Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, hiện có 9/11 xã, thị trấn của huyện đã bị nhiễm mặn, có nơi độ mặn đo được 5,2‰.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, hiện có 9/11 xã, thị trấn của huyện đã bị nhiễm mặn, có nơi độ mặn đo được 5,2‰.
Nạo vét mương nội đồng để trữ nước tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN) |
Đây là năm có mặn xâm nhập sâu và nồng độ cao nhất trong hơn 20 năm qua. Mặn xâm nhập đã gây ảnh hưởng rất lớn đến diện tích cây ăn quả, cây giống và hoa kiểng của huyện – nơi được ví là “vương quốc” cây ăn trái, hoa cảnh và cây giống của miền Tây.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết, huyện Chợ Lách là huyện nước ngọt quanh năm nên cây trồng, vật nuôi đã thích nghi với điều kiện nước ngọt. Tuy nhiên, năm nay do mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho cây trồng và vật nuôi.
Độ mặn chỉ ở khoảng 0,5‰ cũng ảnh hưởng đến cây trồng như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt,… làm giảm sức sống của cây và làm cho cây rụng lá, rụng hoa, rụng trái.
Cây giống và hoa cảnh cũng chịu mặn rất kém, chỉ cần tưới hai lần nước bị nhiễm mặn 0,5-0,8‰ cũng gây nên hiện tượng cháy lá, đặc biệt có những cây sẽ suy kiệt và chết đi. Tuy nhiên, độ mặn 0,5‰ kéo dài liên tục thời gian nhưng người dân không biết nên vẫn dùng nước này tưới cây. Ước tính thiệt hại cây giống, cây ăn quả và cây kiểng trên 30 tỷ đồng. Thời gian tới thiệt hại sẽ nặng nề hơn, ông Bùi Thanh Liêm nhận định.
Huyện Chợ Lách có 10.563 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là vườn cây ăn trái và sản xuất cây giống, hoa kiểng; trong đó, vườn cây ăn trái 8.483 ha, đất sản xuất cây giống 622 ha, đất sản xuất hoa kiểng là 220 ha. Sau hơn 1 tháng mặn xuất hiện, đến nay đã có 6.000ha bị nhiễm mặn; trong đó nhiễm mặn nặng từ 1,5-2,5‰ là 3.000 ha. Đã có trên 110.000 cây như sầu riêng, xoài, tắc… bị chết và 150.000 cây bị cháy lá, giảm sinh trưởng.
Gia đình chị Lê Thị Kiều Trinh, ấp Tân An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách ươm được 17.000 cây bơ giống. Hiện cây bơ đã được 5 tháng, chỉ còn vài tháng nữa có thể ghép cành nhưng nước mặn đã khiến lá bơ bị cháy và rụng dần. Không biết tìm đâu ra nguồn nước ngọt để tưới nên chị Trinh vẫn phải dùng nước nhiễm mặn.
Không chỉ vườn cây bơ giống bị cháy lá, vườn chôm chôm, mãng cầu với khoảng 60.000 cây của gia đình chị Trinh cũng bị cháy lá, rụng trái. Mới gần một tháng, nước nhiễm mặn đã làm thiệt hại của gia đình chị hơn 100 triệu đồng.
Vườn chôm chôm 2.000m2 (40 cây) nhà chị Nguyễn Thị Mừng, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cũng trong tình trạng bị cháy, rụng lá do nước mặn đã xâm nhập vào vườn.
Cả vườn chôm chôm, cây thì đã trụi lá, cây có trái thì trái thì quả bị khô queo. Cả vườn chôm chôm đầy nước dưới mương nhưng cây vẫn chết vì nước đó đã bị nhiễm mặn. Giờ chị Mừng chỉ còn biết chờ mưa xuống.
Mùa này những năm trước, đi dọc tuyến đường Quốc lộ 57 qua các xã Hưng Khánh Trung B, Long Thới, Vĩnh Thành,… ngập tràn hoa chôm chôm, sầu riêng và màu xanh mướt của lá cây giống. Thế nhưng, năm nay nhìn các vườn cây chỉ một màu đỏ úa.
Cái nắng gay gắt tháng 3 xứ dừa cũng không khiến người ta nhói mắt bằng màu đỏ úa của những vườn chôm chôm, vườn cây mít, cây bơ giống.
Những ngày này, con đường chạy ngang xã Vĩnh Hòa cứ tấp nập xe chở máy đi khoan giếng. Những nhà vườn cố tìm mọi vị trí để khoan giếng, tìm nước ngọt tưới cho vườn cây ăn trái, vườn cây kiểng, tuy nhiên giải pháp này cũng không khả thi.
Gia đình chị Trần Thanh Thủy, ấp Hòa 1, xã Vĩnh Hòa thuê thợ khoan ba vị trí nhưng ở đâu nước cũng nhiễm mặn. Vợ chồng chị đành lấp giếng, thuê ghe chở nước ngọt từ phà Tân Phú (nối huyện Châu Thành – Chợ Lách) để dành tưới cho vườn bonsai 1.000 cây của gia đình.
18m3 nước có giá 900.000 đồng, nên khi nước trên sông có độ mặn khoảng 1‰, chị Thủy lấy nước sông pha với nước mua về và chỉ tưới cho cây đủ ẩm. Với những cây bonsai “cưng”, mỗi ngày chị Thủy phải mua 3 bình nước lọc 20 lít về tưới phun sương.
Không chỉ chị Thủy, những hộ trồng cây cảnh khác sử dụng nước cũng rất tiết kiệm. Có gia đình chỉ giữ cho cái cây đủ nước sống bằng cách treo lon, treo chai hoặc xịt chứ không tưới dưới gốc; tìm cỏ, tìm rơm, mụn dừa ủ gốc để giữ ẩm…
Ông Trần Công Tính, cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre khuyến cáo, ở độ mặn dưới 0,5‰ người dân có thể trữ nước tưới cho cây giống và hoa kiểng. Khi độ mặn trên 0,5‰, cây sẽ bị cháy lá cũng như chậm phát triển.
Trước tình hình nước nhiễm mặn xâm nhập sâu và có khả năng còn kéo dài, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân ứng phó xâm nhập mặn; đo mặn và hướng dẫn người dân cụ thể từng thời điểm lấy nước…
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Bến Tre, khoảng tháng 5, tháng 6 mới có mưa xuất hiện trên khu vực tỉnh Bến Tre và phải đến tháng 7 thì xâm nhập mặn mới giảm. Tình hình xâm nhập mặn ngày càng sâu và phức tạp./.
Theo http://www.vietnamplus.vn/vuong-quoc-cay-an-trai-o-mien-tay-doi-mat-voi-man-xam-nhap/377389.vnp
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin