Đừng để trẻ em tử vong vì đuối nước

02:04, 21/04/2016

Câu chuyện thương tâm về 9 em học sinh nam lớp 6B Trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) chết đuối khiến dư luận bàng hoàng xót xa. Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì lại nghe tin 2 anh em ruột dắt nhau đi chơi bị chết đuối ở công trình xây hầm cầu vệ sinh gần nhà. 

Câu chuyện thương tâm về 9 em học sinh nam lớp 6B Trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi) chết đuối khiến dư luận bàng hoàng xót xa. Vụ việc chưa kịp lắng xuống thì lại nghe tin 2 anh em ruột dắt nhau đi chơi bị chết đuối ở công trình xây hầm cầu vệ sinh gần nhà.

Trẻ em nhất là trẻ sống vùng nông thôn nhiều sông rạch, ao hồ rất cần được học bơi để tránh tai nạn đuối nước.
Trẻ em nhất là trẻ sống vùng nông thôn nhiều sông rạch, ao hồ rất cần được học bơi để tránh tai nạn đuối nước.

Rồi liên tiếp 2 ngày, 12 trẻ em ở tỉnh Quảng Ngãi tử vong do đuối nước, trong đó 10 em đuối nước trong lúc tắm sông, suối; 2 cháu khác do sự bất cẩn của gia đình…

Những học trò vùng quê nghèo không có chỗ vui chơi đành lấy chuyện tắm sông, đùa giỡn với nước làm thú vui. Song, trong lúc ham vui, ham chơi dưới nước, các em không hề nghĩ đến tai ương, tử thần đang rình rập mình.

Thật thương tâm khi một số học sinh nhảy xuống sông tắm nhưng không may rơi vào vùng nước sâu, vì các em không biết lội nên chới với. Những nam sinh khác ở trên bờ lao nhanh xuống cứu bạn và bị cuốn trôi theo dòng nước.

Những vụ tự ý bơi lội ở sông, hồ, biển… có nguy cơ tử vong cao, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tỷ lệ tai nạn chết đuối ở trẻ em Việt Nam rất cao, chỉ đứng sau tử vong do tai nạn giao thông.

Theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, con số trung bình hàng năm có khoảng 3.000 trẻ tử vong do đuối nước khiến mọi người giật mình và đau xót. Nguyên nhân do phần nhiều học sinh không biết bơi; học sinh thiếu kỹ năng để phòng, tránh đuối nước.

Trẻ chưa thể nhận biết những khu vực ao, hồ, sông suối, những nơi có nguy cơ cao gây đuối nước; chưa có kỹ năng để tự đối phó; thiếu cách thức tiếp cận để cứu người bị đuối nước nên có nhiều trường hợp xảy ra đuối nước tập thể; thiếu sự giám sát của người lớn.

Những tai nạn do đuối nước không chỉ khiến cho gia đình của các em đau xót mà còn khiến cả cộng đồng tiếc thương. Vậy chúng ta cần phải làm gì để phòng tránh tai nạn do đuối nước?

Bơi là một kĩ năng sống tối cần thiết. Học được các kỹ thuật bơi lội và kỹ thuật sơ cấp cứu để biết tự cứu mình cứu bạn khi bị đuối nước sẽ giúp trẻ em tránh tai nạn đuối nước.

Trẻ em tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi. Những nơi thường xảy ra tai nạn, cần phải thành lập đội cứu hộ và các phương tiện cần thiết để cấp cứu. Đặt các biển báo nguy hiểm tại các bãi tắm biển, tắm sông.

Môi trường sống trong gia đình, cộng đồng có nhiều nguy cơ mất an toàn, đòi hỏi sự giám sát và cảnh báo.

Mỗi gia đình cần phối hợp với nhà trường để quản lý chặt chẽ con em mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh trốn học hoặc lợi dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ để đi tắm sông, biển hay tìm đến những địa điểm vui chơi không an toàn.

Trong gia đình, người lớn cần quan tâm để mắt tới con em. Luôn căn dặn trẻ không được chơi gần ao hồ. Các công trình cần rào chắn kỹ càng, những dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy an toàn.

Chỉ một vài giây lơi lỏng của người lớn là trẻ em có thể rơi xuống ao, hồ, sông, suối, giếng nước… có thể bị ngạt và chết đuối chỉ sau 1-2 phút. Đây cũng chính là mối hiểm họa tiềm tàng gây tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Nhà trường nên đưa kiến thức phòng chống đuối nước, nên dạy bơi cho trẻ song hành với kỹ năng sống, để giúp các em hiểu biết hơn và sẽ tránh được những tai nạn thương tâm.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2011- 2015 tỉnh Vĩnh Long có 130 em bị đuối nước (trong đó 87 em tử vong). Tỉnh có mạng lưới sông hồ kinh rạch nhiều. Phần đông số trẻ tử vong đều dưới 6 tuổi và tập trung vào các gia đình khó khăn vùng nông thôn, cha mẹ đi làm ăn, thiếu sự quan tâm. Một số do các em hiếu động rủ nhau đi chơi, tắm sông, một số khác do các em phải mưu sinh sớm,...

Thời gian qua, Sở đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao kiến thức phòng chống đuối nước trẻ em. Phối hợp xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học, cộng đồng; mở các lớp dạy bơi cho trẻ ở tất cả các địa phương trong tỉnh; phổ cập kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng;…

Bài, ảnh: MAI ANH

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh