Nguy cơ đến từ... nước mát

03:04, 20/04/2016

Nắng hừng hực. Mặt đường nhựa như bị nắng "hâm nóng" tới chảy ra. Những ngôi nhà, trường học, chợ búa… liền sát nhau, thiếu bóng cây xanh khiến cho không khí càng thêm bức bối.

Nắng hừng hực. Mặt đường nhựa như bị nắng “hâm nóng” tới chảy ra. Những ngôi nhà, trường học, chợ búa… liền sát nhau, thiếu bóng cây xanh khiến cho không khí càng thêm bức bối.

Bởi vậy, cứ vừa tan học là lũ trẻ ùa ra sân, vòi vĩnh ba mẹ “cho con ly sâm lạnh”, “con ly đá bào…”. Tương tự, ở các góc chợ, ngõ hẻm, góc phố nào cũng thấy thanh thiếu niên thường tụ tập uống nha đam, sương sa hột lựu, trà sữa… miễn sao ngọt ngọt, thơm thơm và nhiều đá lạnh là được.

Giải khát ở góc phố, vỉa hè là một dịch vụ gần như không thể thiếu được ở các đô thị. Một ly sinh tố, đá bào hoặc một chai “nước mát” nha đam, sâm lạnh chỉ vài ngàn đồng đã có thể giúp khách giải khát, dịu bớt cái nắng nóng khó chịu. Nhưng điều đáng bận tâm là mặt hàng này luôn có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm khá cao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, người bán “nước mát” thường tự nấu hoặc mua từ một điểm cung cấp sỉ, nước mát đóng chai thường lấy chai nước cũ để sử dụng lại rồi ướp lạnh, không thể biết được hạn sử dụng. Thùng chứa đá thường được dùng “dài hạn” ít được lau rửa sạch. Trái cây để làm sinh tố thường đặt trong tủ không đóng kín hoặc bày ngay trên bàn, nên có thể nhiều bụi bặm nhưng vẫn được ép ngay khi có khách mua mà không hề rửa sạch lại…

Giải khát vỉa hè là nhu cầu bình thường của người đô thị, tuy nhiên, mỗi người cần ý thức tự bảo vệ sức khỏe. Nên chọn lựa kỹ khi sử dụng các loại đồ uống, “nước mát” không rõ nguồn gốc, không có hạn sử dụng. Thời tiết nắng nóng khiến cho thực phẩm, nước giải khát- nếu không được chế biến, bảo quản cẩn thận, rất dễ bị ôi thiu, hư hỏng và từ đó, gây nên các căn bệnh về đường tiêu hóa, nhất là đối với trẻ nhỏ.

NGUYÊN CHƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh