đang trở thành một nỗi ám ảnh lớn với xã hội, gây ảnh hưởng về sức khỏe và tâm lí hoang mang cho người dân.
Người tiêu dùng chưa hết bàng hoàng vì rau muống được trồng từ nhớt thải; thịt heo bị sử dụng chất cấm chất salbutamol; thịt heo, thịt bò bị bom nước cho tăng trọng lượng; biến thịt heo thành thịt bò; trái cây ngâm “thuốc thúc chín”; cà phê hóa chất; sữa bột bị làm giả; giấm gạo giả bằng axit và nước lạnh; mỡ bẩn.
Rồi, hàng loạt cơ sở sản xuất măng tươi tại Đà Nẵng, Nghệ An đã bị các cơ quan điều tra phát hiện có sử dụng các loại phụ gia bị cấm dùng cho thực phẩm.
Chất cấm này có tên vàng ô (Auramine O, tên hóa học là Diarylmethane)- chất được dùng trong công nghiệp nhuộm vải, giấy, quét tường.
Chỉ cần một lượng nhỏ, các cơ sở sản xuất đã có thể “phù phép”, biến măng kém chất lượng thành măng tươi, giòn, màu vàng sẫm để qua mắt người tiêu dùng. Rồi, dưa cải muối cũng bị phát hiện có ngâm chất vàng ô.
Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế của WHO (IARC), đây là chất gây ung thư nhóm 3, gây bệnh cao. Thật là đau, khi hàng ngày người tiêu dùng bị mua những loại thực phẩm bẩn đó. Sức khỏe của người tiêu dùng đang bị bào mòn hàng ngày.
Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam khảo sát cách phân biệt rau an toàn và không an toàn bằng mắt thường. Kết quả cho thấy, hơn 90% số người được hỏi cho biết họ không thể phân biệt.
Người tiêu dùng rất mong manh trước những thủ đoạn khó có thể diễn tả thành lời bởi không thể nào phân biệt đâu là thực phẩm bẩn đâu là thực phẩm sạch. Và, nếu biết đó là thực phẩm bẩn thì cho dù giá thực phẩm đó có rẻ đến mấy thì không ai dám mua để hủy hoại sức khỏe của mình.
Chưa kể đến không ít những nông dân trồng rau đều có luống rau sạch trồng riêng, không phân phướn; trái cây chín cây không ngâm “thuốc giục chín” để dành gia đình ăn. Mỗi lần cho tặng ai, họ đều trấn an: “Đây là thực phẩm sạch được trồng riêng, nuôi riêng để dành nhà ăn”.
Những khoảng đất trống, sân vườn được nhiều người đô thị tận dụng để trồng rau sạch; thả bầy gà cho nó ăn lúa để dành ăn. Người dân có nhu cầu thực phẩm sạch rất lớn nhưng lại chủ yếu dựa vào niềm tin để lựa chọn sản phẩm.
Từ ngày 1/7, liên quan VSATTP tại Bộ luật Hình sự 2015,người chăn nuôi dùng chất cấm, người biết rõ thực phẩm bẩn mà vẫn cố tình chế biến, cung cấp ra thị trường sẽ bị phạt 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm, thậm chí tới 20 năm.
Thiết nghĩ, cần có biện pháp hữu hiệu để giáo dục lương tâm cho những người sản xuất thực phẩm và cảnh cáo về sức khỏe sẽ bị bào mòn mà vô tình họ sẽ gieo rắc cho cộng đồng qua thực phẩm bẩn. Đồng thời, cần có sự phối hợp thật chặt chẽ, thật quyết liệt giữa các cơ quan chức năng để có thể “nói không với thực phẩm bẩn”, để mỗi bữa ăn là niềm vui đem lại nhiều sức khỏe cho mỗi gia đình.
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin