Thông tin diện tích đất tách thửa tối thiểu sẽ được điều chỉnh xuống mức thấp đang được nhiều người quan tâm và hy vọng sự thay đổi này sẽ tháo gỡ những bất cập các địa phương đang gặp phải.
Thông tin diện tích đất tách thửa tối thiểu sẽ được điều chỉnh xuống mức thấp đang được nhiều người quan tâm và hy vọng sự thay đổi này sẽ tháo gỡ những bất cập các địa phương đang gặp phải.
Việc điều chỉnh hạ mức diện tích đất tối thiểu khi tách thửa đối với đất nông nghiệp ở khu vực đô thị và ven đô thị sẽ mang đến nhiều quyền lợi cho người dân.Ảnh minh họa: VINH HIỂN |
Diện tích “sàn” cao, nảy sinh bất cập
Theo phản ánh của người dân, quy định về diện tích đất tối thiểu được tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thời gian qua quá cao, khiến các gia đình có ít đất nhưng đông con muốn chia đất cho con ra riêng nhưng không đủ diện tích tối thiểu nên không tách thửa được.
“Vợ chồng tôi dành dụm gần cả đời mới mua được hơn nửa công vườn. Năm rồi, tôi cưới vợ cho thằng út nên chia cho vợ chồng đứa lớn 200m2 đất cất nhà ra riêng. Nhưng ở đây, đất nông nghiệp tách thửa tối thiểu phải 500m2, chia ra không đủ diện tích như quy định nên muốn tách thửa phải chuyển mục đích sử dụng sang đất ở, tốn rất nhiều tiền. Tôi không có tiền đóng nên cắm ranh cho con trước, giấy tờ tính sau”- một cán bộ về hưu ở xã Tân Hạnh (Long Hồ) chia sẻ.
Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi ghi nhận một thực trạng không chỉ “cha mẹ chia đất cho con gặp khó” mà nhiều trường hợp chuyển nhượng đất không đủ diện tích tối thiểu đã “lách luật” bằng cách thỏa thuận đồng sở hữu- nhiều người mua nhưng để một người đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất hoặc mua bán qua “giấy tay” không sang tên, tách thửa nên khi phát sinh tranh chấp, đôi bên không giải quyết được phải nhờ tòa phân xử.
Vụ tranh chấp kéo dài nhiều năm giữa bà L.T.T (ở Phường 9- TP Vĩnh Long) và ông L.N.A (ở xã Hiếu Nhơn- Vũng Liêm) đối với mảnh đất không tách thửa được là một ví dụ điển hình.
Cụ thể, bà T. chuyển nhượng cho vợ chồng em gái 18,4m2 đất ở để cất nhà nhưng không làm thủ tục tách thửa được vì diện tích quá nhỏ (quy định đất ở tối thiểu từ 36- 45m2) nên “chị em chỉ làm giấy tay đưa tổ trưởng xác nhận”.
Do biên nhận viết tay này là hình thức mua bán không đúng quy định và trên giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất, bà T. vẫn còn là chủ sở hữu hợp pháp nên khi bà T. chuyển nhượng đất cho ông A. đã được các cơ quan chức năng ở TP Vĩnh Long chấp thuận.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, bà T. không thể giao phần diện tích đất người em đang sử dụng cho ông A. nên ông A. gửi đơn khởi kiện ra tòa. Tương tự, vợ chồng ông T.T.N và bà P.T.M.H có 295m2 đất ở Phường 5 (TP Vĩnh Long). Sau khi ly hôn, ông N. và bà H. không thể phân chia thửa đất trên do không đủ diện tích tối thiểu để tách thửa, muốn bán một nửa cũng không bán được nên cả 2 tiếp tục đưa nhau ra tòa nhờ giải quyết.
Đây là một trong những lý do dẫn đến số vụ tranh chấp về đất đai được TAND các cấp thụ lý tăng thời gian qua. “Khi người dân chuyển nhượng, tặng cho đất bằng “giấy tay” không thực hiện đăng ký tách thửa sẽ làm thay đổi hiện trạng bản đồ đất đai, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Do đó, hạ mức diện tích đất tối thiểu phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi muốn tách thửa, sang tên, hạn chế phát sinh tranh chấp, thưa kiện và việc quản lý cũng sẽ chặt chẽ hơn”- ông Nguyễn Hữu Vinh- Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Vĩnh Long chia sẻ.
Tháo gỡ khó khăn
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Vĩnh Long về những vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Đấu- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường tỉnh Vĩnh Long, cho biết:
“Quá trình thực hiện Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 15/1/2015 của UBND tỉnh Vĩnh Long đã bộc lộ một số nội dung quy định về mức diện tích đất tối thiểu để tách thửa chưa phù hợp với thực tiễn từng địa phương, đặc biệt là đối với địa bàn các đô thị và ven đô thị như TP Vĩnh Long, TX Bình Minh, Long Hồ... nên sau khi lấy ý kiến các đơn vị liên quan, chúng tôi đã trình UBND tỉnh xem xét điều chỉnh hạ mức diện tích đất nông nghiệp tối thiểu ở các xã thuộc thành phố, thị xã và thị trấn từ 400m2 xuống còn 100m2; các xã thuộc huyện từ 500m2 còn 200m2; riêng các quy định khác không thay đổi”.
Hướng điều chỉnh này đang được dư luận quan tâm nên “hổm rày, dân cứ đến gặp cán bộ văn phòng đăng ký đất hỏi quy định mới chừng nào áp dụng”- ông Nguyễn Hữu Vinh cho biết thêm.
Còn ông Nguyễn Chí Hiền- cán bộ địa chính xã Long Phước (Long Hồ) thì bảo:
“Thời gian qua, có không ít người từ địa phương khác đến đây mua đất cất nhà nhưng không đủ diện tích tối thiểu phải chuyển mục đích sử dụng để được tách thửa và ghi nợ tiền sử dụng đất trên giấy chứng nhận. Những trường hợp này, khi muốn vay vốn ngân hàng hoặc sang bán đều không thực hiện được. Do đó, hạ mức diện tích đất tối thiểu người dân sẽ gặp thuận lợi hơn khi tách thửa, được đứng tên sở hữu tài sản của mình và được quyền sang nhượng, cầm cố, tặng cho người khác”.
Có thể nói, việc điều chỉnh hạ mức diện tích đất tối thiểu khi tách thửa đối với đất nông nghiệp ở khu vực đô thị và ven đô thị sẽ mang đến nhiều quyền lợi cho người dân cũng như đảm bảo nguồn thuế sử dụng đất, thuế trước bạ của Nhà nước không bị thất thu. Tuy nhiên, xoay quanh việc điều chỉnh này, chúng tôi ghi nhận một vấn đề cần lưu ý đó là “thị trường bất động sản” theo kiểu “xẻ ruộng, vườn bán nền” đang “rục rịch” hoạt động trở lại.
Một thửa đất tại Phường 8 (TP Vĩnh Long) được một “đại gia” mua chuẩn bị bơm cát, phân lô bán nền. Ảnh: TRINH TUYỀN |
Thực tế, sau khi Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ban hành, đã hạn chế được tình trạng chia tách phân lô, bán nền tự phát và chuyển mục đích sử dụng đất trái phép trên địa bàn tỉnh. “Quy định mức diện tích tối thiểu quá cao, phân lô tách thửa không được, dễ “dính” tranh chấp nên năm rồi tôi “ở không”. Sắp tới, quy định này sẽ được điều chỉnh nên tôi mới làm lại”.
Một người chuyên kinh doanh bất động sản theo kiểu “mua ruộng, vườn bơm cát bán nền” ở Long Hồ cho biết.
Hiện một số “đại gia” như trên đã bắt đầu “lùng sục” mua đất và có không ít mảnh vườn, thửa ruộng ven đô thị TP Vĩnh Long đang chuẩn bị xẻ lô bán nền. Khi quy định hạ mức diện tích đất tối thiểu ban hành, có thể hoạt động này sẽ nhộn nhịp như trước. Do đó, chính quyền, ngành chức năng cần có giải pháp quản lý chặt, tránh tình trạng vấn đề này vừa giải quyết xong lại nảy sinh những bất cập khác.
PHƯỢNG NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin